Giá vàng, USD và Bitcoin đồng loạt tăng mạnh, yen Nhật thấp nhất 6 năm

Đầu tư và Tiếp thị
07:15 AM 25/03/2022

USD tiếp tục mạnh lên sau khi Mỹ công bố dữ liệu cho thấy thị trường lao động nước này tăng trưởng nhanh, củng cố quan điểm rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ tích cực hơn trong các biện pháp chống lạm phát – hiện đang quá nóng. Giá vàng cũng tăng mạnh vì lạm phát vẫn nóng và cuộc khủng hoảng ở Ukraine trở nên phức tạp hơn.

Số đơn xin thất nghiệp lần đầu của Mỹ trong tuần qua giảm xuống mức 187.000, thấp nhất kể từ tháng 9 năm 1969 và thấp hơn mức dự báo là 212.000. Bên cạnh đó, chỉ số đo lường hoạt động kinh doanh của Mỹ trong tháng 3 đã tăng lên mức cao nhất trong 8 tháng, mặc dù đơn đặt hàng hàng hóa lâu bền mới bất ngờ giảm trong tháng 2/2022 do các chuyến hàng chậm lại, trong khi nhu cầu hàng hóa vẫn mạnh mẽ.

Những dữ liệu đó, cùng với những bình luận gần đây của các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã làm tăng kỳ vọng ngân hàng trung ương Mỹ sẽ tăng lãi suất nhiều hơn mức 25 điểm cơ bản tại cuộc họp chính sách tiếp theo, vào tháng 5/2022.

Chủ tịch Fed, Jerome Powell, gần đây đã nâng khả năng tăng lãi suất lên nhiều hơn mức 25 điểm tại các cuộc họp sắp tới. Động thái tích cực đó cũng được các nhà hoạch định chính sách khác của Mỹ thể hiện trong nỗ lực hạ nhiệt lạm phát đang tăng quá cao – yếu tố vốn đã hỗ trợ đồng bạc xanh.

Hôm thứ Năm (24/3), Chủ tịch Fed Chicago, Charles Evans, cho biết ông muốn Fed tăng lãi suất thêm 25 điểm mỗi lần tại mỗi cuộc họp cho đến hết tháng 3/2022, và khá cởi mở về khả năng lãi suất sẽ tăng 50 điểm.

Thống đốc Fed, Christopher Waller, cho biết tình trạng thị trường nhà đất của Mỹ sẽ giúp định hình chính sách tiền tệ khi lạm phát chưa có dấu hiệu hạ nhiệt trong lĩnh vực nhà đất.

Dữ liệu từ FedWatch Tool của CME cho biết tỷ lệ đặt cược rằng Mỹ sẽ tăng lãi suất thêm 50 điểm phần trăm trong kỳ họp tới đã tăng lên 68,3%, từ mức 32,9% cách đây một tuần.

Karl Schamotta, người phụ trách mảng chiến lược của Cambrdige Global Payments ở Toronto, cho biết: "Đồng đô la tiếp tục giống như một cái máy hơi nước, lấn át bất cứ ai có chống lại nó, ít nhất là trong ngắn hạn". "Dữ liệu mà chúng ta đang thấy chắc chắn sẽ là cơ sở để Fed tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản trong kỳ họp tới, và sẽ có nhiều lần tăng 50 điểm trong năm nay. Điều đó sẽ đẩy đường cong lãi suất nhanh chóng tiến đến điểm cuối, và cũng dẫn tới việc đô la Mỹ vượt trội so với hầu hết các loại tiền tệ chủ chốt những như các loại tiền liên quan đến hàng hóa, và điều đó đang gây ngạc nhiên cho thị trường".

Chỉ số Dollar index kết thúc ngày 24/3 theo giờ Việt Nam tăng 0,24% so với phiên liền trước, lên 98,862, trong đó euro giảm 0,17% xuống 1,0986 USD.

Một cuộc khảo sát vào ngày 24/3 cho thấy tăng trưởng kinh doanh của khu vực đồng Euro mạnh hơn dự kiến, mặc dù giá cả tăng với tốc độ kỷ lục có thể gây thêm áp lực lên Ngân hàng Trung ương châu Âu trong việc tăng lãi suất.

