Giá xuất khẩu gạo trung bình 4 tháng giảm 19,8%
Xuất khẩu gạo 4 tháng đầu năm 2025 ghi nhận “nốt trầm” khi sản lượng tăng, nhưng giá trị lại giảm so với cùng kỳ năm ngoái do giá xuất khẩu giảm sâu.
Bộ Công thương đã phối hợp với Sở Công thương Tiền Giang tổ chức hội nghị về công tác điều hành xuất khẩu gạo năm 2025 và lấy ý kiến đối với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 107/2018/NĐ-CP và Nghị định số 01/2025/NĐ-CP.
Theo Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, những tháng đầu năm nay, tình hình thương mại gạo toàn cầu diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng sự chỉ đạo kịp thời của Bộ Công Thương và các Bộ, ngành cùng với nỗ lực của các thương nhân xuất khẩu gạo, hoạt động xuất khẩu gạo trong 4 tháng đầu năm 2025 của nước ta tiếp tục đạt được một số kết quả tích cực.

Giá gạo xuất khẩu trung bình 4 tháng đầu năm 2025 giảm 19,8% so với cùng kỳ năm 2024. Ảnh: Internet
4 tháng đầu năm 2025, kim ngạch xuất khẩu gạo đạt trên 3,43 triệu tấn, tương đương gần 1,77 tỷ USD, tăng 8,1% về lượng nhưng giảm 13,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2024. Giá xuất khẩu trung bình đạt 515 USD/tấn, giảm 19,8% so với cùng kỳ năm 2024.
Từ chỗ có giá gạo xuất khẩu cao nhất thế giới trong nhiều tháng, gạo xuất khẩu của Việt Nam đã giảm giá mạnh trong các tháng đầu năm nay. Hiện giá các loại gạo xuất khẩu của Việt Nam cao hơn gạo Ấn Độ và Paskitan nhưng thấp hơn gạo Thái Lan.
Theo một số doanh nghiệp, giá gạo xuất khẩu đã bước vào chu kỳ điều chỉnh mạnh kể từ cuối năm ngoái, do nguồn cung gạo toàn cầu tăng mạnh sau khi Ấn Độ dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu.
Về thị trường, Philippines vẫn là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam chiếm 43,3% trong tổng sản lượng và chiếm 45,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước, đạt gần 1,49 triệu tấn, tương đương với cùng kỳ năm 2024; Bờ Biển Ngà đứng thứ 2 thị trường, tăng 270,4% về lượng so với cùng kỳ năm 2024, đạt gần 441 nghìn tấn, chiếm tỷ trọng 12,8%.
Tiếp theo, xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc tăng 113,8% về lượng so với cùng kỳ năm 2024, đạt gần 362 nghìn tấn, chiếm trên 10,5% trong tổng sản lượng và tổng kim ngạch. Thị trường Ghana cũng ghi nhận mức tăng lớn với 85% so với cùng kỳ năm 2024, đạt 304 nghìn tấn, chiếm tỷ trọng 8,8%.
Các doanh nghiệp xuất khẩu kỳ vọng, khó khăn chỉ là tạm thời và giá gạo sẽ sớm hồi phục, song khó trở lại mức cao như năm ngoái bởi nguồn cung hiện vẫn dồi dào.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) dự báo, xuất khẩu gạo năm 2025 có thể chỉ đạt 7,5 triệu tấn, giảm so với mức kỷ lục hơn 9 triệu tấn năm 2024. Sản lượng gạo xuất khẩu có thể giảm, nhưng nếu tăng được lượng gạo ST24, ST25, gạo thơm chất lượng cao, thì ngoại tệ mang về vẫn tích cực.
Hướng đi bền vững để gạo Việt vẫn giữ được giá và chinh phục được nhà nhập khẩu khó tính là không ngừng nâng cao chất lượng, đa dạng chủng loại, tăng sản xuất gạo thơm, chuyển đổi sản xuất theo hướng bền vững, kiểm soát chặt vấn đề dư lượng hóa chất…
Huyền My (t/h)
Giá xăng giảm nhẹ, trong khi giá dầu được điều chỉnh tăng sau thông báo điều chỉnh giá bán lẻ các mặt hàng xăng, dầu của liên bộ Công Thương - Tài chính.