Giá xuất khẩu cà phê vượt nhiều 'ngôi sao' ngành nông sản
Với mức giá 3.482 USD/tấn, tăng 49,9% so với cùng kỳ, giá xuất khẩu cà phê 5 tháng đầu năm đã tăng vượt nhiều "ngôi sao" ngành nông sản như gạo, tiêu..
Theo Bộ NN&PTNT, cà phê là một mặt hàng có giá xuất khẩu cao nhất trong 5 tháng đầu năm nay, với mức 3.482 USD/tấn, tăng 49,9% so với cùng kỳ. Mức tăng giá xuất khẩu cà phê cao hơn so với gạo, tiêu (tăng lần lượt 20,5% và 39,3%)...
Cụ thể, trên thị trường xuất khẩu, giá cà phê Robusta tại London giao tháng 7/2024 tăng 57 USD/tấn, ở mức 4.177 USD/tấn, giao tháng 9/2024 tăng 17 USD/tấn, ở mức 4.042 USD/tấn.
Giá cà phê Arabica giao tháng 7/2024 giảm 1,5 cent/lb, ở mức 229,45 cent/lb, giao tháng 9/2024 giảm 1,5 cent/lb, ở mức 228,3 cent/lb.
Giá cà phê Robusta tiếp tục được hưởng lợi từ thông tin lo ngại tình trạng khô hạn quá mức ở Brazil và Việt Nam trong thời gian qua, sẽ gây thiệt hại cho cây cà phê và hạn chế sản lượng toàn cầu.
Tại thị trường trong nước, giá cà phê trong ngày 30/5 đạt trung bình 121.000 - 122.200 đồng/kg. Giá cà phê thu mua tại tỉnh Gia Lai, tỉnh Kon Tum ở mức 120.700 đồng/kg. Tại tỉnh Đắk Nông, cà phê được thu mua với giá cao nhất 121.200 đồng/kg.
Giá cà phê tại tỉnh Lâm Đồng ở các huyện như Bảo Lộc, Di Linh, Lâm Hà hiện ở mức 120.000 đồng/kg.
Tại tỉnh Đắk Lắk, cụ thể là ở huyện Cư M'gar, cà phê được thu mua ở mức khoảng 120.600 đồng/kg, còn tại huyện Ea H'leo, thị xã Buôn Hồ, cà phê được thu mua cùng mức 120.700 đồng/kg.
Ông Trần Đình Trọng, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Công Bằng Eatu, đánh giá vụ cà phê vừa qua đã rất thành công khi giá lên, nông dân thu lời tốt dù sản lượng có sụt giảm. Giá cao sẽ giúp người nông dân có động lực chăm sóc tốt hơn cho vườn cà phê của mình, cũng như tính tới phương án mở rộng diện tích.
Theo các chuyên gia, với tình hình giá thị trường như hiện nay, kim ngạch xuất khẩu 5 tỷ USD của ngành cà phê trong năm 2024 chắc chắn đạt được. Tuy nhiên, việc quan trọng là phải xây dựng ngành này phát triển một cách bền vững.
Để giữ vững được kết quả này, Việt Nam cần phát triển cà phê bền vững từ sản xuất đến chế biến đến xuất khẩu. Đặc biệt là phải tạo ra mối liên hệ giữa doanh nghiệp và người nông dân để xây dựng được các vùng cà phê đạt chất lượng phát triển bền vững. Bên cạnh đó, phải đáp ứng các quy định của châu Âu về chống phá rừng và gây suy thái rừng có hiệu lực từ tháng 6/2023 để thể hiện trách nhiệm của Việt Nam đối với mục tiêu bảo vệ môi trường, bảo vệ thiên nhiên.
Minh An (t/h)Công ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.