COVID-19 đã làm xáo trộn nhịp sống của nhiều gia đình và đặt ngành giáo dục nước nhà trước những thách thức, song đây cũng là cơ hội để tìm lời giải cho bài toán đổi mới mạnh mẽ nền giáo dục, cả về nội dung lẫn phương thức.
COVID-19 đã làm xáo trộn nhịp sống của nhiều gia đình và đặt ngành giáo dục nước nhà trước những thách thức, song đây cũng là cơ hội để tìm lời giải cho bài toán đổi mới mạnh mẽ nền giáo dục, cả về nội dung lẫn phương thức.
Giải “bài toán” giáo dục thời COVID - Ảnh 1.

Gần hai năm 'sống chung' với đại dịch COVID-19, điều đáng lo ngại nhất chính là sự gián đoạn về mặt giáo dục. Đại dịch không chỉ khiến nhiều học sinh, sinh viên không thể đến trường mà còn gây ra nhiều hệ lụy khác, như: Một số học sinh bị cuốn vào thị trường lao động, không đi học lại; số ít trẻ em nữ bị lạm dụng, xâm hại, chịu bạo lực gia đình... Việc nghỉ học dài ngày đồng thời cũng góp phần làm gia tăng khoảng cách trong bất bình đẳng về cơ hội học tập, phát triển giữa các nhóm học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khác nhau.

Bên cạnh đó, việc đóng cửa các trường học khiến nhà trường, giáo viên và các cơ sở đào tạo gặp khó khăn, thu nhập nhiều gia đình bị ảnh hưởng do các bậc phụ huynh phải nghỉ làm để chăm sóc con nhỏ. Nhiều phụ huynh phải kết hợp chăm sóc con với làm việc tại nhà bằng các hình thức khác nhau tuy nhiên lại tồn tại vấn đề có thể làm giảm năng suất lao động?

Giải “bài toán” giáo dục thời COVID - Ảnh 2.

Ảnh minh họa: Plan International Việt Nam.

Thêm vào đó, diễn biến phức tạp của dịch bệnh cũng đẩy các trường học và cơ sở giáo dục tư nhân đối mặt với nguy cơ đóng cửa lâu dài và hệ lụy có thể dẫn đến phá sản. Từ đó mà hàng nghìn người mất việc, hàng triệu học sinh, sinh viên bị gián đoạn việc học. Đối với các cơ sở giáo dục công lập, các quyết định không chắc chắn sẽ gây ra sự chậm trễ trong việc đóng học phí của học sinh, sinh viên và từ đó ảnh hưởng tới tiền lương của giáo viên và đội ngũ nhân viên.

Đối mặt với các thách thức to lớn đó, học trực tuyến tại nhà là giải pháp bắt buộc trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 khi học sinh không thể đến trường. Nếu những đợt dịch trước, cả giáo viên và học sinh còn gặp khó khăn trong việc dạy và học trực tuyến thì đến nay, việc học trực tuyến đã được các trường, giáo viên và học sinh chuẩn bị tâm thế chủ động và sẵn sàng. 

Tuy nhiên, bài toán đặt ra là làm thế nào để kết nối với học sinh và đảm bảo tính liên tục của hoạt động giảng dạy thông qua hình thức đào tạo trực tuyến. Đối với học sinh, sinh viên ở các thành phố lớn, đào tạo trực tuyến là cách tốt nhất để giảng dạy học sinh, sinh viên trong bối cảnh cách ly tại nhà. Nhưng nhiều học sinh vùng sâu vùng xa không có đường truyền kết nối internet ổn định, nên để đảm bảo tính liên tục của giáo dục thông qua phương thức học từ xa đã trở thành một thách thức. Chưa bàn đến chất lượng mà chỉ xét trên phương diện kinh tế, việc học trực tuyến đã làm tăng chi phí giáo dục lên rất nhiều.

Giải “bài toán” giáo dục thời COVID - Ảnh 4.

Với những khó khăn đó, Bộ GD-ĐT đã phải thực hiện đổi mới các phương pháp giảng dạy, trong đó cho phép các tỉnh thành thực hiện dạy học đại trà qua truyền hình và dạy học trực tuyến. Lịch phát sóng các bài giảng được thông báo rộng rãi để học sinh có thể tham gia vào việc học, thực hiện đào tạo trực tuyến cũng đồng thời giảm học phí hoặc cấp học bổng cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.

