Giá xăng dầu tăng kỷ lục, chuỗi cung ứng thế giới đứng trước rủi ro tiềm ẩn khi người lao động chán nản và giận dữ

Tiêu điểm
11:58 AM 31/03/2022

Giá nhiên liệu ở mức cao "ngất ngưởng" đang khiến những tài xế xe tải, nhân viên giao hàng ở châu Á bày tỏ sự giận dữ và chán chường. Điều này gây ra mối lo ngại về sự gián đoạn tiềm ẩn có thể làm tăng thêm rủi ro cho chuỗi cung ứng.

Tuần trước, giá dầu diesel ở Hàn Quốc đã tăng 44% so với 1 năm trước đó và lên mức cao nhất kể từ năm 2008. Trong khi đó, giá xăng cũng tăng hơn 30%, theo dữ liệu từ Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Hàn Quốc (KNOC). Giá nhiên liệu tăng mạnh ở đúng thời điểm cước vận chuyển và phí giao hàng vẫn thay đổi, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến tiền lương của người lao động, các nhóm công đoàn đại diện cho các tài xế cho hay.

Gu Gyo-hyeon – giám đốc của Rider Union – công đoàn đại diện cho 1.000 tài xế giao hàng thực phẩm tại Hàn Quốc, chia sẻ: "Giá xăng tăng vọt là một gánh nặng lớn với chúng tôi. Không giống như các ngành khác, chúng tôi không nhận được trợ cấp từ chính phủ. Điều này khiến chúng tôi khó có thể tiếp tục duy trì công việc."

Giá năng lượng tăng cao đã tạo thêm áp lực lạm phát trên toàn cầu, ảnh hưởng đến mọi thứ từ dịch vụ xe Uber cho đến đồ chơi cho trẻ em vì dầu mỏ là yếu tố quan trọng trong hoạt động vận chuyển và sản xuất. Nhật Bản đã tối đa hóa khoản trợ cấp cho các nhà máy lọc dầu. Còn Pakistan đang mạo hiểm khi sử dụng gói cứu trợ 6 tỷ USD của IMF với việc hạ giá nhiên liệu và cam kết không tăng cho đến ít nhất là tháng 6.

Để ứng phó với áp lực ngày càng tăng, các hãng gọi xe và nhà cung cấp dịch vụ vận tải khác cũng đang phải đưa ra những hướng đi mới. Tại Mỹ, Lyft đã nâng phụ phí cho các chuyến xe để hỗ trợ tài xế, trong khi Grab nằm trong số các công ty ở Singapore đưa ra các động thái tương tự để hỗ trợ phần nào tiền xăng cho tài xế. Ở Tokyo, các tài xế taxi đang tìm cách nâng giá vé lần đầu tiên sau 15 năm.

Giá dầu diesel ở New Delhi đã tăng 6,5% sau khi ở mức ổn định trong hơn 4 tháng, làm dấy lên làn sóng phản đối dữ dội từ các nhà lập pháp phe đối lập trong quốc hội Ấn Độ. Theo Kultaran Singh Atwal – chủ tịch Cơ quan Vận Tài Cơ giới Ấn Độ thuộc Quốc hội, tổ chức đại diện cho khoảng 10 triệu nhà khai thác xe tải và xe buýt, mức tăng đột biến này đang gây hỗn loạn cho ngành vận tải đường bộ vì dầu diesel chiếm khoảng 70% chi phí vận hành.

Các hãng điều hành xe tải chở hàng ở Hàn Quốc có trọng lượng 25 tấn phải trả thêm trung bình khoảng 2,5 triệu won (2.070 USD) cho các xe chạy động cơ diesel vào tháng 3 so với 1 năm trước đó, theo Cargo Truckers Solidarity – công ty liên kết với Cơ quan Dịch vụ Công cộng Hàn Quốc và Công đoàn Công nhân Giao thông Vận tải. Các tài xế giao đồ ăn phải chi trả thêm khoảng 50.000 won để đổ đầy bình xăng mỗi tháng, theo Gu.

Trong bối cảnh đó, Hàn Quốc đã gia hạn thời gian giảm thuế nhiên liệu thêm 3 tháng cho đến hết tháng 7 để kiểm soát lạm phát. Tuy nhiên, người lao động từ các lĩnh vực vận chuyển thực phẩm và vận tải đường bộ - những dịch vụ đã trở nên quan trọng hơn trong đại dịch Covid-19, đang nỗ lực kêu gọi sự trợ giúp từ chính phủ để bù đắp mức giá nhiên liệu tăng cao.

Lee Bong-ju – chủ tịch của Cargo Truckers Solidarity, cho hay: "Giá dầu diesel tăng chóng mặt đang khiến chúng tôi phải chịu thiệt hại lớn hơn nếu tiếp tục vận hành đội xe. Tuy nhiên, chúng tôi phải "theo lao" và tiếp tục làm việc vì lo sợ rằng sẽ mất đi các hợp đồng kinh doanh."

Tham khảo Bloomberg

Chi Lan
Ý kiến của bạn
Đẩy mạnh chuyển đổi số cho các mô hình kinh doanh truyền thống Đẩy mạnh chuyển đổi số cho các mô hình kinh doanh truyền thống

Công cuộc số hóa chợ hay tiệm tạp hóa truyền thống không chỉ đơn thuần gói gọn trong việc quét mã QR để thanh toán. Đây là một "cuộc chơi lớn" với 1,4 triệu tạp hoá đang chờ “lên đời công nghệ".