Giá vàng giảm kích thích thị trường vàng trang sức sôi động trở lại
Giá vàng lao dốc xuống mức thấp nhất trong vòng 9 tháng đang thu hút những người mua sắm đồ trang sức và vàng miếng ở Châu Á - yếu tố đang trở nên quan trọng trong việc xác định giá sàn của vàng.
Sau một năm nhu cầu thấp, các nhà bán lẻ đang tăng cường mua vàng nguyên liệu để phục vụ cho những người như bà Seema B, một bà nội trợ 35 tuổi vừa đến tiệm vàng Zaveri Bazaar ở Mumbai để mua những chiếc vòng đeo tay mới sau nhiều tháng tạm dừng mua. Bà nói: "Giá đã giảm một chút và nỗi lo chung về virus Covid-19 cũng giảm bớt. Tương tự như bà Seema, nhiều người Ấn Độ và Malaysia khác cũng bắt đầu mua vàng trang sức trở lại, vì mục đích để dành cho đám cưới hoặc để tích trữ.
Từ Trung Quốc đến Ấn Độ, Malaysia…, người tiêu dùng đang tận dụng cơ hội giá vàng giảm để mua vào.
Các nhà đầu tư vàng bán lẻ ở Hàn Quốc cũng đang tích lũy vàng thỏi, trong bối cảnh nhu cầu ở Trung Quốc tăng cũng đẩy doanh số bán vàng trang sức trong dịp Tết Nguyên đán tăng lên.
Nhu cầu gia tăng đối với vàng vật chất có thể ngăn chặn xu hướng giảm của giá vàng - vốn bị ảnh hưởng bởi lợi suất trái phiếu Mỹ tăng và dòng tiền chảy ra khỏi các quỹ hoán đổi danh mục hàng hóa ETF vàng.
Liên tiếp 2 phiên đầu tiên của tuần này, giá vàng tăng. Phiên 6/4, giá vàng kết thúc ở mức cao nhất trong vòng hơn 1 tuần, sau khi tăng khoảng 1% nhờ đồng USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đều giảm. Theo đó, giá vàng giao ngay tăng 0,8% lên 1.743,04 USD/ounce vào cuối phiên, sau khi có thời điểm đạt 1.745,15 USD, cao nhất kể từ 25/3. Vàng kỳ hạn tháng 6/2021 cũng tăng lên 1.743 USD/ounce. Chỉ số dollar index giảm xuống mức thấp nhất gần 2i tuần, khiến vàng rẻ hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác, trong khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ cũng giảm xuống.
Như vậy, so với một tuần trước đây, giá vàng đã tăng khoảng 4%, mặc dù hiện vẫn thấp hơn khoảng 8% so với đầu năm 2021.
Giá vàng đã giảm dần kể từ mức đỉnh cao lịch sử hồi tháng 8/2020, xuống dưới ngưỡng 1.700 USD/ounce lần 1 vào hôm 9/3/2021, và lần 2 vào ngày 1/4/2021, thấp nhất kể từ tháng 6/2020, do đồng USD và trái phiếu kho bạc Mỹ mạnh lên và các nước tích cực tiêm chủng vắc-xin ngừa Covid-19 làm triển vọng kinh tế tốt lên, khiến nhu cầu đối với tài sản đầu tư an toàn như vàng giảm xuống.
Giá vàng Châu Á tuần qua duy trì ở mức thấp. Theo đó, mức cộng giá vàng ở Singapore so với giá tham chiếu quốc tế là 1-2 USD/ounce, tại Trung Quốc đại lục là 7- 10 USD/ounce, ở Hongkong (Trung Quốc) là 0,5 - 1,8 USD/ounce, ở Nhật Bản là 0,5 USD. Những mức cộng đó nhìn chung đều giữ nguyên hoặc giảm khoảng 0,5 đến 1 USD/ounce so với cuối tháng 3/2021.
