Giải báo chí quốc gia lần thứ XV: Lần đầu tiên có giải đặc biệt
Trong số 150 tác phẩm được vào chung khảo Giải Báo chí quốc gia lần thứ XV, Hội đồng đã chọn được 1 giải đặc biệt, 9 giải A, 25 giải B, 45 giải C, 32 giải khuyến khích.
Giải Báo chí quốc gia hằng năm là sự kiện lớn, thu hút sự quan tâm đặc biệt của báo giới cả nước, là giải thưởng cao quý nhất dành tặng cho các tác phẩm báo chí xuất sắc, tôn vinh các tác giả, nhóm tác giả có tác phẩm xuất sắc nhất dành tặng cho các tác phẩm báo chí xuất sắc, tôn vinh các tác giả, nhóm tác giả có tác phẩm xuất sắc nhất hằng năm.
Qua 15 năm tổ chức, đến nay, Giải ngày càng nhận được sự tham gia chủ động, tích cực, hào hứng của các cấp Hội, các cơ quan báo chí và hội viên nhà báo, cộng tác viên trong cả nước.
Năm nay, Hội đồng chung khảo giải năm nay đã chấm được 150 tác phẩm thuộc 11 loại giải báo chí, được lựa chọn từ 1.823 tác phẩm đủ điều kiện dự giải theo quy định.
Phát biểu tại họp báo, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi cho biết, Giải Báo chí quốc gia lần thứ XV năm 2020 có 114 đơn vị cấp hội và 190 tác giả không phải là hội viên (cộng tác viên) tham dự 11 loại giải, trong đó có 51 đơn vị liên chi hội và chi hội trực thuộc.
Đặc biệt, năm nay, toàn bộ 63 hội nhà báo tỉnh, thành phố tham dự. Điều này cho thấy các cấp Hội và hội viên trong cả nước ngày càng quan tâm đến Giải Báo chí quốc gia.
Theo nhà báo Hồ Quang Lợi, các tác phẩm tham dự giải đã phản ảnh kịp thời, đậm nét các sự kiện chính trị lớn của đất nước trong năm 2020 như: Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh"; Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng, 75 năm Ngày thành lập nước và nhiều sự kiện, chủ đề lớn khác.
Nhiều tác phẩm được đầu tư công phu, tiếp tục đi sâu phản ánh các lĩnh vực xây dựng Đảng, xây dựng và củng cố hệ thống chính trị, xây dựng nông thôn mới và cơ cấu lại ngành nông nghiệp, công cuộc giảm nghèo bền vững, an ninh năng lượng, kinh tế xanh. Các tác phẩm dự giải có đề tài phong phú, phản ánh trung thực, kịp thời, toàn diện các sự kiện thời sự của đất nước, như: Đại dịch Covid-19; lũ lụt, thiên tai ở các tỉnh miền Trung...
Nói về những điểm mới của Giải Báo chí quốc gia lần thứ XV, nhà báo Hồ Quang Lợi cho rằng, đây là lần đầu tiên sau 15 năm tổ chức, Hội đồng Giải Báo chí quốc gia quyết định trao giải Đặc biệt, đó là tác phẩm "Việt Nam - Thời đại Hồ Chí Minh, Biên niên sử truyền hình" của Báo Nhân Dân.
"Đây là tác phẩm đặc biệt, công phu cả về nội dung và hình thức thể hiện, trong đó có nhiều tư liệu mới lần đầu tiên công bố", nhà báo Hồ Quang Lợi nhận xét.
Bên cạnh đó, Hội đồng chung khảo đánh giá, các tác phẩm dự giải năm nay có chất lượng đồng đều, giảm dần sự cách biệt lớn giữa các tác phẩm của cơ quan báo chí trung ương và địa phương.
Nhiều bài báo có tính phát hiện tốt, thể hiện sự dấn thân của nhà báo, đặc biệt là những bài viết chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, những sai phạm trong quản lý đất đai, nạn xã hội đen... Nhiều tác phẩm có hình thức thể hiện hiện đại với các thể loại mới, như: Megastory, E-magazine, Longform, Infographic...
Năm nay, Hội đồng Giải tiếp tục có cơ chế riêng đối với ảnh báo chí. Tuy nhiên, số lượng tác giả và số lượng tác phẩm ảnh báo chí năm nay vẫn chỉ đạt hơn 100 tác phẩm.
Bên cạnh những ưu điểm, Giải Báo chí quốc gia năm nay vẫn còn những hạn chế, cần được khắc phục, các tác phẩm báo in chưa có nhiều sáng tạo, đột phá. Nhóm bình luận, các tạp chí, nhất là tạp chí khối Đảng tham gia tương đối ít, không có xã luận. Thể loại ký báo chí còn ít, thiếu vắng phóng sự viết về văn hoá. Ảnh báo chí chưa nhiều, chưa phản ánh đúng đời sống ảnh báo chí,...
Do điều kiện vì dịch bệnh Covid-19, năm nay, Lễ tổng kết và trao Giải Báo chí quốc gia lần thứ XV – năm 2020 không trao vào ngày 21/6 như hàng năm và sẽ được tổ chức trọng thể vào dịp Đại hội lần thứ XI Hội Nhà báo Việt Nam tại Hà Nội, được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam, VOV1 Đài Tiếng nói Việt Nam.
P. ThủyBộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư số 33/2024/TT-BGTVT quy định về quản lý giá dịch vụ sử dụng phà được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, do trung ương quản lý.