Giải mã tương lai khí hậu Việt Nam bằng dữ liệu siêu chi tiết
"Mô hình CPM cho thấy những cải thiện rõ rệt trong mô phỏng địa hình núi, đường bờ biển và các hiện tượng khí hậu cực đoan như nắng nóng, mưa lớn tại Việt Nam," bà Emma Kathryn nhấn mạnh. "Chúng tôi ghi nhận sự gia tăng nhiệt độ trên toàn quốc, đặc biệt ở miền Bắc; đồng thời, mưa sẽ có xu hướng biến động mạnh hơn giữa các vùng, có nơi tăng nhưng có nơi lại giảm."
Sáng 04/07/2025 tại TP.HCM, tọa đàm tham vấn kịch bản biến đổi khí hậu (BĐKH) cho Việt Nam, do Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (KTTVBĐKH) tổ chức, đã diễn ra tại Khách sạn Sài Gòn Prince với sự tham dự của các chuyên gia đầu ngành trong nước và quốc tế. Sự kiện được tổ chức với sự hỗ trợ tài chính và chuyên môn từ Chương trình Dịch vụ Thông tin Thời tiết và Khí hậu (WISER), Cơ quan Khí tượng Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ailen (Met Office). Đây là một trong những sự kiện quan trọng trong lộ trình cập nhật kịch bản BĐKH quốc gia theo chỉ đạo tại Quyết định 2291/QĐ-BTNMT ngày 14/8/2023 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Từ trái sang TS. Aurel Moise – Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Khí hậu Singapore, PGS.TS Phạm Thị Thanh Ngà - Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thuỷ văn Biến đổi Khí hậu và Bà Emma Kathryn - Cơ Quan khí tượng Vương Quốc Liên Hiệp Anh và Bắc Ailen (Met Office)
Phát biểu khai mạc, PGS.TS. Phạm Thị Thanh Ngà – Viện trưởng Viện Khoa học KTTVBĐKH – nhấn mạnh vai trò trung tâm của Việt Nam trong việc chủ động thích ứng với BĐKH, thông qua việc cập nhật kịch bản định kỳ 5 năm một lần. Bà cũng bày tỏ sự trân trọng đối với sự hợp tác từ Cơ quan Khí tượng Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ailen (Met Office), các tổ chức khí tượng khu vực và các bên liên quan trong nước.
Trong chuỗi nội dung trọng tâm, phần trình bày của bà Emma Kathryn – chuyên gia đến từ Met Office – đã thu hút sự chú ý đặc biệt khi giới thiệu phương pháp xây dựng kịch bản cực trị khí hậu và khí hậu đô thị cho Việt Nam bằng mô hình khí hậu phân giải cao CPM (Convection Permitting Models). Đây được xem là một bước tiến đột phá về mặt công nghệ khi mô hình CPM có khả năng mô phỏng thời tiết ở độ phân giải dưới 5km – đủ chi tiết để phản ánh đặc trưng khí hậu của từng vùng miền.

PGS.TS Phạm Thị Thanh Ngà - Viện trưởng Viện Khí tượng Thuỷ văn Biến đổi Khí hậu
"Mô hình CPM cho thấy những cải thiện rõ rệt trong mô phỏng địa hình núi, đường bờ biển và các hiện tượng khí hậu cực đoan như nắng nóng, mưa lớn tại Việt Nam," bà Emma Kathryn nhấn mạnh. "Chúng tôi ghi nhận sự gia tăng nhiệt độ trên toàn quốc, đặc biệt ở miền Bắc; đồng thời, mưa sẽ có xu hướng biến động mạnh hơn giữa các vùng, có nơi tăng nhưng có nơi lại giảm."
Tọa đàm là không gian kết nối đa chiều, quy tụ các đại diện đến từ các sở ban ngành, viện nghiên cứu, trường đại học, cùng nhiều chuyên gia quốc tế và khu vực như TS. Aurel Moise – Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Khí hậu Singapore, và đại biểu từ Cambodia, Laos, … Sự kiện đóng vai trò quan trọng trong việc tham vấn nhu cầu sử dụng thông tin khí hậu thực tế từ các địa phương và lĩnh vực, nhằm hoàn thiện kịch bản BĐKH năm 2025 theo hướng thiết thực, khả thi và bám sát mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia.
PGS.TS. Phạm Thị Thanh Ngà khẳng định: "Chúng tôi tin tưởng rằng các chia sẻ, phản hồi và kinh nghiệm tại tọa đàm hôm nay sẽ là nền tảng vững chắc để xây dựng một kịch bản biến đổi khí hậu thực tiễn hơn, hỗ trợ hiệu quả cho việc hoạch định chính sách, quy hoạch phát triển và quản lý rủi ro thiên tai trong tương lai."
Hải Yến
Hà Nội đang triển khai những bước đi mạnh mẽ, quyết liệt nhằm thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân trở thành lực lượng trung tâm, đóng vai trò đột phá trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.