Nhu cầu vàng vật chất tại một số trung tâm giao dịch vàng ở châu Á tuần qua tăng do giá giảm kích thích người tiêu dùng mua vào. Các đại lý vàng thỏi cho biết, mức cộng giá vàng theo theo kilobars so với giá tham chiếu quốc tế đồng loạt tăng ở Singapore, Hongkong và Thái Lan kể từ tháng 2, cho thấy nguồn cung vàng phế liệu đã trở nên khan hiếm, có nghĩa là các nhà tinh chế vàng đang rất khó khăn để có đủ nguyên liệu đúc thành vàng miếng, thông tin từ Joshua Rotbart, người sáng lập và là đối tác quản lý của hãng J. Rotbart & Co. cho biết.
Nhu cầu vàng đầu tư giảm
Các nhà đầu tư đang hạ vị thế mặt hàng vàng trong danh mục đầu tư của mình. Theo dữ liệu của Ủy ban Giao dịch hàng hóa tương lai (Mỹ), các nhà đầu tư vàng trên sàn Comex tuần cuối tháng 3 đã giảm vị thế mua ròng 5.548 hợp đồng vàng xuống còn 50.463 hợp đồng; nhà đầu cơ bạc cũng giảm vị thế mua ròng bạc đi 1.659 hợp đồng xuống còn 21.236 hợp đồng.
Nhu cầu đầu tư vàng giảm sút đã khiến giá vàng thế giới giảm hơn 9% trong quý I/2021, là quý giảm mạnh nhất kể từ cuối năm 2016.
Nhu cầu vàng vật chất tăng
Trái ngược với sự ảm đạm của thị trường vàng đầu tư thì thị trường vàng trang sức lại trở nên sôi động hơn.
Suki Cooper, nhà phân tích kim loại quý thuộc Ngân hàng Standard Chartered cho biết: "Khi các nhà đầu tư tài chính không mua, thị trường vàng vật chất ngày càng trở nên quan trọng trong việc xác định mức giá sàn", và "Giá sàn của mặt hàng vàng bắt đầu nhích lên."
"Chúng tôi nhận thấy nhu cầu rất tốt ở cả phía bán lẻ và cả phía bán buôn khi giá vàng (giao ngay) xuống dưới 1.700 USD. Các nhà bán buôn và bán lẻ đang tận dụng cơ hội này để mua vàng", Brian Lan, giám đốc điều hành của GoldSilver Central cho biết.
Bernard Sin, giám đốc thị trường Trung Quốc của MKS cho biết: "Nhu cầu vàng vật chất ở thị trường Trung Quốc tiếp tục tốt khi giá giao ngay thấp tạo thêm động lực kích hoạt làn sóng mua vào".
Công ty tư vấn nghiên cứu Metals Focus dự báo tiêu thụ vàng trang sức ở Trung Quốc năm 2021 sẽ tăng 28%, với nhu cầu đã tăng từ quý I nhờ sự hồi phục mạnh mẽ sau dịch Covid-19 và giá giảm từ mức cao của năm trước.
Theo Zhang Yongtao, Tổng thư ký Hiệp hội Vàng Trung Quốc, doanh số bán đồ trang sức tại các cửa hàng bán lẻ lớn ở thành thị đã tăng hơn gấp đôi trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán so với năm ngoái, đạt mức cao nhất kể từ tháng 2/2020.
Trung Quốc đã trở thành nước sản xuất vàng lớn nhất thế giới, chiếm 11,9% sản lượng toàn cầu trong năm 2020, với 380 tấn. Kết quả đó có được là do nước này đã kiểm soát được đại dịch Covid-19 và nền kinh tế đã trở lại tăng trưởng bình thường. Sản xuất cũng được thúc đẩy bởi nhu cầu cao của Trung Quốc đối với vàng, đặc biệt là đồ trang sức và đồ trang trí bằng vàng. Đầu tư vào ngành công nghiệp khai thác vàng của Trung Quốc từ trong và ngoài nước đã tăng trong năm ngoái.
