Từ khi dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát ở Việt Nam vào đầu năm 2020, các doanh nghiệp trên cả nước bắt đầu rơi vào cảnh hoạt động khó khăn, nhất là những thời điểm thực hiện cách ly, phong tỏa phòng, chống dịch. Hầu hết tất cả các ngành hàng và lĩnh vực kinh doanh đều hoạt động cầm chừng hoặc chuyển đổi hoạt động để tồn tại. Phần lớn người lao động trong các đơn vị kinh doanh hai năm qua bị mất việc làm, giảm thu nhập, nhiều người phải chuyển sang các ngành nghề khác để lao động, kiếm sống.
Là một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực may mặc, từ sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần, Công ty TNHH Dệt Vĩnh Phúc chi nhánh tại Hà Nội đã tham gia nhiều phiên giao dịch việc làm, hội chợ tuyển dụng của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức, thông báo tuyển dụng qua mạng xã hội,… tuyển dụng với mức thu nhập từ 8 - 12 triệu đồng/tháng, nhưng vẫn chưa đủ để bổ sung vào nguồn nhân lực thiếu hụt.
Trao đổi với các cơ quan báo chí, ông Nguyễn Văn Tám, nhân viên Phòng Tổ chức, tuyển dụng Công ty TNHH dệt Vĩnh Phúc chi nhánh tại Hà Nội, cho biết từ sau Tết, do dịch COVID-19 bùng phát, hơn 50% nhân lực công ty là F0 và F1 xin nghỉ ở nhà. Ông Tám chia sẻ: “Chưa năm nào việc tuyển nhân lực lại khó khăn như năm nay. Đầu năm, các đơn hàng xuất sang Nhật, Mỹ, châu Âu nhiều, tình hình sản xuất đang rất căng do dây chuyền sản xuất gần nhau nên khó tránh khỏi lây nhiễm. Sức người có hạn, chúng tôi không thể tăng số giờ làm thêm cho công nhân”.
Theo ông Tám, dự kiến đến hết tháng 3, tình hình F0 nghỉ ở nhà mới bớt căng thẳng, giải pháp trước mắt mà công ty này đang áp dụng là tuyển lao động bổ sung và thuê gia công sản phẩm ở các phân xưởng khác. “Chúng tôi đã báo khách hàng xin giãn tiến độ. Tạm thời F1 cách ly 5 ngày, F0 nếu 7 ngày xét nghiệm âm tính có thể đi làm trở lại”, ông Tám cho hay.
Cũng trong tình cảnh thiếu hụt lao động, bà Nguyễn Thu Hương, nhân viên tuyển dụng của Công ty Cổ phần cơ khí Đông Anh Licogi, cho biết tính từ sau Tết, công ty này đã có 252 lao động là F0, số lượng F1 lên đến hàng trăm người. Số lượng lao động là F0, F1 tăng chóng mặt khiến công ty xoay xở trầy trật để tìm lao động.
“Công ty có hơn 6.000 lao động và đang có nhu cầu tuyển thêm hơn 100 người. Số công nhân là F0, F1 thì tăng hàng ngày trong khi đơn hàng không thể trì hoãn. Chúng tôi phải duy trì bằng cách tuyển lao động bổ sung, thực hiện là chia nhân lực theo phân xưởng, huy động nhân lực từ phân xưởng này sang phân xưởng khác”.
Ông Bạch Thăng Long, Phó Tổng Giám đốc Công ty May 10 cũng cho biết các nhà máy thuộc Tổng công ty có 10 - 40% tổng số lao động là F0. Kế hoạch sản xuất bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhiều nhà máy phải điều chỉnh kế hoạch sản xuất ở những nơi có nhiều F0 sang những nơi có ít F0, đồng thời làm việc với đối tác để điều chỉnh thời gian giao hàng.
Còn trong lĩnh vực du lịch, Tổng Giám đốc Trung tâm phát triển nguồn nhân lực Du lịch (THD) Nhữ Thị Ngần cho biết, thời điểm này đang có cuộc “khủng hoảng nhân sự du lịch” bởi sau thời gian nghỉ dịch đa số các nhân sự du lịch lâu năm đã chuyển việc, trong khi nhân sự mới bổ sung rất ít. Việc Việt Nam mở cửa du lịch quốc tế là chính sách quan trọng, đánh dấu việc mở cửa, thích ứng của Việt Nam đối với du khách quốc tế. Cùng với đó là nhu cầu tìm lao động của hàng loạt doanh nghiệp lữ hành.
Theo báo cáo công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 của Liên đoàn lao động (LĐLĐ) TP. Hà Nội, tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn tiếp tục diễn biến phức tạp. Tính đến trung tuần tháng 3 năm 2022, Hà Nội có hơn 28.897 đoàn viên, người lao động là F0 và hơn 919 doanh nghiệp có đoàn viên, người lao động là F0.