Bên cạnh đó các nhà mạng lớn ở Việt Nam, bao gồm Viettel, VNPT, MobiFone, và Vietnamobile cam kết hỗ trợ ngành giáo dục trong việc ngăn chặn và kiểm soát COVID-19 bằng cách miễn phí lưu lượng data điện thoại cho học sinh, sinh viên, giáo viên, và phụ huynh khi sử dụng các giải pháp đào tạo trực tuyến do Bộ GD-ĐT công bố.

Giải “bài toán” giáo dục thời COVID - Ảnh 5.

Dưới tác động của đại dịch COVID-19, các chuyên gia trên thế giới cho rằng đại dịch là thách thức, nhưng cũng là cơ hội để ngành giáo dục từng bước thích ứng với thời đại mới. Chúng ta có thể tận dụng lợi thế này để chuẩn bị tốt cho tương lai của giáo dục trong thế kỷ XXI. Sức khỏe học đường chưa bao giờ nhận được sự quan tâm mà nó xứng đáng có được trong các chương trình giáo dục của các nước đang phát triển. Cuộc khủng hoảng này chắc chắn là một cơ hội để thiết kế lại chương trình giảng dạy phù hợp, tạo cơ hội và động lực để giáo viên, học sinh thích ứng.

Giải “bài toán” giáo dục thời COVID - Ảnh 6.

Ở Việt Nam, chính quyền các cấp, ngành giáo dục đã có sự chủ động, sáng tạo trong đối phó với dịch bệnh, như: Khoanh vùng; cho học sinh, sinh viên ở những nơi có khả năng lây nhiễm cao nghỉ học; tổ chức dạy học qua truyền hình, dạy học trực tuyến; điều chỉnh, cắt giảm nội dung dạy học, nội dung kiểm tra, nội dung thi...

Giải “bài toán” giáo dục thời COVID - Ảnh 7.

Nhiều trường đại học đã cho sinh viên tiếp tục nghỉ học và chuyển sang học tập trực tuyến.

Một số trường Đại học đã chủ động triển khai đào tạo trực tuyến kết hợp với đào tạo tập trung truyền thống. Dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp khiến các trường học phải đóng cửa. Lúc này, vai trò của đào tạo từ xa, đào tạo trực tuyến để thực hiện phương châm "Tạm dừng đến trường, không dừng việc học" được nhìn nhận rõ ràng hơn bao giờ hết. 

Một số trường gặp khó khăn do chưa kịp chuẩn bị, nhưng đa số cơ sở GDĐH đang dần dịch chuyển từ thế bị động ban đầu sang thế chủ động và tính đến những kịch bản lâu dài hơn. Qua giai đoạn thử thách này, các cơ sở đào tạo được nâng cao nhận thức về đào tạo trực tuyến và tái cấu trúc đội ngũ cán bộ giảng viên.

Giải “bài toán” giáo dục thời COVID - Ảnh 8.

Hiện nay, với quy mô hơn 53.000 cơ sở GDĐT, 24 triệu học sinh sinh viên và 1,4 triệu giáo viên, ngành Giáo dục xác định thực hiện tốt chuyển đổi số sẽ góp phần triển khai thành công Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, đóng góp cho nền kinh tế số, xã hội số và hình thành quốc gia số. Với ngành giáo dục, chuyển đổi số chính là một cuộc đột phá và là nhiệm vụ quan trọng cần tập trung nguồn lực triển khai, thực hiện để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trước những yêu cầu mới, thách thức mới trong xu thế hội nhập quốc tế. 

Dịch COVID-19 mang đến áp lực cho hoạt động giáo dục, nhưng đồng thời cũng tạo ra động lực để chuyển đổi số trở nên mạnh mẽ hơn; tạo cơ hội và động lực để giáo viên, học sinh áp dụng linh hoạt phương thức dạy học trực tuyến. Kết quả dạy học online trong thời điểm dịch COVID-19 được đánh giá tốt. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn cần tổ chức lại hoạt động chuyển đổi số một cách bài bản hơn để nâng cao hiệu quả.

