Giá trị toàn ngành nông nghiệp cao nhất 10 năm qua
Giá trị toàn ngành nông nghiệp tăng trưởng 3,83%, cao nhất trong vòng 10 năm qua. Ngành nông nghiệp tiếp tục khẳng định vị thế quan trọng, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2023 đạt 53 tỷ USD. Xuất siêu hơn 12 tỷ USD, tăng gần 44% so với năm trước. Tăng trưởng GDP toàn ngành nông nghiệp ước đạt 3,83%, cao nhất trong 10 năm gần đây.
Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vị thế quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, các cân đối lớn của nền kinh tế và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô (sản lượng lúa đạt 43,4 triệu tấn, tăng 1,7% so với năm 2022, sản lượng thịt hơi các loại đạt 7,6 triệu tấn, tăng 3,5%; sản lượng thủy sản 9,3 triệu tấn, tăng 2,9%).
Năm nay, ngành Nông nghiệp đã tổ chức thành công nhiều sự kiện lớn mang tầm quốc gia, quốc tế (Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo, Festival Bảo tồn và phát triển làng nghề, Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về phòng chống thiên tai...), qua đó giúp quảng bá hình ảnh, thương hiệu nông lâm thủy sản trong nước, khu vực và quốc tế, thúc đẩy tiêu thụ nông sản.
Số lượng sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên tăng đều qua các tháng và đạt 11.000 sản phẩm, tạo điều kiện thuận lợi giúp doanh nghiệp quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.
Trong bức tranh khó khăn chung của xuất nhập khẩu hàng hóa, xuất khẩu nông sản đã trở thành điểm sáng và đáng ghi nhận. Dù tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản chưa đạt chỉ tiêu Chính phủ giao, nhưng ngành có nhiều mặt hàng đạt những kỳ tích vượt bậc. Có 6 mặt hàng xuất khẩu đạt trên 3 tỷ USD là rau quả, gạo, hạt điều, cà phê, tôm, gỗ và sản phẩm gỗ. Bên cạnh đó, lần đầu tiên Việt Nam thu về hơn 50 triệu USD chuyển nhượng thành công lượng giảm phát thải 10,3 triệu tấn carbon trong lĩnh vực lâm nghiệp, khẳng định quyết tâm chuyển đổi ngành nông nghiệp theo hướng bền vững của Việt Nam.
Nổi bật nhất là sự bứt phá mạnh mẽ của những mặt hàng thế mạnh là gạo và rau quả với nhiều kỷ lục mới. Trong đó một số mặt hàng xuất khẩu tăng cao kỷ lục như: hàng rau quả tăng trên 70% và gạo tăng trên 36%, gạo ST25 lần thứ 2 đạt giải quán quân, ngon nhất thế giới.
Lần đầu tiên, lúa gạo Việt Nam đạt con số kỷ lục trong 34 năm xuất khẩu với sản lượng hơn 8 triệu tấn, trị giá gần 4,8 tỷ USD. Cùng danh hiệu gạo ngon nhất thế giới, hạt gạo Việt Nam nay đã tận dụng được cơ hội vàng.
Mặt hàng rau quả cũng có sự bứt tốc trong năm nay nhờ chuyển từ xuất tiểu ngạch sang chính ngạch. Đóng góp một phần không nhỏ là kim ngạch xuất khẩu của "vua trái cây Việt" sầu riêng - ước đạt 2,3 tỷ USD. Cùng với đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đàm phán và ký hàng loạt nghị định thư mở cửa thị trường, tạo bước đệm cho hoạt động xuất khẩu rau quả đạt nhiều thuận lợi.
Dự báo năm 2024, xuất khẩu nhóm ngành hàng lúa gạo, rau quả, cà phê và mặt hàng khác vẫn có nhiều thuận lợi. Với mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt trên 54 tỷ USD, chủ động tận dụng các cơ hội thị trường, chuyển đổi ngành theo hướng nông nghiệp bền vững, minh bạch và có trách nhiệm là những việc cần làm trong năm tới.
Những khởi đầu tích cực từ doanh nghiệp, cùng với việc các thị trường nhập khẩu nông, lâm, thủy sản lớn của Việt Nam đang dần phục hồi trở lại như Trung Quốc, Nhật Bản, châu Âu, Hoa Kỳ… được kỳ vọng sẽ tạo tiền đề cho năm 2024 với đà tăng trưởng có thể cao hơn năm nay.
Đà Nẵng, Phú Quốc dẫn đầu top điểm đến được ưa chuộng dịp Tết Ất Tỵ 2025 với nhiều trải nghiệm đặc sắc thuyết phục du khách chọn “ăn tết” xa nhà hoặc tận hưởng năm mới theo cách riêng.