Giá vàng nhận dự báo kém lạc quan trong ngắn hạn
Giá vàng vừa trải qua một tuần lao dốc hiếm có trong bối cảnh ông Donald Trump trúng cử tổng thống Mỹ. Nỗi lo vẫn ngập tràn trên thị trường, dự báo giá vàng tuần này còn giảm sâu.
Thị trường vàng tuần trước bị chi phối bởi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Việc bán tháo mạnh vào tuần qua khiến những người tham gia thị trường hoang mang về hướng đi của kim loại quý trong tương lai.
Kim loại quý đã có lúc chạm mức thấp nhất trong tuần vào khoảng 2.648 USD/ounce trước khi hồi phục đều đặn trở lại để kiểm tra mức kháng cự 2.700 USD/ounce.
Cuối tuần, vàng gặp thêm một chút biến động khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) công bố mức cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản đúng như dự kiến và một số dữ liệu kinh tế quan trọng của Mỹ được công bố cho thấy mục tiêu lạm phát và việc làm không bị ảnh hưởng tiêu cực. Vàng giao ngay kết thúc tuần giao dịch ở quanh mức 2.684 USD/ounce, giảm gần 56 USD trong tuần, là mức giảm sâu nhất trong 6 tháng trở lại đây.
Cuộc khảo sát vàng hàng tuần mới nhất của Kitco News cho thấy các chuyên gia trong ngành có tâm lý bi quan áp đảo. Trong khi đối với nhóm nhà giao dịch lẻ mức độ lạc quan lần đầu tiên sau nhiều tháng cũng ghi nhận giảm xuống.
14 nhà phân tích đã tham gia khảo sát vàng của Kitco News. Chỉ có ba chuyên gia dự báo giá vàng sẽ tăng trong tuần này. Có tới chín nhà phân tích dự đoán giá kim loại quý này sẽ giảm. Hai nhà phân tích còn lại cho rằng giá vàng sẽ đi ngang.
Có 249 phiếu bầu đã được bỏ trong cuộc thăm dò trực tuyến của Kitco. 114 nhà giao dịch cho rằng giá vàng sẽ tăng vào tuần này. Trong khi 91 người khác giá vàng sẽ đi xuống. 44 nhà đầu tư còn lại kỳ vọng vàng sẽ có xu hướng đi ngang trong thời gian tới. Đây là lần đầu sau nhiều tháng kỳ vọng tích cực của giá vàng ngắn hạn giảm sâu như vậy.
Adrian Day, Chủ tịch Adrian Day Asset Management cho rằng vàng tiếp tục đi xuống không có gì bất thường, do một số nhà đầu tư chốt lời trong khi nhu cầu từ ngân hàng trung ương và người tiêu dùng Trung Quốc giảm.
"Hãy nhớ rằng vàng đã phản ứng tương tự với cuộc bầu cử Donald Trump vào 2016, khi có sự lạc quan về tăng trưởng kinh tế, đồng USD mạnh và thị trường chứng khoán tăng. Đợt điều chỉnh đó kéo dài khoảng sáu tuần", ông nói.
Frank Sohlleder, nhà phân tích tại ActivTrades cũng cho rằng kim loại quý có khả năng giảm thêm trong ngắn hạn. "Dù có đợt tăng, vàng vẫn chưa thể thoát khỏi nguy cơ điều chỉnh lớn", ông nói. Chuyên gia này cho rằng ngay cả việc Cục Dữ trữ liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất cũng không đảm bảo được nhu cầu cho vàng.
Chiến lược gia thị trường cấp cao tại Forex James Stanley thuộc nhóm thiểu số lạc quan. Theo ông, giá vàng sau cuộc bầu cử trông có vẻ bấp bênh khi dao động quanh 2.650-2.700 USD một ounce. "Thông thường với diễn biến này, tôi nghiêng về xu hướng giảm, nhưng xét đến sự mạnh mẽ của vàng năm nay, tôi chưa sẵn sàng đảo ngược dự báo nên vẫn duy trì quan điểm tăng", ông nói.
Lịch kinh tế tuần này khá ảm đạm, đặc biệt là khi so sánh với sự bùng nổ của tuần trước nữa. Các sự kiện tin tức kinh tế chính cần theo dõi sẽ là CPI cốt lõi của Mỹ vào thứ Tư. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) được cho là sẽ theo dõi chặt chẽ CPI để tìm dấu hiệu cho thấy lạm phát tiêu dùng đang tiếp tục trên con đường hướng tới 2%.
Báo cáo PPI của Mỹ vào thứ Năm, dữ liệu yêu cầu trợ cấp thất nghiệp hàng tuần và bản phát hành doanh số bán lẻ của Mỹ vào sáng thứ Sáu cho tháng 10 cũng sẽ cung cấp dữ liệu cụ thể về sức mua của người Mỹ trong môi trường chi phí cao hiện tại.
Chủ tịch FED - ông Jerome Powell cũng sẽ có bài phát biểu vào thứ Năm. Đây sẽ là cơ hội đầu tiên để ông nêu rõ các bình luận trong cuộc họp báo về chính quyền mới và tính độc lập của ngân hàng trung ương.
Huyền My (t/h)Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tổng lượng tiền gửi của cả dân cư và doanh nghiệp, tổ chức kinh tế tại thời điểm tháng 8 vào ngân hàng thương mại đạt mức kỷ lục từ trước đến nay với hơn 13.763.230 tỷ đồng.