Ngay tại thời điểm này, dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biễn phức tạp, khiến học sinh, sinh viên vẫn phải nghỉ học dài ngày. Trong thời gian tới, để hệ thống giáo dục nước nhà có khả năng thích ứng với nguy cơ dịch bệnh tốt hơn, từ góc nhìn của một người từng có nhiều năm công tác trong ngành giáo dục Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Dư (Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Thái Bình) đã chia sẻ một số giải pháp có tính chất lâu dài.

Giải “bài toán” giáo dục thời COVID - Ảnh 9.

Thứ nhất, cần phải bổ sung ngay nội dung các phương pháp, kĩ năng dạy học trực tuyến, phòng chống dịch bệnh vào chương trình đào tạo của các trường sư phạm, khoa sư phạm, xác định rõ dạy học trực tuyến là xu thế tất yếu song hành với hình thức dạy học trên lớp hiện nay, là hình thức dạy học cơ bản khi có dịch bệnh.

Thứ hai, cần tổ chức tập huấn kĩ năng sử dụng các phần mềm dạy học trực tuyến, kĩ năng dạy học trên truyền hình, kĩ năng phòng chống dịch bệnh, kĩ năng điều chỉnh nội dung, phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá cho giáo viên các cấp học.

Giải “bài toán” giáo dục thời COVID - Ảnh 10.

Bên cạnh đó, cần bồi dưỡng cho cán bộ quản lý cấp trường các kĩ năng quản lý rủi ro, quản lý sự thay đổi, kĩ năng phân tích đánh giá các nguy cơ về sức khỏe của người học, chuẩn bị tốt cho việc quản lý các nhà trường trong bối cảnh xã hội tiềm ẩn nhiều rủi ro, thiên tai, dịch bệnh như hiện nay.

Thứ ba, mặc dù nguồn thu ngân sách các cấp có thể sụt giảm song cần đẩy mạnh đầu tư cho giáo dục thông qua việc xây dựng thêm trường lớp tại những nơi mật độ học sinh trên lớp quá cao; phối hợp (giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo với một tập đoàn viễn thông uy tín) xây dựng phần mềm, ứng dụng dạy học trực tuyến cung cấp miễn phí cho giáo viên; mua sắm trang thiết bị y tế thiết yếu phục vụ việc phòng chống dịch.

Giải “bài toán” giáo dục thời COVID - Ảnh 11.

Bên cạnh đó, để "không ai bị bỏ lại phía sau", các cơ quan quản lý giáo dục cần kiểm soát chất lượng, xây dựng các kho học liệu mở gồm bài giảng được ghi hình, các bài kiểm tra, bài tập, hướng dẫn tự học tại nhà … để những học sinh không có điều kiện tham gia học tập trực tuyến có thể duy trì việc học tập trong thời gian không thể đến trường.

Thứ tư, cần sớm xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ tài chính phù hợp cho giáo viên các trường ngoài công lập khi họ phải nghỉ dạy dài ngày do dịch bệnh, bởi những giáo viên này thường không được trả lương khi không đến trường làm việc.

Giải “bài toán” giáo dục thời COVID - Ảnh 12.

Giải pháp cuối cùng nhưng cũng không kém phần quan trọng là: Đẩy mạnh bồi dưỡng cho học sinh, sinh viên phương pháp, kĩ năng tự học bởi trong xã hội thông tin như hiện nay, khi mà sách giáo khoa không còn mang tính "pháp lệnh", khả năng tự tìm kiếm, xử lý thông tin biến nó thành tri thức của mình là yêu cầu tất yếu, là kĩ năng cần thiết cho mỗi con người trong quá trình học tập suốt đời.

Với những nỗ lực và sự chuyển mình cần thiết, trong năm học qua ngành giáo dục nước nhà đã đạt được một số thành quả quan trọng. Đặc biệt, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT mới diễn ra, để vừa ứng phó được với dịch bệnh, bảo đảm an toàn sức khỏe cho học sinh, cán bộ, giáo viên; vừa tổ chức kỳ thi nghiêm túc, khách quan, công bằng Bộ GD&ĐT đã xây dựng các phương án và kịch bản tổ chức từ rất sớm, điều chỉnh linh hoạt theo diễn biến của dịch bệnh. Vì vậy kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 trên cả nước được đánh giá là an toàn, nghiêm túc và đúng quy chế. 

Thực hiện: Thương Huyền