Giá trị bản địa với phát triển du lịch Quảng Nam
Ngày 12/4, tại Đảo Ký ức Hội An, Câu lạc bộ (CLB) Điểm đến Quảng Nam - trực thuộc Hiệp hội Du lịch Quảng Nam đã tổ chức buổi nói chuyện chuyên đề: “Giá trị bản địa với du lịch Quảng Nam”.
Sự kiện có sự góp mặt của ông Nguyễn Sự - Cựu Bí thư Thành ủy Hội An, ông Hồ Xuân Tịnh - Cựu Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam, ông Nguyễn Đức Minh - Cựu Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An. Buổi nói chuyện còn có sự góp mặt của các bạn trẻ, đến từ các homestay, villa, công ty lữ hành, nhà hàng, thủ công mỹ nghệ, hướng dẫn viên, kinh doanh bất động sản và cả những bạn làm việc tự do yêu thích tìm hiểu về văn hóa bản địa.
Trong thời gian gần 4 tiếng, các khách mời chia sẻ thông tin và kiến thức xoay quanh 3 chủ đề: "Trầm tích văn hóa trên đôi bờ sông Thu Bồn", "Văn hóa tâm linh Hội An và Cù Lao Chàm", "Hội An nhân tình thuần hậu". Đây là những gợi mở ban đầu giá trị để những ai quan tâm có cơ sở để tìm hiểu sâu hơn về những giá trị văn hóa vùng đất Hội An và tỉnh Quảng Nam.
Dọc sông dòng sông mẹ Thu Bồn đâu chỉ có những bãi rau, bến nước, làng nghề, mà sâu trong đó là trầm tích văn hóa lắng đọng qua bao thăng trầm lịch sử. Trải dài từ khối núi Ngọc Linh đến Cửa Đại, sông Thu Bồn chứa đựng nhiều câu chuyện văn hóa thú vị của các tộc người Xơ Đăng, Ca dong, Cor (Nam Trà My và Bắc Trà My), tiêu biểu là Nghi lễ dựng cây Nêu và bộ Gu trong Lễ hội Ăn trâu của người Cor đã được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia (2015).
Nhiều di tích văn hóa Sa Huỳnh đã được phát hiện tại Tiên Phước, Quế Sơn, Nông Sơn dọc theo dòng sông này. Càng về xuôi, các trầm tích văn hóa càng hiển lộ rực rỡ với Dinh, Lăng và Lễ hội Bà Thu Bồn, Kinh đô Trà Kiệu Simhapura, Dinh trấn Thanh Chiêm gắn với sự ra đời của chữ quốc ngữ, và phía cuối dòng là Đô thị cổ Hội An – một di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận từ năm 1999.
Theo chia sẻ của các vị khách mời, Hội An là một vùng đất đặc biệt - là nơi hội thủy, hội nhân, nơi sớm có sự giao lưu, giao thoa, tiếp biến của nhiều nền văn hóa Đông Tây. Dù là trước đây khi đóng vai trò một thương cảng sầm uất bậc nhất xứ Đàng Trong, hay bây giờ là điểm đến du lịch hàng đầu cả nước, Hội An vẫn luôn học hỏi, chắt lọc và giữ được nét riêng có của vùng đất này. Phở Hội An là phở theo kiểu riêng của người Hội An, cao lầu thì chỉ có ở Hội An, hay các công trình kiến trúc dạng đền thì được người Hội An gọi là chùa.
Nói như ông Nguyễn Sự, vùng đất này có sức mạnh ngầm giúp "hóa giải" sự khác biệt của những nền văn hóa, của những con người đến với mảnh đất này, để cuối cùng còn lại là những gì phù hợp với văn hóa Hội An. Đối với nhiều người, Hội An là nơi lưu giữ hoài niệm về một thời quá vãng, là nơi giúp chữa lành khỏi những xô bồ chốn thị thành. Nhiều người từ thích, mến đến yêu và rồi chọn gắn bó với Hội An là bởi đằng sau phần cảnh quan hiện hữu, tình người ở xứ này đã níu giữ được trái tim những du khách phương xa. Bởi vậy, kể cả người Hội An, hay những người từ xa đến sinh sống và lập nghiệp tại nơi đây, tất cả đều đang góp phần cho một Hội An nhân tình thuần hậu - vẻ đẹp đặc biệt cuốn hút của đô thị cổ sống động này.
Buổi nói chuyện tạo không khí kết nối, sẻ chia, truyền cảm hứng và năng lượng tích cực giữa hai thế hệ. CLB Điểm đến Quảng Nam gìn giữ giá trị bản địa mong rằng qua những buổi trò chuyện sẽ giúp các anh chị em trong nghề, đặc biệt là các bạn trẻ có cơ hội hiểu biết nhiều hơn về các giá trị văn hóa đặc trưng Quảng Nam, từ đó tìm hiểu tường tận để có cách lồng ghép các giá trị bản địa vào sản phẩm/dịch vụ của mình. Sâu xa hơn, gìn giữ những giá trị văn hóa bản địa trong bối cảnh giao lưu văn hóa mạnh mẽ hiện nay không chỉ là giữ những nét riêng có tạo nên sự hấp dẫn của điểm đến du lịch, mà còn giúp gìn giữ chỗ dựa tinh thần, mạch nguồn văn hóa cho các thế hệ tương lai.
Nguyễn TuấnGiá xăng trong nước ngày mai (23/1) được dự báo quay đầu giảm sau khi đã có 3 lần tăng liên tiếp. Nếu không tác động đến Quỹ bình ổn, giá xăng có thể giảm khoảng 50-150 đồng/lít, trong khi giá dầu diesel có khả năng tiếp tục tăng.