Giá vàng hôm nay 14/3: Vàng thế giới lên sát mốc 3.000 USD/ounce
Giá vàng tăng mạnh lên mức cao kỷ lục, tiến gần mốc quan trọng 3.000 USD/ounce, nhờ động lực từ sự bất ổn gia tăng về thuế quan và kỳ vọng vào việc nới lỏng chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Giá vàng trong nước
Giá vàng miếng trong nước tiếp đà tăng mạnh. Hiện tại, vàng các thương hiệu đang mua vào 92,9 triệu đồng/lượng và bán ra ở mức 94,4 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, vàng Phú Quý SJC và Bảo Tín Minh Châu đang mua vào cao hơn 100.000 đồng so với các thương hiệu khác.

Tương tự, giá vàng nhẫn các thương hiệu được điều chỉnh tăng mạnh. Cụ thể, giá vàng nhẫn SJC 9999 tăng 1 triệu đồng giá mua và 900.000 đồng chiều bán, lên lần lượt 92,8 triệu đồng/lượng mua vào và 94,3 triệu đồng/lượng bán ra.
DOJI tại thị trường Hà Nội và TP Hồ Chí Minh điều chỉnh tăng giá vàng nhẫn thêm 1 triệu đồng giá mua và 900.000 đồng giá bán, lên lần lượt 93,6 triệu đồng/lượng và 94,9 triệu đồng/lượng.
Giá vàng nhẫn thương hiệu PNJ niêm yết ở mức 93,3 triệu đồng/lượng mua vào và 94,8 triệu đồng/lượng bán ra, tăng 1 triệu đồng giá mua và 900.000 đồng giá bán.
Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng nhẫn tròn trơn ở mức 93,4 triệu đồng/lượng mua vào và 95 triệu đồng/lượng bán ra, tăng 850.000 đồng chiều mua và 900.000 đồng chiều bán.
Phú Quý SJC đang thu mua vàng nhẫn ở mức 93,3 triệu đồng/lượng và bán ra ở mức 94,9 triệu đồng/lượng, tăng lần lượt 700.000 đồng giá mua và 800.000 đồng giá bán.
Giá vàng thế giới
Giá vàng thế giới tiếp đà tăng mạnh, với giá vàng giao ngay tăng 49,2 USD, lên 2.984,6 USD/ounce. Vàng tương lai giao dịch lần cuối ở mức 2.998,3 USD/ounce, tăng 54,8 USD so với rạng sáng qua.
Giá vàng tăng vọt lên mức cao kỷ lục, gần chạm mốc quan trọng 3.000 USD/ounce, nhờ được thúc đẩy bởi nhu cầu trú ẩn trước sự gia tăng bất ổn về thuế quan. Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, giá kim loại màu vàng thế giới đã tăng gần 14%, sau mức tăng vững chắc 27% trong năm 2024.
Giám đốc điều hành Alex Ebkarian của Allegiance Gold cho biết, vàng đang trong thị trường tăng giá dài hạn. Ông dự báo, giá sẽ giao dịch trong khoảng 3.000-3.200 USD/ounce trong năm nay.
Hiện tại, thị trường đang chờ đợi cuộc họp chính sách tiền tệ thứ 2 trong năm nay của Fed. Ngân hàng Trung ương Mỹ dự kiến sẽ giữ nguyên lãi suất chuẩn trong khoảng 4,25%-4,50% tại cuộc họp sẽ diễn ra vào thứ Tư tuần tới.
Giám đốc điều hành John Ciampaglia của Sprott Asset Management cho rằng, các tác động tiềm tàng của thuế quan và các mối đe dọa thương mại buộc Fed phải đánh giá dữ liệu kinh tế, để giúp xác định động thái tiếp theo của mình. “Chúng tôi tin rằng Fed đang mắc kẹt trong trạng thái chờ đợi và xem xét” Ciampaglia nói.
Ngân hàng Trung ương Mỹ đã giảm lãi suất 100 điểm cơ bản kể từ tháng 9, nhưng đã tạm dừng chu kỳ nới lỏng vào tháng 1. Các nhà giao dịch kỳ vọng ngân hàng trung ương này sẽ tiếp tục cắt giảm chi phí đi vay vào tháng 6.
Thông tin có tác động đến vàng là dữ liệu hoạt động trong lĩnh vực sản xuất. Theo báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy, giá sản xuất bất ngờ không đổi vào tháng 2, trong khi chỉ số giá tiêu dùng tăng 0,2% vào tháng trước, sau khi tăng tốc 0,5% vào tháng 1.
Nhà phân tích Suki Cooper của Standard Chartered cho biết: “Nhu cầu của các quỹ hoán đổi danh mục mạnh mẽ và hoạt động mua vào liên tục của các ngân hàng trung ương, trong bối cảnh bất ổn địa chính trị và sự bất ổn liên tục do thay đổi thuế quan, thực sự đã tiếp tục thúc đẩy nhu cầu về vàng.
SPDR Gold Trust, quỹ hoán đổi danh mục vàng lớn nhất thế giới cho biết, lượng vàng nắm giữ của họ đã tăng lên 907,82 tấn vào ngày 25-2, mức cao nhất kể từ tháng 8-2023.
Trong khi đó, dữ liệu của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cho thấy, Trung Quốc tiếp tục mua vàng trong tháng thứ tư liên tiếp vào tháng 2.

Bộ Tài chính đề xuất hàng hóa nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử có trị giá hải quan theo từng đơn hàng từ 1 triệu đồng trở xuống được miễn thuế nhập khẩu.