Giá xăng dầu đẩy CPI tháng 5 tăng 0,38% so với tháng trước

Kinh doanh
10:18 AM 30/05/2022

Theo Tổng cục Thống kê, giá xăng dầu trong nước tăng theo giá thế giới; giá lương thực, thực phẩm, giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào - là những nguyên nhân chủ yếu làm cho chỉ số giá tiêu dùng cả nước (CPI) tháng 5/2022 tăng lên.

Ngày 29/5, Tổng cục Thống kê đã công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2022 tăng 0,38% so với tháng trước, tăng 2,48% so với tháng 12/2021 và tăng 2,86% so với cùng kỳ năm ngoài.

Giá xăng dầu đẩy CPI tháng 5 tăng 0,38% so với tháng trước - Ảnh 1.

Giá xăng dầu tăng là nguyên nhân chính đẩy CPI tháng 5/2022 tăng 0,38% so với tháng trước

Với mức tăng này, CPI bình quân 5 tháng đầu năm tăng 2,25% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 1,29% của 5 tháng đầu năm 2021, nhưng thấp hơn mức tăng của 5 tháng đầu năm giai đoạn 2017-2020.

Theo Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng CPI 5 tháng đầu năm 2017-2020 so với cùng kỳ năm trước lần lượt là: tăng 4,47%; tăng 3,01%; tăng 2,74%; và tăng 4,39%.

5 tháng, CPI bình quân - chỉ số được lấy làm chỉ số lạm phát của Việt Nam - đã là 2,25%. Trong xu hướng giá cả vẫn đang tăng, thì nhiều khả năng, năm nay, lạm phát sẽ không còn ở mức thấp như năm ngoái (1,84%), mà sẽ xoay quanh ngưỡng mục tiêu 4%.

Nhiều dự báo của các tổ chức quốc tế và các nghiên cứu của các chuyên gia kinh tế trong nước đều cho rằng, lạm phát của Việt Nam năm 2022 sẽ vào khoảng 3,8-4%. Thậm chí, có những dự báo đưa ra con số 4,5%, tùy thuộc vào giá dầu thô và các loại nguyên vật liệu đầu vào sản xuất tăng ở mức bao nhiêu.

Quay trở lại diễn biến giá cả hàng hóa thị trường tháng 5/2022, so với tháng trước, có 10 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng và 1 nhóm hàng có chỉ số giá giảm.

10 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng gồm: Nhóm giao thông có mức tăng cao nhất với 2,34% (làm CPI chung tăng 0,23 điểm phần trăm) do ảnh hưởng của đợt điều chỉnh giá xăng dầu vào ngày 4/5/2022, 11/5/2022 và 23/5/2022 làm cho giá xăng tăng 5,93%; giá dầu diezen tăng 3,99%. Bên cạnh đó, giá dịch vụ giao thông công cộng tăng 1,06% do giá nhiên liệu tăng; giá dịch vụ bảo dưỡng phương tiện đi lại tăng 0,05%; thuê ô tô, xe máy tự lái tăng 0,22%; phụ tùng tăng 0,17%.

Riêng nhóm hàng hóa và dịch vụ giảm 0,13% chủ yếu do giá gas giảm 5,38%. So với tháng trước, chỉ số giá vàng tháng 5/2022 giảm 0,52% so với tháng trước; tăng 9,86% so với cùng kỳ năm 2021; bình quân 5 tháng đầu năm 2022 tăng 6,48%.

Còn chỉ số USD tăng 0,65% so với tháng trước và tăng 0,21% so với cùng kỳ năm 2021; bình quân 5 tháng đầu năm 2022 giảm 0,49%.

Tổng cục Thống kê cũng cho biết, lạm phát cơ bản tháng 5/2022, tăng 0,29% so với tháng trước và tăng 1,61% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 5 tháng đầu năm 2022, lạm phát cơ bản tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2021 và thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 2,25%), điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực và giá xăng dầu.

HM (T/h)
Ý kiến của bạn