Giá thức ăn chăn nuôi sẽ giảm dần và ổn định từ tháng 7/2021
Chưa kịp gượng dậy sau đợt dịch COVID-19 bùng phát mạnh, các doanh nghiệp và người nông dân lại phải đối mặt với việc giá thức ăn chăn nuôi "leo thang", khiến chi phí đầu vào tăng cao.
Theo số liệu thống kê, tính tới thời điểm hiện tại, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng từ 5 đến 6 đợt với mức tăng từ 200 đến 300 đồng/kg/lần, với tổng mức tăng chung là 10 - 15% (tương đương 1.000-1.500 đồng/kg, tùy từng loại. Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) nhận định, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu chưa thể giảm trong quý ll/2021 và dự báo giá sẽ giảm dần và ổn định từ tháng 7/2021.
Theo đó, giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm sẽ còn tăng, tối thiểu là 5-10% (500-1.000 đồng/kg) tùy loại để đạt mức tăng chung là 20% thì mới có thể dừng lại. Khi đó, thức ăn chăn nuôi hoàn chỉnh cho lợn thịt và gà thịt ở giai đoạn vỗ béo có thể sẽ lên mức trên 11.000-11.300 đồng/kg.
Nguyên nhân chính khiến giá thành phẩm thức ăn chăn nuôi tăng liên tục là do giá các loại ngũ cốc đầu vào đều tăng cao và thiết lập ở mặt bằng giá mới như hiện nay. Điều này xuất phát từ nhiều yếu tố trong đó có chi phí sản xuất tăng cao, biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến mùa màng, các quỹ đầu tư lớn chuyển hướng sang đầu cơ nông sản... Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, chi phí vận chuyển tăng 200-300% so với bình thường do thiếu tàu biển và container vận chuyển hàng hóa...
Tại Tại Hội nghị Triển khai các giải pháp phát triển chăn nuôi và thuỷ sản trong tình hình mới diễn ra gần đây, ông Nguyễn Xuân Dương, quyền cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho biết: "Giá nguyên liệu như ngô, lúa mì có xu hướng tăng nhanh do những lo ngại về nhu cầu thu mua của Trung Quốc tăng cao, cũng như tình trạng hạn hán tại Brazil có thể ảnh hưởng đến sản xuất ngô của nước này. Argentina là nước cung cấp số lượng ngô, đậu tương. Khô dầu đậu tương thế giới đình lại tại các cảng biển làm cản trở việc xuất khẩu các lô hàng của nhiều doanh nghiệp Việt Nam".
Việt Nam là quốc gia sản xuất thức ăn chăn nuôi thuộc nhóm đầu của các nước Đông Nam Á nhưng lại không chủ động được nguồn nguyên liệu nên phải phụ thuộc vào nước ngoài tới hơn 80%. Trong khi đó, dịch COVID-19 đã khiến ngành vận tải gặp khó khăn do khâu kiểm soát dịch bệnh khắt khe tại các nước xuất khẩu, thậm chí nhiều nước đã tạm dừng hoạt động này nên gây đứt gãy chuỗi cung ứng.
Khi giá thức ăn chăn nuôi tăng mạnh, doanh nghiệp là đối tượng bị ảnh hưởng đầu tiên và nông dân chịu hậu quả nặng nề nhất, đặc biệt là người chăn nuôi có quy mô vừa và nhỏ.
Để kiểm soát giá và thị trường thức ăn chăn nuôi, ông Nguyễn Xuân Dương nhấn mạnh các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh cần chủ động tìm kiếm và tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước có thể thay thế được nguồn nhập khẩu. Ngoài ra cần quản trị tốt nguồn nguyên liệu và giảm tối đa các chi phí sản xuất để hạ giá thành thành phẩm.
Bên cạnh đó, theo một số chuyên gia, cần có giải pháp giảm chi phí nhập khẩu các loại nguyên liệu thức ăn chăn nuôi bằng các chính sách thương mại và nâng cao năng lực hệ thống logistics trong hoạt động xuất nhập khẩu kinh doanh nguyên liệu.
Thời gian tới, Cục Chăn nuôi kiến nghị Bộ Công Thương khẩn trương tiến hành đàm phán song phương với các nước mà Việt Nam nhập khẩu số lượng lớn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi như Mỹ, Argentina, Brazil, Ấn Độ… để có chính sách ưu đãi về giá và đảm bảo chất lượng và số lượng nguyên liệu thức ăn cho thị trường Việt Nam.
Các chuyên gia cũng kiến nghị, Bộ Tài chính cần có chính sách tạm thời giảm thuế nhập khẩu ngô, khô đậu tương và lúa mỳ trong thời gian ngắn hạn; giảm mức thu phí lưu kho, lưu bãi với nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu; đồng thời bố trí ngân sách ưu tiên và đơn giản hóa quy trình, thủ tục cho thực hiện Nghị định 57/2018 ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Nhung T. (Tổng hợp)Không khí Tết len lỏi khắp mọi nẻo đường lên “nóc nhà Đông Dương”, Fansipan (Sa Pa) khoác lên tấm áo xuân rực rỡ sẵn sàng chào đón du khách trong kỳ nghỉ lễ sắp tới.