Giá tôm nguyên liệu đang ở mức thấp nhất kể từ đầu năm 2023

Thị trường
10:35 AM 08/08/2023

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá tôm nguyên liệu tại đồng bằng sông Cửu Long trong tháng 7/2023 tiếp tục giảm (cả tôm sú và tôm thẻ chân trắng), hiện giá tôm đang ở mức thấp nhất kể từ đầu năm 2023.

Tại Bạc Liêu, giá trung bình tôm sú ướp đá cỡ lớn 20 con/kg giảm 19.300 đồng/kg so với tháng 6/2023 xuống còn 187.000 đồng/kg, cỡ 30 con/kg ở mức 150.000 đồng/kg (giảm 22.000 đồng/kg), cỡ 40 con/kg giữ mức 130.000 đồng.

Giá tôm thẻ ướp đá cỡ 40 con/kg giảm 3.000 đồng/kg so với tháng 6/2023 xuống còn 95.000 đồng/kg; cỡ 60 con/kg giảm 2.000 đồng/kg còn 73.300 đồng/kg, cỡ 100 con/kg 67.000 đồng/kg (giảm 1.400 đồng/kg).

Giá tôm đang ở mức thấp nhất kể từ đầu năm 2023 - Ảnh 1.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, giá tôm liên tiếp sụt giảm do hiện đang vào mùa vụ nuôi tôm chính, không chỉ ở Việt Nam, mà còn tập trung ở các nước nuôi tôm khác như Ecuador, Ấn Độ và Indonesia, trong khi tình hình xuất khẩu bị đình trệ.

Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bạc Liêu cho biết, giá tôm xuống thấp do tình hình xuất khẩu gặp khó khăn, lượng tồn kho tăng khiến nhu cầu tiêu thụ và nhập khẩu tại các thị trường giảm. Về lâu dài, nông dân cần phải hướng đến các quy trình nuôi tôm hiệu quả, bền vững; nên có những lộ trình, kế hoạch theo mùa vụ để sản phẩm đáp ứng nhu cầu chế biến của doanh nghiệp.

Trong tháng 7, diện tích thu hoạch tôm tăng do giá thu mua tôm tại các nhà máy lớn ổn định và có xu hướng tăng. Mặt khác, xuất khẩu tôm có những tín hiệu tích cực.

Sản lượng tôm tháng 7 ước đạt 123,4 nghìn tấn, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng lũy kế 7 tháng ước đạt 590,1 nghìn tấn, tăng 4,0% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, sản lượng tôm sú tháng 7 ước đạt 28,4 nghìn tấn, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng lũy kế 7 tháng ước đạt 147,7 nghìn tấn, tăng 1,3%; sản lượng tôm thẻ chân trắng tháng 7 ước đạt 89,4 nghìn tấn, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng lũy kế 7 tháng ước đạt 404,6 nghìn tấn, tăng 5,0%.

Sau thời gian đối diện với tình hình ảm đạm, hoạt động xuất khẩu tôm của Việt Nam đang dần hồi phục với lượng đơn đặt hàng từ các nhà nhập khẩu tăng trở lại và đến từ các nhà nhập khẩu như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc và Hàn Quốc.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), hàng tồn kho tại các thị trường nhập khẩu giảm do lạm phát hạ nhiệt; nhu cầu đặt hàng tăng nhằm phục vụ mùa lễ hội cuối năm; các nước có thế mạnh tôm nuôi bước vào cuối vụ.

Trước tín hiệu tích cực từ thị trường, khả năng cung ứng ổn định của doanh nghiệp, VASEP dự báo, tuy không đạt kim ngạch như năm trước, nhưng xuất khẩu tôm năm nay có thể đạt trên 3 tỷ USD, bằng mức trước dịch COVID-19.

Năm 2023, ngành tôm đặt mục tiêu diện tích nuôi khoảng 750.000 ha, trong đó tôm sú 610.000 ha, tôm thẻ 120.000 ha, còn lại là tôm càng xanh và tôm khác; sản lượng tôm các loại khoảng 1 triệu tấn, xuất khẩu đạt 4,3 tỷ USD.

Nhận định về phát triển ngành tôm năm 2023, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, trước tình hình thế giới biến động do xung đột địa chính trị, biến đổi khí hậu, các nước siết chặt vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, thị trường lạm phát cao tại Mỹ..., thị trường tiêu thụ xuất khẩu thủy sản sẽ khó khăn. Việc đặt ra kế hoạch xuất khẩu trên 4,3 tỷ USD đối với ngành tôm là cần phải cố gắng rất lớn.

Để đạt kết quả trên, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến yêu cầu Cục Quản lý chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường kiểm soát tốt chất lượng, an toàn thực phẩm thủy sản nguyên liệu, kiểm soát tạp chất, tồn dư hóa chất, kháng sinh trong sản phẩm tôm nhằm nâng cao chất lượng. Chủ động, thường xuyên đánh giá diễn biến thị trường, đề xuất giải pháp, kịp thời thông tin để người dân biết, có kế hoạch sản xuất phù hợp.

Các địa phương tổ chức liên kết chuỗi sản xuất tôm, đảm bảo chuỗi sản xuất tôm liên hoàn; ngăn chặn kịp thời những sản phẩm như con giống, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thuỷ sản không đảm bảo chất lượng tới người tiêu dùng. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm trong nuôi trồng thủy sản nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm phục vụ chế biến, tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Huyền My (t/h)
Ý kiến của bạn