Giá vàng hôm nay 2/7: Đồng loạt đi xuống

Nhịp đập thị trường
09:18 AM 02/07/2022

Giá vàng thế giới sáng nay (2/7) tiếp tục giảm về gần ngưỡng 1.800 USD/ ounce. Giá vàng trong nước cũng đảo chiều giảm nhẹ.

Giá vàng thế giới

Giá vàng kỳ hạn tháng 8 hôm nay giảm 5,8 USD xuống còn 1.801,5 USD/ ounce. Trong khi đó, giá vàng giao ngay giao dịch lần cuối ở mức 1.813 USD/ ounce, tăng 7,6 USD so với hôm qua.

Trước đó, trong phiên giao dịch chiều tối 1/7 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới đã “trượt dốc” và chạm mức thấp nhất trong vòng 5 tháng qua. Kim loại quý này tiếp tục chịu áp lực mạnh mẽ bởi sự vươn lên của chỉ số US Dollar Index, hiện đang trở lại gần mức cao nhất trong 20 năm.

Giá vàng hôm nay 2/7: Đồng loạt đi xuống - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ngoài ra, sức hấp dẫn của kim loại quý cũng suy yếu đáng kể khi các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới, đặc biệt là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), giữ lập trường cứng rắn trong thắt chặt chính sách tiền tệ. Các ngân hàng trung ương lớn đã lần lượt phát đi thông điệp rằng, kiềm chế lạm phát là việc quan trọng nhất hiện nay, quan trọng hơn việc giữ cho các nền kinh tế phát triển.

Trong vài tuần qua, vàng vẫn bị mắc kẹt trong biên độ giao dịch hẹp ở mức thấp 1.800 USD/ounce. Kết thúc tháng 6 giảm, giá vàng thế giới đã giảm 2% và là tháng sụt giảm thứ ba liên tiếp. Trong bối cảnh các ngân hàng trung ương vẫn cương quyết thắt chặt chính sách tiền tệ để hạ nhiệt lạm phát, các chuyên gia dự báo, giá vàng trong thời gian tới có thể sẽ tiếp tục “trượt dốc”.

Theo nhà phân tích thị trường David Madden tại Equiti Capital, 1.800 USD/ ounce là mức hợp lý của giá vàng trong ngắn hạn khi thị trường tiếp tục bị ảnh hưởng khi lãi suất tăng thúc đẩy đồng USD nhưng cũng tạo ra nhiều biến động hơn cho thị trường chứng khoán. Mặc dù vàng có vẻ thoải mái khi giao dịch quanh mức 1.800 USD/ ounce, nhưng chuyên gia này cho rằng, bức tranh kỹ thuật cho thấy giá có thể giảm xuống trong ngắn hạn.

Cùng quan điểm, Giám đốc Sean Lusk của Walsh Trading cho rằng, trong bối cảnh giới đầu tư quan tâm nhiều hơn đến lập trường “diều hâu” của Fed, giá kim loại quý sẽ không tăng trong vài tuần tới. Ngân hàng trung ương Mỹ đang dự kiến sẽ tăng lãi suất them 75 điểm cơ bản vào cuộc họp sắp tới.

Hiện tại, Fed không phải là ngân hàng trung ương duy nhất muốn thắt chặt chính sách tiền tệ của mình. Ngày càng có nhiều kỳ vọng rằng Ngân hàng Trung ương châu Âu sẽ tăng lãi suất trong tháng 7 khi lạm phát tiếp tục tăng. Thứ 6 vừa qua, dữ liệu sơ bộ cho thấy lạm phát ở châu Âu đã tăng 8,6% vào tháng 6, tăng từ mức tăng 8,1% của tháng 5.

Trong bối cảnh như hiện tại, các chuyên gia cũng dự báo, giá vàng có nguy cơ giảm xuống mức hỗ trợ 1.780 USD/ ounce. Nếu kim loại quý không giữ được mức này, giá có thể rơi xuống mức 1.730 USD / ounce. Nhà phân tích thị trường cao cấp Edward Moya của OANDA nhận định, giá vàng có thể xuống mức 1.785 USD/ ounce và giữ ở quanh mức này khi đồng USD đạt đỉnh.

Giá vàng trong nước

Các thương hiệu trong nước đồng loạt giảm mạnh. Cụ thể, giá vàng SJC tại thị trường TP.HCM là 68,15-68,75 triệu đồng/lượng, giảm 150 nghìn đồng hai chiều so với cùng thời điểm phiên trước.

Giá vàng Doji tại thị trường Hà Nội cũng giảm 50 nghìn đồng chiều mua vào và 150 nghìn đồng chiều bán ra về 68,10-68,70 triệu đồng/lượng.

Giảm mạnh hơn, giá vàng 24K Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu mất 350 nghìn đồng hai chiều còn 53,09-53,79 triệu đồng/lượng.

Đây là phiên giảm liên tiếp thứ 5 của thương hiệu này kể từ đầu tuần và khiến vàng Rồng Thăng Long mất mốc 54 triệu.

Trong khi đó, giá vàng 9999 thương hiệu NPQ của Phú Quý cũng giảm 250 nghìn đồng chiều mua vào và 300 nghìn đồng chiều bán ra về 53,30-54,05 triệu đồng/lượng mua vào và bán ra…

An Mai (t/h)
Ý kiến của bạn