Giá trị kinh tế của hạt dổi đỏ

Kinh doanh
02:07 PM 18/07/2022

Ngày nay, nhiều người ở dưới xuôi đã thường xuyên dùng gia vị chấm có vị dổi đỏ nên một số hộ dân vùng cao Tây Bắc phát triển kinh tế nông thôn bằng việc trồng dổi để lấy hạt và đã đem lại nguồn lợi kinh tế khá lớn.

Ai đã từng đến huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình chắc hẳn đã từng được thưởng những món ăn của người Mường mà đặc biệt là những món ăn mang đậm bản sắc dân tộc đó lại được chấm với một thứ gia vị vừa lạ, vừa thơm lẫn với sự ngai ngái của núi rừng Tây Bắc – đó chính là vị hương của hạt dổi đỏ.

Giá trị kinh tế của hạt dổi đỏ - Ảnh 1.

Hạt dổi đỏ

Cây dổi trồng 7 năm mới bắt đầu được thu hoạch quả. Loại cây này rất hợp với vùng đất của người Mường sinh sống nên cứ trồng là sống tốt, đơm hoa kết trái. Cây lặng lẽ chắn gió bão, mưa dông cho từng ngôi nhà, làng bản. Dổi đỏ là loại cây vừa cho bóng mát, cho hạt thơm để làm gia vị chế biến các món ăn, lại còn vị thuốc quý và là cây có hiệu quả kinh tế, là mặt hàng làm giàu cho rất nhiều hộ nông dân nơi đây.

Có hai loại hạt dổi: một loại cho vị hắc không thơm và loại không hắc, dậy mùi thơm. Hạt dổi tươi có màu đỏ, đem phơi thì săn lại đổi thành màu đen sậm. Cứ khoảng 3 kg hạt dổi tươi phơi được 1kg hạt dổi khô. Những quả của cây ít tuổi thường hắc và thiếu vị thơm. Những cây dổi có tuổi đời hàng chục năm mới thật sự quý hiếm. Khi trồng, người Mường thường ví cây dổi như của gia bảo để đời con, đời cháu được hưởng. Người dân tộc Mường (Hòa Bình) thường lấy hạt dổi làm gia vị để chấm ăn cùng thịt lợn nướng, thịt luộc hoặc làm gia vị tẩm ướp. Khi chế biến, hạt dổi sẽ được nướng trên than lửa cho thơm, sau đó đem giã nhỏ như hạt tiêu vì thế hạt dổi cũng được coi như hạt tiêu rừng Tây Bắc.

Giá trị kinh tế của hạt dổi đỏ - Ảnh 2.

Gia vị trộn hương vị dổi.

Hạt dổi có đặc điểm là khi đã rang hoặc nướng chín thì không để được lâu như hạt tiêu nên khi dùng mới đem nướng để giữ được mùi thơm. Hạt dổi cho mùi thơm ngậy đặc trưng nên nhiều người vẫn nói: "khéo bị nghiện hạt dổi" - ý là sẽ không thể thiếu vị dổi trong mỗi bữa cơm. Nhiều món ăn Tây Bắc như thịt gác bếp, thịt lợn rừng, thịt nướng, tiết canh… nhờ có hương vị hạt dổi mà thêm phần hấp dẫn. Nhất là khi làm gia vị chấm giã nghiền hạt dổi trộn với muối chanh, ớt thành một thứ nước chấm cay cay, chua chua, thơm ngậy, dùng để chấm thịt gà, thịt luộc hay chỉ chấm xôi trắng thì không một thứ nước chấm, gia vị  nào có thể sánh được.

Vừa gần gũi và mang lại hiệu quả kinh tế cao, có thể nói hạt dổi là loại gia vị độc đáo mà núi rừng Tây Bắc đã ban tặng cho người dân nơi đây. Gia vị hạt dổi nướng giã nhỏ đã được rất nhiều người dưới xuôi khoái khẩu, vậy nên giá của hạt dổi phơi khô đã lên tới gần 2 triệu đồng 1 kg, thế nhưng một điều đáng tiếc là bà con dân tộc vùng Lạc Sơn chưa có kế hoạch phát triển nghề trồng dổi – thiết nghĩ đã đến lúc các cấp, các ngành ở địa phương nên có chiến lược phát triển kinh tế với cây dổi đỏ.

Nhật Thăng
Ý kiến của bạn
Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới

Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.