Giá vé máy bay dịp lễ 30/4 khan hiếm, tăng mạnh
Thông tin có thể được nghỉ 5 ngày liên tục trong dịp lễ 30/4 và 1/5 đã thu hút sự quan tâm của đông đảo người lao động, việc tìm mua vé máy bay đến các điểm du lịch trở nên vô cùng khó khăn bởi giá vé không chỉ bị đẩy lên cao chót vót mà còn khan hiếm vô cùng.
Ghi nhận đến sáng nay, giá vé máy bay dịp lễ 30/4 này đang cao chót vót, nhất là trên các chặng đường bay có nhu cầu đi lại cao về du lịch.
Chặng TP. Hồ Chí Minh - Đà Nẵng dịp lễ 30/4 và 1/5 (chiều đi ngày 27/4, chiều về ngày 1/5), giá vé máy bay khứ hồi của Vietravel Airlines có mức giá "mềm" nhất từ 4,2 triệu đồng/khách; Bamboo từ khoảng 4,6 triệu đồng/khách và Vietjet từ khoảng 4,8 triệu đồng. Vietnam Airlines giá phổ thông linh hoạt từ 5 triệu đồng trong khi giá hạng thương gia lên tới xấp xỉ 9 triệu đồng. Website của nhiều hãng cũng hiển thị số chỗ không còn nhiều, thậm chí một số khung giờ chỉ còn vài chỗ.
Chặng TP. Hồ Chí Minh- Phú Quốc, giá khứ hồi thấp nhất từ khoảng 3,4 triệu đồng/lượng của Vietravel Airlines, khoảng 3,7 triệu đồng của Vietjet. Trong khi Vietnam Airlines giá từ khoảng 4 triệu đồng nhưng nhiều chuyến bay đã hết chỗ; vé hạng thương gia giá khoảng 8,8 triệu đồng.
Ở phía Bắc, chặng giữa Hà Nội đi Phú Quốc, giá vé khứ hồi của Vietjet từ khoảng 6,5 triệu đồng. Vietnam Airlines không còn vé hạng phổ thông linh hoạt, giá vé hạng thương gia lên tới… 13 triệu đồng/khách và 26 triệu đồng khứ hồi, nhưng số chỗ cũng không còn nhiều.
Ngay cả chặng bay nhộn nhịp và đông đúc nhất với tần suất khai thác chuyến bay nhiều nhất giữa TP. Hồ Chí Minh - Hà Nội, giá vé máy bay dịp lễ này, khảo sát ở thời điểm hiện tại, giá cũng rất cao. Vietjet bán giá khứ hồi chặng này từ 3,8 triệu đồng; Vietravel Airlines, Bamboo giá từ 4 triệu đồng; Vietnam Airlines 5 triệu đồng… Các mức giá vé trên được lấy từ mức giá thấp nhất, giá vé thay đổi theo khung giờ và thời điểm khách đặt chỗ. Nếu chọn giờ bay đẹp hơn, giá vé sẽ cao hơn.
Lý giải cho nguyên nhân giá vé tăng cao "chóng mặt", các hãng hàng không cho biết, dịch vụ vận chuyển hàng không mang tính mùa vụ cao, giai đoạn cao điểm như hè hay dịp lễ 30/4, nhu cầu đi lại tăng đột biến, trong khi nguồn cung của các hãng có hạn, dẫn đến giá vé bị đẩy lên cao.
Bên cạnh đó, theo các hãng hàng không, từ tháng 9/2023, nhà sản xuất động cơ Pratt&Whitney (PW) đã thông báo về việc phải thực hiện việc triệu hồi động cơ PW1100 trên các máy bay Airbus A321Neo để thực hiện việc kiểm tra và sửa chữa chuyên sâu nhằm khắc phục lỗi sản xuất.
Tại Việt Nam, việc nhà sản xuất PW yêu cầu triệu hồi một số máy bay A321Neo của các hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet khai thác đã khiến ngành hàng không Việt Nam rơi vào tình trạng thiếu hụt đội máy bay khá trầm trọng.
Lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam thông tin, việc triệu hồi động cơ sẽ làm các máy bay trên phải dừng khai thác trong năm 2024 và năm 2025 (thời điểm dừng máy bay bắt đầu từ tháng 1/2024). Tính đến hết ngày 31/3, đội bay của Việt Nam có 205 máy bay; đang khai thác 159 máy bay, 20 máy bay đang bảo dưỡng thiết bị định kỳ và 26 máy bay phải tháo động cơ để kiểm tra, sửa chữa theo yêu cầu của nhà sản xuất động cơ. Từ nay đến cuối năm, toàn bộ 42 máy bay của các hãng hàng không Việt Nam sẽ phải dừng hoạt động để khắc phục lỗi động cơ của nhà sản xuất.
Ngoài ra, do quy định tăng trần giá vé máy bay chính thức có hiệu lực từ ngày 1/3, các hãng buộc phải thực hiện điều chỉnh giá vé sau quy định. Do đó, trong thời gian tới, giá vé máy bay khó hạ nhiệt trong bối cảnh thiếu tàu bay như hiện tại.
Trái ngược với tình trạng giá vé máy bay tăng cao thì giá vé tàu hỏa lại có xu hướng giảm do ngành đường sắt tổ chức chạy thêm chuyến và áp dụng nhiều chính sách ưu đãi có lợi cho hành khách.
Huyền My (t/h)Năm 2024 ghi dấu ấn là năm bứt phá của ngành nông nghiệp Việt Nam cả về sản xuất và xuất khẩu. Giá trị sản xuất tăng trưởng trên 3,2%, trong khi kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản ước đạt trên 62 tỷ USD, tăng trên 18% so năm 2023.