Gia Viễn (Ninh Bình): Hiệu quả từ chuyên đề về xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm
Huyện Gia Viễn (Ninh Bình) chọn Trường Mầm non Gia Phương làm điểm thực hiện chuyên đề về xây dựng trường Mầm Non lấy trẻ làm trung tâm giai đoạn 2021-2025. Sau một thời gian triển khai, cơ sở giao dục này đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo và bước đầu đã đạt được kết quả tích cực, tạo điều kiện cho trẻ có thể “chơi mà học - học bằng chơi”.
Trường Mầm non Gia Phương có 31 cán bộ, giáo viên, nhân viên với 305 trẻ nằm trên khuôn viên rộng 4739 m2, có đầy đủ phòng học, phòng chức năng theo tiêu chí của trường chuẩn Quốc Gia. Ngay sau khi tiếp tục được chọn làm điểm thực hiện chuyên đề xây dựng trường Mầm non lấy trẻ làm trung tâm giai đoạn 2021-2025.
Nhà trường đã xây dựng kế hoạch theo lộ trình từng năm, triển khai đến cán bộ, giáo viên, nhân viên tích cực tham mưu lãnh đạo các cấp, chính quyền địa phương đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác dạy và học, gắn với khai thác sử dụng hiệu quả môi trường vật chất trong lớp, ngoài trời hiện có theo hướng tận dụng không gian để cho trẻ hoạt động đảm bảo phù hợp, linh hoạt, đa dạng và phong phú, các góc học tập mang tính mở, tạo điều kiện cho trẻ dễ dàng tự lựa chọn và sử dụng đồ chơi, đồ dùng cho thực hành trải nghiệm.
Để nâng cao chất lượng thực hiện chuyên đề, cùng với việc xây dựng lớp điểm, chú trọng công tác đổi mới, sáng tạo trong dạy và học, nhà trường chỉ đạo các tổ chuyên môn duy trì sinh hoạt chuyên đề theo quan điểm lấy trẻ làm trung tâm. Phân công nhiệm vụ cụ thể cho các giáo viên phụ trách các tổ hướng dẫn giáo viên soạn giảng theo chương trình giáo dục mầm non, xây dựng các mục tiêu giáo dục phù hợp với các chủ đề ở các độ tuổi của trẻ, hàng tháng tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên môn, sinh hoạt chuyên đề theo nghiên cứu bài học với nhiều hình thức đa dạng, phong phú.
Cùng với việc tổ chức giao lưu, học hỏi về chuyên môn nghiệp vụ ở trường, Ban Giám hiệu nhà trường còn tổ chức cho giáo viên giao lưu với các trường trên địa bàn huyện và một số trường mầm non của các huyện lân cận để học tập kinh nghiệm trong chuyên môn, từ đó không chỉ giúp giáo viên củng cố kiến thức mà còn được tiếp cận với phương pháp mới Montestoris, phương pháp giáo dục steam.
Và thông qua các hoạt động giúp giáo viên tự tin hơn khi giao tiếp giữa cô và trẻ, giữa trẻ với trẻ, giữa giáo viên với giáo viên, củng cố phương pháp trong các lĩnh vực giáo dục từ đó đưa ra những hình thức giáo dục phù hợp với môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm.
Bên cạnh đó, nhà trường tích cực huy động các nguồn lực từ các nhà hảo tâm, tập thể, cá nhân để xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị cho việc thực hiện các chuyên đề, chú trọng tổ chức các hoạt động chăm sóc giáo dục trẻ, khuyến khích giáo viên phối hợp các phương pháp như dùng đồ chơi, luyện tập trải nghiệm thực tế, đánh giá nêu gương, tạo cơ hội cho trẻ được tiếp cận, trải nghiệm, xử trí các tình huống có thể xảy ra trong sinh hoạt hàng ngày như: Nguồn nước nóng, tiếp xúc với các nguồn điện, hỏa hoạn… xây dựng các tiết để dạy trẻ phòng tránh cháy nổ, cách bảo vệ thân thể… ở từng độ tuổi.