Do số công nhân lao động nhiễm bệnh, nghi nhiễm bệnh trở thành F0, F1 tăng cao nên để đảm bảo tiến độ đơn hàng và ổn định sản xuất kinh doanh, nhiều doanh nghiệp hiện nay phải khắc phục bằng việc đào tạo nhanh, đào tạo gấp lao động. Có nơi phải tăng ca để đáp ứng tiến độ đơn hàng; nhiều doanh nghiệp phải chuyển đơn hàng tới nhà máy chi nhánh tại các tỉnh, thành phố khác - nơi có đủ nguồn lao động để đảm bảo sản xuất…
Nhận định về sự thiếu hụt lao động do tác động của đại dịch COVID-19, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho hay, có sự dịch chuyển lao động lớn từ thành thị về nông thôn, từ các trung tâm kinh tế lớn về các tỉnh.
Cũng theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, quan hệ cung - cầu lao động bị mất cân đối cục bộ, nhất là những tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ, nơi chịu tác động rất lớn bởi đại dịch. Các doanh nghiệp ở các địa bàn trọng điểm như Thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Đồng Nai, Bình Dương có nhu cầu tuyển lao động lớn. Trong khi đó, một số tỉnh như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh thì số lao động không có việc làm nhiều, khả năng tìm việc làm tại tỉnh gặp khó khăn khi cầu lao động không lớn.
Nguy cơ thiếu hụt lao động cục bộ ở một số vùng, một số ngành, lĩnh vực và là vấn đề lớn đặt ra cho các doanh nghiệp khi phục hồi sản xuất. Trong đó, tập trung cao nhất là ở Bình Dương, Bình Phước và Thành phố Hồ Chí Minh. Các ngành thiếu hụt lao động nghiêm trọng là điện tử, da giày, dệt may và sản xuất thiết bị điện…
Người dân TP.HCM và các tỉnh lân cận về quê tránh dịch bằng xe máy
Nhận định “nếu để đứt gãy thị trường lao động thì sẽ tốn kém rất nhiều, thời gian khôi phục lại trạng thái bình thường cũng sẽ rất dài”, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết: Phục hồi thị trường lao động thời gian tới phải đặt trong mục tiêu chung về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch hiệu quả, từng bước chuyển sang trạng thái bình thường mới. Đồng thời, bảo đảm từng bước phát triển thị trường lao động, gắn chặt việc phục hồi thị trường lao động với các yêu cầu về phục hồi sản xuất, phục hồi kinh tế chung của cả nước và từng địa phương, hạn chế thấp nhất những tiêu cực từ dịch bệnh tới thị trường lao động.
Giải pháp thích ứng linh hoạt trong phòng chống dịch COVID-19 của Chính phủ đã khiến cho hoạt động sản xuất, kinh doanh sôi động trở lại. Thế nhưng, tốc độ phục hồi sản xuất đã không được như mong muốn, số người lao động nhiễm COVID-19 tăng lên nhanh chóng dẫn tới thiếu hụt lao động cục bộ xảy ra ở hầu hết các doanh nghiệp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất.
Điều này không chỉ khiến doanh nghiệp gặp khó khăn lớn trong việc hoàn thành các đơn hàng đã ký kết mà còn khiến doanh nghiệp e ngại chưa dám ký kết các đơn hàng mới.
Một số doanh nghiệp mong muốn có được những nguồn trợ lực từ chính sách tài chính tín dụng để trước mắt, có một nguồn ngân sách nhằm chiêu mộ được lực lượng nhân sự đủ dùng, trước khi nghĩ tới việc đào tạo, xây dựng lại nguồn nhân sự đủ mạnh cho giai đoạn tiếp theo. Đây dường như là một phương cách để ứng phó với tình hình trước mắt, còn về lâu về dài cần nhiều yếu tố hơn nữa.
Doanh nghiệp cần xây dựng kế hoạch sản xuất và tuyển dụng lao động để bù đắp thiếu hụt; nỗ lực thực hiện các biện pháp “3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 điểm đến”… tạo môi trường an toàn để giữ chân lao động hiện có và duy trì sản xuất bảo đảm an toàn phòng dịch. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần linh hoạt phương thức làm việc tại nhà/trực tuyến, thay đổi mô hình kinh doanh để tạo được sự kết nối chặt chẽ với người lao động.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần tận dụng cơ hội này để đón xu hướng tự động hóa và số hóa, tăng cường ứng dụng công nghệ, tìm hướng đi mới phù hợp và hiệu quả hơn cho doanh nghiệp trong tương lai. Điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp có thể nghĩ tới xây dựng cơ chế phù hợp giữa điều kiện làm việc - mức lương và phúc lợi cao hơn cho những công việc đòi hỏi kỹ năng và trình độ cao hơn ở người lao động.
