Giải bài toán cho phát triển xe điện ở Việt Nam
Nếu vào năm 2050, giao thông Việt Nam phát triển với kịch bản 100% sử dụng xe máy điện và 70% ôtô điện, các chuyên gia cho rằng sẽ cần giải quyết nhiều vấn đề như nhu cầu tiêu thụ điện tăng, bài toán hạ tầng và cả giá xe.
Thông tin trên được các chuyên gia năng lượng đưa ra tại tọa đàm trực tuyến “Tương lai phát triển xe điện tại Việt Nam” do Báo Giao thông phối hợp với Trung tâm Phát triển Sáng tạo xanh (GreenID) và Lab 100RE tổ chức ngày 21/12.
Mặc dù các chuyên gia đều đánh giá cao về tiềm năng phát triển xe điện tại Việt Nam, tuy nhiên hiện vẫn chưa có hạ tầng, tiêu chuẩn cho xe điện, đi kèm theo đó là những lo ngại liên quan đến tính an toàn của điện và pin trong quá trình sử dụng.
Nhu cầu tiêu thụ điện trong thời gian tới là rất lớn
Thách thức trước tiên với phát triển loại hình này ở Việt Nam là nhu cầu tiêu thụ điện đang tăng dần. Tại toạ đàm về phát triển xe điện ngày 21/12, TS Nguyễn Quốc Khánh, chuyên gia năng lượng, tính toán giai đoạn 2014-2020, mỗi năm trung bình có 5,14 triệu xe máy, 255.000 ôtô con được đăng ký mới. Trong đó, tiêu thụ năng lượng giao thông chiếm 21,4% tổng tiêu thụ quốc gia năm 2014, tăng 4,9% giai đoạn 2014-2019, nhanh hơn tốc độ tăng toàn ngành ở mức 3,4%. Tổng phát thải 33,2 triệu tấn, chiếm 19,3% phát thải từ lĩnh vực năng lượng.
Dự thảo quy hoạch điện VIII (bản cập nhật hồi tháng 10/2021) cho thấy, công suất lắp đặt các nguồn điện tăng gấp đôi vào năm 2030 và tăng gấp đôi lần nữa vào năm 2045. Trong đó, năng lượng tái tạo (không bao gồm thủy điện lớn) tăng từ 30,2% năm 2020 lên 42,% năm 2045 và hệ số phát thải điện lưới giảm dần.
Ông Khánh cũng đưa ra các kịch bản phát triển xe điện ở Việt Nam với nhu cầu tiêu thụ điện cũng tăng tương ứng từ nay tới năm 2030 và 2050.
Trong đó, nếu năm 2030, xe máy điện chiếm 34% thị phần xe bán mới còn ôtô điện chiếm 30%, nhu cầu điện trong lĩnh vực giao thông là gần 4 tỷ kWh, tương đương nửa công suất nhà máy Thuỷ điện Hoà Bình. Năm 2050, nhu cầu tiêu thụ điện là gần 17,6 tỷ kWh, tương đương 2 nhà máy Thuỷ điện Hoà Bình.
Tương tự, với kịch bản xe điện phát triển cao hơn, nhu cầu điện cho lĩnh vực giao thông gần 8,5 tỷ kWh vào năm 2030, tương đương công suất nhà máy Thuỷ điện Hoà Bình. Ở kịch bản này, xe máy điện chiếm 72% xe bán mới vào năm 2030, 100% vào năm 2050. Ôtô điện chiếm 30% vào năm 2030. Đến năm 2050, nếu ôtô điện chiếm 70% xe bán mới, nhu cầu điện sẽ tăng lên gần 72 tỷ kWh, tương đương 10 nhà máy Thuỷ điện Hoà Bình.
Giá xe là bài toán các nhà sản xuất cần tính tới
Với Việt Nam, để phổ cập xe điện thì giá xe là bài toán các nhà sản xuất cần tính tới. Xe điện đang phát triển rất mạnh tại nhiều quốc gia, nhất là tại Trung Quốc, châu Âu, Mỹ. Cùng sự thay đổi công nghệ, giá thành sản xuất xe điện đã giảm đáng kể so với giai đoạn trước, nhưng vẫn cao hơn tương đối nếu so với xe sử dụng nhiên liệu hoá thạch (xăng, dầu).
