Giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt bình quân 15,8 tỷ USD

Xuất nhập khẩu
07:17 AM 01/03/2024

Cơ cấu sản xuất lâm nghiệp đã có sự chuyển dịch theo hướng ngày càng nâng cao giá trị gia tăng của chuỗi sản xuất lâm nghiệp. Giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng trưởng ổn định 4,6%/năm; giá trị xuất khẩu gỗ và lâm nghiệp đạt bình quân 15,8 tỷ USD.

Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, 2023 là năm khó khăn với ngành gỗ khi nền kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 14,39 tỷ USD, giảm 15,8% so năm 2022. Mặc dù kim ngạch xuất khẩu sụt giảm nhưng ngành lâm nghiệp vẫn đạt mức xuất siêu ước đạt 12,199 tỷ USD.

Năm 2023, xuất khẩu gỗ và lâm sản ước đạt 14,39 tỷ USD, giảm 15,8% so năm 2022.

Năm 2023, xuất khẩu gỗ và lâm sản ước đạt 14,39 tỷ USD, giảm 15,8% so năm 2022. Ảnh: Tạp chí Tài chính

Về mục tiêu của ngành trong năm 2024, ngành lâm nghiệp đặt mục tiêu phấn đấu tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc duy trì ổn định 42,02%; tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 5-5,5%; trồng rừng tập trung 245.000 ha; trồng cây phân tán 140 triệu cây; sản lượng khai thác gỗ rừng trồng đạt 23 triệu m3; kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản 17,5 tỷ USD... Dự báo, nếu kết quả kim ngạch xuất khẩu đạt 17,5 tỷ USD thì kim ngạch xuất khẩu lâm sản sẽ vượt 21% so với ước thực hiện năm 2023.

Cục Lâm nghiệp cho biết, hiện giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng trưởng ổn định 4,6%/năm. Giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt bình quân 15,8 tỷ USD, tỷ lệ xuất siêu cao. Nguồn thu dịch vụ môi trường rừng đạt bình quân 3.650 tỷ đồng/năm.

Tại Hội thảo “Giải pháp thực hiện Chiến lược phát triển Lâm nghiệp Việt Nam trong bối cảnh mới” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với Hội Khoa học Kinh tế nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Hội Chủ rừng Việt Nam, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam tổ chức, ông Triệu Văn Lực - Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho biết, kết quả trên là kết quả sau 3 năm triển khai thực hiện Chiến lược phát triển Lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 523/QĐ-TTg ngày 01/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ với việc triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp và đạt được nhiều kết quả rất quan trọng trên tất cả các mặt: kinh tế, an sinh xã hội và môi trường.

Cùng với đó, hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, các giải pháp trong công tác bảo vệ và phát triển rừng và tổ chức, phát triển sản xuất lâm nghiệp đã được triển khai toàn diện, đồng bộ.

Để duy trì và phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới ngành lâm nghiệp sẽ tiếp tục triển khai thực hiện, hoàn thiện cơ chế, chính sách lâm nghiệp như: Triển khai hiệu quả các quy định của Luật Lâm nghiệp, các chủ trương, định hướng, cơ chế, chính sách trong lâm nghiệp; Kết luận số 61-KL/TW ngày 17/8/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW, ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư.

Đồng thời, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Lâm nghiệp; hoàn thiện pháp luật về lâm nghiệp bảo đảm đáp ứng được yêu cầu quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, phát huy được tiềm năng, lợi thế của rừng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng, an ninh. Phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững theo hướng đa mục đích, đa giá trị trên cơ sở quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên rừng.

Đặc biệt, ưu tiên bố trí ngân sách cho công tác quản lý, bảo vệ rừng đặc dụng, phòng hộ và rừng tự nhiên; bố trí kịp thời nguồn kinh phí thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững, bên cạnh đó quan tâm bố trí nguồn đầu tư phát triển rừng, cơ sở hạ tầng lâm nghiệp...


Minh An (t/h)
Ý kiến của bạn