Đồng yên Nhật giảm so với đô la Mỹ phiên thứ năm liên tiếp, chạm mức thấp nhất kể từ tháng 12 năm 2015 do Ngân hàng Trung ương Nhật Bản dự kiến ​​sẽ giữ nguyên chính sách tiền tệ nới lỏng, trái ngược với hầu hết các ngân hàng trung ương khác trên toàn cầu.

Đồng yên Nhật giảm 0,68% so với đồng bạc xanh xuống 121,97 JPY/USD, trong khi bảng Anh giảm 0,15% xuống 1,3183 USD (giảm 0,15%).

Cuộc chiến ở Ukraine đã đẩy giá dầu và các mặt hàng khác tăng cao, gây thêm áp lực cho lạm phát.

Các nhà lãnh đạo phương Tây gặp nhau tại Brussels hôm thứ Năm (24/3) đã nhất trí tăng cường lực lượng của họ ở Đông Âu, tăng viện trợ quân sự cho Ukraine và thắt chặt các lệnh trừng phạt của họ đối với Nga.

So với đồng franc Thụy Sĩ, đồng bạc xanh tăng 0,17% vào lúc kết thúc ngày 27/3, sau khi Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ giữ lãi suất tham chiếu ở mức -0,75%, đi ngược lại xu hướng của các ngân hàng trung ương khác là bắt đầu tăng lãi suất để giải quyết lạm phát gia tăng.

Ngân hàng trung ương Na Uy đã tăng lãi suất chuẩn vào thứ Năm (24/3) như dự kiến ​​và có kế hoạch đẩy tăng tốc độ nâng lãi suất hơn nữa.

Tiền tệ và chứng khoán Châu Á hầu hết đều giảm trong phiên vừa qua do Tổng thống Mỹ Biden tìm cách thuyết phục các nhà lãnh đạo châu Âu áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt đối với Nga, trong khi thái độ ‘diều hâu’ của Fed khiến thị trường toàn cầu bị tăng sức ép.

Đồng won của Hàn Quốc suy yếu 0,6%, một ngày sau khi nước này đề cử quan chức Quỹ Tiền tệ Quốc tế Rhee Chang-yong làm giám đốc ngân hàng trung ương mới. ông Rhee được dự kiến là ​​sẽ duy trì các nỗ lực của Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc để kiềm chế lạm phát, đồng thời có lập trường ít ‘diều hâu’ hơn so với người tiền nhiệm của mình.

Các tiền tệ khác, từ bath Thái đến peso Philippines và ringgit Malaysia cũng đều giảm nhẹ. Đáng chú ý, đồng nhân dân tệ Trung Quốc giảm xuống thấp nhất trong vòng 1 tuần khi chênh lệch lợi suất giữa nước này với Mỹ thu hẹp lại, và các thương nhân lo ngại về tác động của cuộc khủng hoảng Ukraine.

Trên thị trường tiền điện tử, Bitcoin tăng vọt lên trên ngưỡng 44 CNY sau khi nhiều người dân Ukraine đang tìm đến Bitcoin như một giải pháp bảo toàn tài sản. Bên cạnh đó, đồng tiền điện tử này cũng giúp họ có thể dễ dàng giao dịch khi tị nạn tại các quốc gia khác.

Giá vàng, USD và Bitcoin đồng loạt tăng mạnh, yen Nhật thấp nhất 6 năm - Ảnh 1.

Giá Bitcoin ngày 24/3.

Giá vàng tăng lên mức cao nhất trong vòng hơn 1 tuần khi lấy lại sức hấp dẫn như một tài sản trú ẩn an toàn giữa bối cảnh lạm phát tăng vọt và không thể chắc chắn về những gì đang và sẽ diễn ra xung quanh cuộc chiến ở Ukraine.

Giá vàng giao ngay lúc kết thúc ngày 24/3 tăng 0,8% lên 1.958,75 USD/ounce, mức cao nhất kể từ ngày 14 tháng 3. Giá vàng Mỹ kỳ hạn tương lai cũng tăng 0,9% lên 1.954,80 USD.

David Meger, Giám đốc giao dịch kim loại của công ty High Ridge Futures, cho biết: "Áp lực lạm phát tiềm ẩn rất mạnh, tiếp tục là yếu tố cơ bản hỗ trợ giá vàng tăng lên.

Tham khảo: Refinitiv, Coindesk

Thu Ngân
Ý kiến của bạn