Để các tiêu chí của chuyên đề phù hợp với trường, lứa tuổi trẻ, nhà trường thường xuyên tổ chức các hoạt động theo nhu cầu, hứng thú của trẻ và sự phát triển của từng cá nhân chẳng hạn như khối nhà trẻ giáo viên tích cực tổ chức cac hoạt động theo hướng đa dạng, phong phú để trẻ có thể lĩnh hội tốt nhất các kiến thức hiểu biết về cuộc sống và các sự vật xung quanh, luôn tôn trọng sự khác biệt về đặc điểm, sở thích, thời gian, khích lệ trẻ phát huy, khả năng tự lập, tự tin, sáng tạo tư duy linh hoạt và khả năng phân biệt các thể hóa hoạt động, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục đối với những trẻ có hoàn cảnh khó khăn.
Đồng thời gần gũi, sát sao với từng trẻ, có sổ nhật ký riêng theo dõi sự phát triển của trẻ hàng ngày, từ đó có phương pháp điều chỉnh nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ phát triển một cái toàn diện, phù hợp với điều kiện của nhà trường, lớp và địa phương nhằm hình thành thói quen tụ phục vụ, tự bảo vệ sức khỏe, ăn uống khoa học, lành mạnh của trẻ.
Cô giáo Lương Thị Minh - Hiệu trưởng trường Mầm non Gia Phương chia sẻ: "Mỗi giai đoạn, lứa tuổi khác nhau, trẻ sẽ có sự phát triển khác nhau về thể chất cũng như đặc điểm tâm sinh lý, do đó khi tổ chức các hoạt động nuôi dưỡng chăm sóc giáo dục trẻ, tôi luôn chỉ đạo giáo viên hướng dẫn hỗ trợ trẻ đúng lúc, không làm thay trẻ, trẻ được chính mình trải nghiệm với đồ dùng trong tất cả các hoạt động hằng ngày, bảo đảm tất cả các trẻ đều được quan tâm mọi lúc, mọi nơi và không có trẻ nào bị bị bỏ lại phía sau.
Giáo viên nhà trường luôn tạo cho trẻ trạng thái an toàn, thoải mái khi tham gia các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, khuyến khích tương tác giữa trẻ với trẻ, giữa trẻ với giáo viên. Và cũng thông qua các hoạt động đó đã giúp đỡ, tạo được niềm tin giữa giáo viên với phụ huynh, trẻ với cô giáo, cô giáo với nhà trường".
Cô Minh cũng cho biết, trong các hoạt động giáo dục thể chất nhà trường luôn chỉ đạo giáo viên tích cực lồng ghép giáo dục dinh dưỡng với giáo dục phát triển vận động, chú trọng vào những trẻ có thể trạng đặc biệt như suy dinh dưỡng, thừa cân, béo phì, phối hợp, trao đổi với cha mẹ trẻ để có chế độ dinh dưỡng hợp lý với thể trạng của trẻ. Ở lứa tuổi này trẻ rất hiếu động, thích tìm tòi, khám phá những điều mới lạ, song trẻ chưa có kinh nghiệm trong việc phòng tránh tai nạn và đảm bảo an toàn cho chính mình.
Do vậy, nhà trường luôn tạo điều kiện cho giáo vên tham gia các lớp tập huấn chống tai nạn thương tích trong trường học, khi tổ chức các hoạt động hàng ngày giáo viên lồng ghép các hoạt động này vào chương trình học để trẻ có những kiến thức cơ bản và biết cách phòng tránh, bảo vệ bản thân. Qua các năm thực hiện chuyên đề xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm, trường Mầm non Gia Phương đã tạo được môi trường an toàn cho trẻ theo phương châm "đổi mới thực chất, hiệu quả nâng cao".
Giáo viên chú trọng đổi mới phương pháp tổ chức hoạt động, tăng cường khuyến khích trẻ chủ động, sáng tạo, đảm bảo cho trẻ được chơi mà học - học bằng chơi, xây dựng được kế hoạch giáo dục phù hợp với điều kiện của trường, lớp và độ tuổi của trẻ theo chương trình giáo dục mầm non. Đồng thời tích cực đánh giá từng cá nhân trẻ thông qua các hoạt động hàng ngày và đánh giá sự tiến bộ của trẻ dựa trên mức độ đạt mục tiêu từng lĩnh vực, từ đó xây dựng kế hoạch hay điều chỉnh kế hoạch cho phù hợp.
Từ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.