Giá xăng dầu, điện, thực phẩm cao khiến CPI tháng 7 Hà Nội tăng 0,73%

Đầu tư và Tiếp thị
04:56 PM 30/07/2021

Số liệu Cục Thống kê Hà Nội công bố cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 trên địa bàn TP Hà Nội tăng 0,73% so với tháng trước, tăng 2,15% so với tháng 12/2020 và tăng 2,28% so với cùng kỳ năm trước. CPI bình quân 7 tháng năm 2021 tăng 1,30% so với bình quân cùng kỳ năm 2020.

Cụ thể, trong tháng 7/2021, 5/11 nhóm hàng có chỉ số giá tăng so với tháng trước. Cũng giống như cả nước, nhóm giao thông tăng cao nhất 2,3% (tác động làm tăng CPI chung 0,23%) do trong tháng, giá xăng, dầu điều chỉnh tăng vào ngày 12/7/2021 và giảm nhẹ vào ngày 27/7/2021 (giá xăng tăng 7,07%; dầu diezen tăng 6,96%).

Tiếp theo là nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 2,09% (tác động làm tăng CPI chung 0,42%) do giá gas đun, giá dầu tăng mạnh; bên cạnh đó, miền Bắc vẫn nắng nóng làm sản lượng tiêu thụ điện sinh hoạt tăng cao khiến chỉ số giá điện tăng 6,76%.

Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,3%, chủ yếu là tăng ở nhóm thực phẩm (tăng 0,48%) do một số mặt hàng như trứng, các loại rau khô chế biến và rau, củ vụ Đông tăng giá (giá thịt lợn, thịt bò, thịt gia cầm ổn định). 

Giá xăng dầu, điện, thực phẩm cao khiến CPI tháng 7 Hà Nội tăng 0,73% - Ảnh 1.

Ảnh minh hoah. Nguồn: Internet

Các nhóm còn lại có chỉ số tăng nhẹ và bằng tháng trước: Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,04%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,02%; bưu chính viễn thông và giáo dục chỉ số giá bằng tháng trước. Có 4/11 nhóm hàng có chỉ số CPI giảm nhẹ so với tháng trước là: Văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,17%; may mặc, mũ nón, giầy dép giảm 0,08%; hàng hóa và dịch vụ khác giảm 0,05%; đồ uống và thuốc lá 0,03%.

Trong 7 tháng năm nay, một số nhóm hàng có chỉ số CPI bình quân tăng cao so với bình quân cùng kỳ như nhóm giao thông tăng 6,32%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 3,12%; giáo dục tăng 2,71%; đồ uống và thuốc lá tăng 1,57%... Có 3/11 nhóm hàng CPI bình quân 7 tháng năm 2021 giảm so với bình quân cùng kỳ: Văn hóa, giải trí và du lịch giảm 2,79%; bưu chính, viễn thông giảm 1,09%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,4%.

Chỉ số giá vàng tháng 7/2021 giảm 2,4% so với tháng trước, giảm 3,72% so với tháng 12/2020 và tăng 4% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 7 tháng năm 2021, chỉ số giá vàng tăng 15,21% so với bình quân cùng kỳ năm trước.

Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 7 tương đương tháng trước, giảm 0,51% so với tháng 12/2020 và giảm 0,76% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 7 tháng năm 2021, chỉ số giá đô la Mỹ giảm 0,94% so với bình quân cùng kỳ năm trước.

Theo Sở Công Thương, trước diễn biến tình hình COVID-19 còn nhiều phức tạp, thực hiện chỉ đạo của TP Hà Nội, các doanh nghiệp đã tăng cường dự trữ lượng hàng hóa thiết yếu tăng từ 30% - 50%, trong thời gian 3 tháng và tăng gấp 3 lần so với tháng bình thường với tổng giá trị hàng hóa khoảng 194.000 tỷ đồng (17 mặt hàng thiết yếu). 

Bên cạnh đó các doanh nghiệp chuẩn bị dự trữ lượng hàng hóa theo chương trình bình ổn thị trường năm 2021 là 5.698 tỷ đồng; bố trí đầy đủ phương tiện, nguồn nhân lực, sẵn sàng vận chuyển đảm bảo đầy đủ hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn.

Huyền My (T/h)
Ý kiến của bạn
Tổng nhu cầu vốn ngành năng lượng khoảng hơn 4.000 nghìn tỷ đồng Tổng nhu cầu vốn ngành năng lượng khoảng hơn 4.000 nghìn tỷ đồng

Theo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tổng nhu cầu vốn đầu tư của ngành năng lượng toàn giai đoạn 2021 - 2030 cần khoảng 4.133 - 4.808 nghìn tỷ đồng.