Hiện, chính sách khuyến khích phát triển xe điện tại Việt Nam hầu như chưa có. Giá xe điện hiện vẫn ở ngưỡng cao so với xe xăng, dầu.
Theo dữ liệu của VAMA, năm 2020, giá xe điện (chỉ tính chi phí sản xuất thuần) cao hơn khoảng 45% so với xe sử dụng động cơ đốt trong. Cùng với công nghệ sản xuất pin ngày càng tốt và rẻ hơn thì tới năm 2030, giá xe điện có giảm song vẫn cao hơn 9-10% xe chạy xăng, dầu.
Xe điện đến nay mới chỉ nhận được ưu đãi về thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt, ở mức 15%, thấp hơn so với xe chạy xăng, dầu thông thường (35-50%). Chính phủ đang đề xuất giảm 5-12 điểm phần trăm thuế suất tiêu thụ đặc biệt với ôtô điện chạy pin trong 5 năm đầu sau khi sửa luật có hiệu lực. Từ năm thứ sáu trở đi sẽ tăng thuế suất với cả xe nhập khẩu, sản xuất trong nước.
Nhưng khi giá của xe điện vẫn cao hơn so với dòng xe tương tự chạy xăng, mức thuế suất tiêu thụ đặc biệt là chưa đủ để đưa giá loại xe này về ngưỡng dễ chịu hơn để "hút" người tiêu dùng.
Lúc này, theo giới chuyên gia, sự hỗ trợ về chính sách của Chính phủ cho phát triển xe điện là rất cần thiết. Đại diện VAMA, ông Đào Công Quyết, Trưởng tiểu ban Truyền thông cho rằng, ít nhất trong 10 năm đầu Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ, ưu đãi về thuế, phí để kích cầu và có chính sách hỗ trợ phát triển trạm sạc nhanh, trạm sạc tại nhà... Các ưu đãi này sẽ giảm dần ở giai đoạn tiếp theo khi xe điện đã có thị phần nhất định trên thị trường. Từ sau năm 2050, xe điện sẽ không cần các chính sách hỗ trợ riêng.
Cân nhắc an toàn cho điện và pin
Theo Tiến sỹ Nguyễn Đức Tuyên (Đại học Bách khoa), hiện ngoài 200 trạm sạc của Vinfast, Việt Nam hầu như chưa có hạ tầng cho phát triển xe điện; các tiêu chuẩn của Việt Nam về phát triển loại hình phương tiện này cũng chưa có và chưa thống nhất.
Để có cơ sở thúc đẩy sự phát triển xe điện ở Việt Nam, ông Tuyên cho biết cần hoàn thiện các tiêu chuẩn kỹ thuật như yêu cầu kỹ thuật và an toàn điện với hệ thống sạc nhanh, thay thế pin và ắc quy... Đồng thời, tối ưu hóa các trạm sạc và vị trí sạc pin bằng việc sử dụng các nguồn điện sạch, năng lượng tái tạo, quản lý cân bằng công suất lưới.
"Bên cạnh đó cần có những chính sách hỗ trợ trực tiếp vào giá mua xe, thuế, chi phí sạc, lắp đặt trạm sạc tại nhà; đánh thuế vào phát thải cao. Thậm chí, cần có khu vực vận hành riêng cho xe điện, giống như cho xe BRT hiện nay," ông Tuyên nói.
Ở khía cạnh người làm chính sách, ông Trần Quang Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, an toàn về điện và pin của xe điện sẽ được cơ quan này đưa vào danh mục quản lý theo quy chuẩn với hàng hoá nhóm 2. Các tiêu chuẩn về pin cho xe điện sẽ được bộ này xây dựng trong năm 2022.
"Chúng tôi nỗ lực hoàn thiện sớm kiểm soát chất lượng khi xe điện phát triển. Đồng thời có những chính sách về thuế phí cho phù hợp, để có lộ trình chuyển sang xe thuần điện", ông Hà nói.
HM (T/h)“Với hạ tầng, hệ sinh thái du lịch hoàn thiện và khả năng tiếp cận thuận tiện, Phú Quốc có thể trở thành địa điểm tổ chức các sự kiện tầm cỡ thế giới như APEC. Phú Quốc đang ở giai đoạn vàng để phát triển toàn diện”, Phó Chủ tịch thường trực Hội Lữ hành G7 đánh giá.