Giải ngân vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia đạt 7.555,3 tỷ đồng
Theo báo cáo từ Bộ Tài chính, ước giải ngân vốn đầu tư công từ ngân sách trung ương thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) đến hết tháng 5/2024 đạt 7.555,3 tỷ đồng, đạt 27,76% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao.
Năm 2024, kế hoạch vốn cho các Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) là 27.220 tỷ đồng. Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, lũy kế giải ngân vốn đầu tư công từ ngân sách trung ương thực hiện các CTMTQG đến hết tháng 4/2024 là 5.314 tỷ đồng, đạt 20% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao (27.220 tỷ đồng).
Ước lũy kế giải ngân đến hết tháng 5/2024 khoảng 7.555 tỷ đồng (đạt 27,76% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao). Trong đó, CTMTQG xây dựng nông thôn mới khoảng 2.411 tỷ đồng (đạt 31%), CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là 3.755 tỷ đồng (đạt 28%), CTMTQG giảm nghèo bền vững là 1.389 tỷ đồng (đạt 26%).
Một số tỉnh, thành phố đã tích cực cải thiện đáng kể tỷ lệ giải ngân. Trong đó, 9 tỉnh lũy kế giải ngân vốn đầu tư công từ ngân sách trung ương thực hiện các CTMTQG đến hết tháng 4/2024 đạt tỷ lệ từ 30% trở lên là: Hậu Giang (72%), Ninh Thuận (50%), Vĩnh Long (44%), Bạc Liêu (37%), Sơn La (34%), Yên Bái (34%), An Giang (33%), Bến Tre (32%), Lâm Đồng (30%).
Tuy nhiên, còn một số tỉnh, thành phố chưa chỉ đạo quyết liệt thực hiện giải ngân khi có 10 tỉnh đạt tỷ lệ giải ngân rất thấp (dưới 10%), trong đó Cà Mau, Bình Phước đều có tỷ lệ giải ngân là 0%. Đáng nói, đây cũng là 2 tỉnh chưa thực hiện phân bổ kế hoạch vốn, Cà Mau chưa phân bổ vốn CTMTQG xây dựng nông thôn mới, Bình Phước chưa phân bổ vốn CTMTQG giảm nghèo bền vững.
Với kết quả trên, Bộ Tài chính đánh giá, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thực hiện các CTMTQG đã được cải thiện đáng kể, nhưng nguồn vốn sự nghiệp giải ngân vẫn rất thấp. Theo Bộ Tài chính, vẫn còn nhiều vướng mắc khiến tiến độ giải ngân chưa đạt như kỳ vọng đặt ra. Đó là công tác hoàn thiện thể chế quản lý, tổ chức thực hiện các CTMTQG từ trung ương đến địa phương còn chậm, chưa kịp thời, đồng bộ, ảnh hưởng lớn đến việc triển khai các khâu từ phân bổ, giao kế hoạch thực hiện và giải ngân vốn thực hiện tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.
Cụ thể, đến nay còn một số cơ chế trung ương chưa ban hành, địa phương còn vướng mắc trong thực hiện như: Quy định về đối tượng người có lao động thấp thực hiện hỗ trợ đào tạo nghề tại CTMTQG giảm nghèo bền vững đang được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì xây dựng trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Đối tượng hỗ trợ thực hiện CTMTQG phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đang được Chính phủ trình Quốc hội điều chỉnh chủ trương đầu tư...
Trong phạm vi quyền hạn của mình, Bộ Tài chính đã và đang tiếp tục đôn đốc các địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân thực hiện các CTMTQG và có các văn bản kịp thời trả lời, hướng dẫn các vướng mắc của các địa phương theo thẩm quyền; phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, cơ quan trung ương hoàn thiện hồ sơ dự thảo tờ trình của Chính phủ trình Quốc hội về cơ chế đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện CTMTQG giai đoạn 2021-2025.
Huyền My (t/h)Các nhà đầu tư Hoa Kỳ đã đóng góp đáng kể vào quá trình chuyển biến và tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Hoa Kỳ hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 11 tại Việt Nam, với hơn 1.400 dự án có tổng vốn đầu tư gần 12 tỷ USD.