Giá xăng, dầu lập kỷ lục: Nhiều doanh nghiệp kinh doanh vận tải Thái Nguyên điêu đứng
Suốt hai năm qua, nhiều doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã rơi vào tình trạng kiệt quệ do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, thêm vào đó từ sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần giá xăng, dầu liên tục xác lập kỷ lục khiến nhiều doanh nghiệp phải tính đến việc tạm ngừng hoạt động kinh doanh.
Trao đổi với phóng viên, ông Vũ Mạnh Hà Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Mạnh Hà tại TP Thái Nguyên cho biết: "Khi dịch COVID-19 chưa bùng phát tại các tỉnh thì doanh nghiệp của ông vẫn cố gắng duy trì 80 đầu xe chạy trên 30 tuyến vận tải hành khách cố định, đảm bảo công việc cho gần 100 lao động. Tuy nhiên từ thời điểm 30/4/2021, khi dịch COVID-19 bùng phát, các tỉnh, thành trên cả nước áp dụng các biện pháp chống dịch quyết liệt cùng với việc giá xăng dầu tăng đỉnh điểm thì doanh nghiệp của ông cũng như các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách khác trên địa bàn đều rơi vào tình trạng gần như tê liệt, xe hợp đồng thì nằm phủ bụi vì các điểm du lịch đóng cửa, xe khách chạy tuyến cố định thì "thoi thóp" hoạt động vì không có khách".
Ông Hà nhẩm tính một chuyến xe khách chạy tuyến Thái Nguyên - Hà Tĩnh của doanh nghiệp ông, riêng chí phí xăng dầu hết khoảng 7 triệu, cộng với tiền lương lái xe, phụ xe ăn uống tổng chi phí hết khoảng 10 triệu, chí phí cho xe khách chạy tuyến đường dài rất tốn kém nhưng chuyện bù lỗ thì như cơm bữa, bởi khi xuất bến xe khách giường nằm trên 40 chỗ chỉ có vài khách, hôm nào nhiều thì có khoảng 10 khách, cứ chạy là lỗ nhưng vẫn phải ngậm đắng duy trì để giữ tuyến, giữ chân người lao động.
Hoạt động vận tải tại bến xe khách trung tâm TP Thái Nguyên
Cùng chung tình cảnh ảm đạm, Công ty CP Thương mại và Du lịch Hà Lan là một trong những doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách có quy mô lớn trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên với hơn 300 đầu xe bao gồm xe taxi, xe buýt, xe khách tuyến cố định. Tuy nhiên 2 năm qua công ty này cũng điêu đứng, khóc ròng vì đại dịch COVID-19.
Để giảm bớt gánh nặng chi phí, lãnh đạo công ty đã giảm số xe hoạt động, cắt giảm nhân công, đồng thời mở rộng ngành nghề kinh doanh sang các lĩnh vực khác như kinh doanh vật liệu xây dựng, thi công xây dựng các công trình dân dụng… để dần thích ứng với hậu quả của dịch COVID-19 để lại.
Ông Nguyễn Mạnh Hà Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thương mại và Du lịch Hà Lan chia sẻ: "Với giá xăng dầu tăng kỷ lục như hiện nay thì chi phí xăng dầu chiếm đến 45% giá cước vận tải, cộng với tiền nhân công, thuế, phí, lãi suất ngân hàng thì doanh nghiệp vận tải phải bù lỗ là điều khó tránh khỏi".
Khi được hỏi với giá xăng dầu tăng thì doanh nghiệp có tăng giá vé không? Ông Hà trả lời ngay là không bởi với giá vé như hiện nay đã vắng khách nếu tăng thì chắc chắn hành khách sẽ chọn các phương tiện khác.
Các phương tiện khác ở đây là hội xe chung, xe tiện chuyến, những xe này không phải nộp thuế hay phí bến bãi, hoạt động vô tội vạ, khiến các doanh nghiệp vận tải rất khó cạnh tranh. Chỉ cần nhấc điện gọi đến số điện thoại của hội xe chung hay xe tiện chuyến, sau 5 đến 10 phút sẽ có xe đến đón. Đây là "lỗ hổng" trong việc quản lý kinh doanh vận tải của các cơ quan nhà nước.
Hiện nay với số lượng phương tiện tham gia hội xe chung, xe tiện chuyến ngày càng nở rộ như "nấm mọc sau mưa" thì sức ép cạnh tranh với các doanh nghiệp đăng ký kinh doanh vận tải hành khách ngày càng khốc liệt.
Quang HưngCác chuyên gia dự báo, các dòng xe “xanh” sẽ tiếp tục khẳng định chỗ đứng trong năm tới, với thị phần xe điện chạy pin (BEV) có thể đạt 20% là dấu mốc đáng chú ý.