Giải ngân đầu tư công tháng 11 đạt mức kỷ lục giai đoạn 2011-2020
Giải ngân vốn đầu tư công được đẩy mạnh. Tốc độ giải ngân vốn đầu tư công tháng 11/2020 đạt mức cao nhất kể từ năm 2011.
Giải ngân vốn đầu tư công tăng cao là một trong những động lực giúp nên kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng dương trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp hiện nay.
Thông tin từ Tổng cục Thống kê cho biết, so với cùng kỳ năm trước, tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước tháng 11 và 11 tháng năm nay tiếp tục đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2011-2020.
Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước tháng 11 ước tính đạt 10,6% so với kế hoạch năm 2020.
Tốc độ tăng/giảm vốn thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước tháng 11 so với cùng kỳ năm trước các năm 2011-2020 lần lượt là: tăng 9,5%; giảm 4,9%; tăng 4,5%; giảm 2%; tăng 16,7%; tăng 22,5%; tăng 10,2%; tăng 14,6%; tăng 9,1%; tăng 37,1%.
Tốc độ tăng/giảm vốn thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước 11 tháng so với cùng kỳ năm trước các năm 2011-2020 lần lượt là: tăng 10,3%; tăng 7,1%; giảm 0,2%; tăng 0,8%; tăng 9,6%; tăng 15%; tăng 7,5%; tăng 12,4%; tăng 7%; tăng 34%.
Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước tháng 11/2020 ước tính đạt 54,5 nghìn tỷ đồng, tăng 37,1% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: vốn Trung ương quản lý 11 nghìn tỷ đồng, tăng 51,3%; vốn địa phương quản lý 43,5 nghìn tỷ đồng, tăng 34%.
Tính chung 11 tháng năm 2020, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 406,8 nghìn tỷ đồng, bằng 79,3% kế hoạch năm và tăng 34% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 bằng 79,2% và tăng 7%).
Có được kết quả trên là do các bộ ngành và địa phương đã và đang tập trung thực hiện các giải pháp, tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình với mục tiêu thực hiện tối đa kế hoạch vốn được giao trong năm 2020.
Từ đầu năm đến nay, Chính phủ đã tổ chức nhiều hội nghị, nhiều cuộc họp giao ban để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Thủ tướng Chính phủ liên tục hối thúc không được để tình trạng có tiền mà không tiêu được, phải coi giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị quan trọng nhất, sẽ có chế tài nghiêm, thật mạnh để xử lý những nơi chậm giải ngân…
Không chỉ họp trực tuyến, Chính phủ cũng đã thành lập các đoàn công tác để xuống từng địa phương tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, cho giải ngân vốn đầu tư công… Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ vừa có Quyết định 1053/QĐ-TTg thành lập các đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công (kể cả vốn ODA) năm 2020 tại một số bộ, cơ quan, địa phương. Các đoàn công tác này do Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng và một số bộ trưởng làm Trưởng đoàn.
Theo đó, từ ngày 18/7/2020 đến ngày 31/8/2020, có 7 đoàn công tác xuống địa phương tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; kiểm tra, đôn đốc, xử lý vướng mắc và các vấn đề phát sinh để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công (kể cả vốn ODA) năm 2020.
Không chỉ nỗ lực, quyết liệt từ Trung ương, mà ở các địa phương cũng thế, lãnh đạo các tỉnh cũng thanh, kiểm tra, đốc thúc từng dự án, từng công trình… Nhờ những nỗ lực đó mà số vốn đầu tư công giải ngân được trong tháng 11 và 11 tháng đã đạt mức cao nhất trong cả giai đoạn 2016-2020.
Công ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.