Về phía người lao động, bên cạnh việc chia sẻ những khó khăn của doanh nghiệp và đồng lòng với chính quyền trong thực hiện nghiêm các yêu cầu phòng dịch, họ cần chủ động nâng cao trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, tay nghề, tác phong công nghiệp để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng và thích ứng với các công việc, ngành nghề có tính chuyên môn hóa cao.
Về phía chính quyền và các cơ quan hữu quan, để lao động quay trở lại các khu công nghiệp, khu chế xuất đang thiếu hụt, cần triển khai cụ thể các chính sách dành cho lao động nhập cư kết hợp chính sách xã hội và an sinh, đặc biệt là về y tế. Một số mô hình điển hình đang đạt hiệu quả tốt nên được triển khai nhân rộng như “combo việc làm 3 trong 1” giúp lao động hồi hương muốn quay lại thành phố sẽ nhận được hỗ trợ “nhà trọ 0 đồng - test nhanh miễn phí - có việc làm ngay” của Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên Thành phố Hồ Chí Minh; đề án hỗ trợ nhà ở giá rẻ, ưu đãi tín dụng…
Điểm mấu chốt vẫn là bảo đảm thông tin thị trường lao động được thông suốt để người tìm việc gặp được việc tìm người sớm nhất và thuận tiện nhất. Hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm - một kênh kết nối cung - cầu lao động hiệu quả đang ngày càng khẳng định vai trò quan trọng của mình lúc này.
Để gỡ khó cho doanh nghiệp, quy định về thời gian làm thêm giờ cũng là một trong những nội dung được Chính phủ xem xét điều chỉnh theo hướng mở rộng trần, đối tượng làm thêm giờ tối đa theo năm và theo tháng.
Điều 107 Bộ Luật Lao động quy định người sử dụng lao động được phép thỏa thuận với người lao động làm thêm không quá 40 giờ/tháng, 200 giờ/năm và chỉ có một số ngành, nghề, công việc (như dệt may, da, giày, chế biến thủy hải sản…) được làm thêm từ 200 giờ đến 300 giờ/năm. Tuy nhiên, trong thời gian ảnh hưởng của đại dịch, rất nhiều doanh nghiệp có nhu cầu làm thêm quá 40 giờ/tháng để bù cho lực lượng lao động thiếu hụt cục bộ.
Ông Bạch Thăng Long, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 cho rằng ngành dệt may có đặc thù sản xuất theo mùa vụ, có những tháng cao điểm sản xuất nhưng cũng có những tháng lao động không phải làm thêm giờ. Các doanh nghiệp rất cần được nâng trần làm thêm giờ theo tháng để có thể kịp sản xuất đơn hàng.
“Nếu để lỡ tiến độ giao hàng, không kịp sản xuất để gửi tàu thì doanh nghiệp sẽ phải chuyển sang vận chuyển đường hàng không hoặc chấp nhận phạt hợp đồng… dẫn đến thiệt hại rất nặng nề. Do đó, khi phải tăng tốc để sản xuất kịp các đơn hàng thì doanh nghiệp không còn cách nào khác ngoài việc phải thỏa thuận với người lao động về việc làm tăng ca,” ông Bạch Thăng Long chia sẻ.
Không chỉ có nhu cầu tăng trần làm thêm giờ theo tháng, nhiều doanh nghiệp còn mong muốn được linh hoạt trong việc thỏa thuận làm thêm giờ để phục hồi sản xuất, làm bù cho khoảng thời gian phải ngừng việc, quy định làm thêm giờ từ trên 200 giờ đến 300 giờ/năm mà không bị giới hạn ở một số ngành nghề, công việc như quy định hiện hành.
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhận định thực tế trên cho thấy các quy định về giới hạn làm thêm trong tháng, trong năm tại Điều 107 của Bộ luật Lao động cần có sự điều chỉnh ngắn hạn để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, người lao động có việc làm và thêm thu nhập, ổn định lại cuộc sống.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã xây dựng dự thảo Nghị quyết về thời giờ làm thêm trong 1 tháng và trong 1 năm của người lao động; trong đó có phương án tăng số giờ làm thêm hàng tháng tối đa từ 40 giờ/tháng lên 72 giờ/tháng và mở rộng áp dụng được phép làm thêm tối đa 300 giờ/năm cho tất cả các ngành nghề và thời gian áp dụng sẽ kéo dài đến hết năm 2022. Nội dung của dự thảo nghị quyết khác so với quy định hiện hành của Bộ luật Lao động năm 2019. Nhưng trong bối cảnh đặc biệt, Chính phủ đã đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc xem xét, quyết định thông qua.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng việc xây dựng dự thảo nghị quyết thể hiện được sự quan tâm, chia sẻ của Đảng, Nhà nước đối với người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Cùng với đó, quy định mới sẽ kịp thời phát hiện, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp đang bị tác động tiêu cực của đại dịch, góp phần ổn định sản xuất, kinh doanh, hồi phục và tạo đà phát triển trong thời gian tới./.