Tại Ấn Độ, nhiều người tiêu dùng đã hạn chế mua vàng khi giá kim loại quý này tăng cao, và nay đổ xô mua vào khi giá giảm mạnh, Harshad Ajmera, chủ sở hữu của JJ Gold House, một nhà bán buôn vàng ở thành phố Kolkata, cho biết.
"Nhu cầu vàng mua lẻ dự báo sẽ tăng trong những tuần tới nếu giá vàng vẫn quanh mức như hiện nay", đại diện một đại lý vàng ở Mumbai cho biết, nhưng thêm rằng: "Chỉ có mối lo ngại là phong tỏa. Nếu chính phủ áp đặt lệnh phong tỏa thì nhu cầu sẽ đột ngột giảm xuống".
Việc Ấn Độ giảm thuế nhập khẩu vàng cũng góp phần làm cho giá vàng trên thị trường này rẻ đi, bởi gần như toàn bộ vàng tiêu thụ ở Ấn Độ đều là nhập khẩu. Trong tháng 2/2021, Ấn Độ đã cắt giảm thuế nhập khẩu vàng từ 12,5% xuống 10,75% để thúc đẩy nhu cầu bán lẻ và hạn chế buôn lậu vàng vào quốc gia Nam Á này.
Giá vàng tại Ấn Độ tuần đầu tháng 4 cao hơn 4 USD/ounce so với giá tham chiếu quốc tế. Mức cộng này đã giảm 50% so với mức 6 USD của tháng 3. Vào tháng 3/2021, giá vàng kỳ hạn tại thị trường Ấn Độ đứng ở mức thấp nhất trong một năm là 43.320 rupee/10 gram.
Các nhà kim hoàn Ấn Độ cho rằng xu hướng tăng mua sẽ kéo dài đến ngày lễ hội Akshaya Tritiya, một lễ hội mùa xuân hàng năm của các tôn giáo Hindu và Jain, vào tháng Năm. Kumar Jain, chủ sở hữu của cửa hàng UT Zaveri ở Mumbai, ước tính doanh số bán vàng của cửa hàng ông sẽ tăng gần gấp đôi trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 3 so với một năm trước đó và cũng lạc quan về triển vọng trong quý II bởi nhiều khách hàng tranh thủ lúc giá rẻ để mua vào do lo ngại giá sẽ còn tăng thêm nữa. Số liệu của tháng 2 cho thấy lượng mua vàng ở nước này đã tăng lên mức cao nhất kể từ cuối năm 2019.
Nhập khẩu vàng của Ấn Độ trong tháng 3/2021 tăng 471% so với cùng kỳ năm trước lên mức cao kỷ lục 160 tấn, tương đương 8,4 tỷ USD, so với 1,23 tỷ USD cùng tháng năm 2020. Các công ty chế tác kim hoàn Ấn Độ cũng đang tích trữ vàng sau khi thấy nhu cầu bán lẻ tăng mạnh.
Tuy nhiên, trên thị trường toàn cầu, triển vọng giá vàng không mấy lạc quan. Nhà phân tích Ole Hansen của Ngân hàng Saxo cho biết: "Để 'câu chuyện' vàng sống động trở lại, thị trường cần xuất hiện một số … lo ngại về địa chính trị hoặc lạm phát tăng mạnh".
Bên cạnh theo dõi diễn biến giá vàng cập nhật, các nhà đầu tư vàng nhìn chung đang đánh giá các chi tiết của kế hoạch đầu tư cho cơ sở hạ tầng của Tổng thống Joe Biden và khả năng kế hoạch này được thông qua tại Quốc hội, điều sẽ có ảnh hưởng đến giá vàng, trong lúc các nhà giao dịch đang xem xét tác động của của việc tăng cường các biện pháp kích thích và tăng thuế đến nền kinh tế Mỹ.
Nguồn tham khảo: South China Moning Post, Reuters, Tradingeconomics
Các nhà đầu tư Hoa Kỳ đã đóng góp đáng kể vào quá trình chuyển biến và tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Hoa Kỳ hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 11 tại Việt Nam, với hơn 1.400 dự án có tổng vốn đầu tư gần 12 tỷ USD.