Giải ngân vốn đầu tư công 7 tháng đạt gần 43% kế hoạch

Đầu tư và Tiếp thị
09:13 AM 03/08/2021

Nếu không tính những khoản vốn chưa được phân bổ, giao kế hoạch và giải ngân theo quy định của Luật Đầu tư công và Nghị quyết số 129/2020/QH14 của Quốc hội về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2021, tỷ lệ giải ngân đạt 42,48%, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có văn bản gửi Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội báo cáo tình hình giải ngân vốn đầu tư công 7 tháng đầu năm 2021 và các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.

Theo báo cáo, tình hình phân bổ, giao kế hoạch, tổng số vốn ngân sách nhà nước (NSNN) các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã phân bổ, giao kế hoạch chi tiết cho các dự án đủ điều kiện giải ngân đến hết tháng 7/2021 là 398.616,466 tỷ đồng, đạt 86,4% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó vốn trong nước đạt 86,05% kế hoạch, vốn nước ngoài đạt 89,27% kế hoạch.

Số vốn các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa phân bổ chi tiết cho các dự án còn lại đến nay khá lớn: 62.683,534 tỷ đồng, bằng 13,6% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Giải ngân vốn đầu tư công 7 tháng đạt gần 43% kế hoạch - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, dự kiến giải ngân đến ngày 31/7/2021 là 169.335,05 tỷ đồng, đạt 36,71% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, giảm so với cùng kỳ năm 2020 (40,67%), trong đó vốn trong nước đạt 40,38%, vốn nước ngoài đạt 7,52%. Nếu không tính những khoản vốn chưa được phân bổ, giao kế hoạch và giải ngân theo quy định của Luật Đầu tư công và Nghị quyết số 129/2020/QH14 của Quốc hội như đã nêu trên thì tỷ lệ giải ngân đạt 42,48%, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước. 

Có 10 bộ và 32 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên mức trung bình của cả nước (36,71%); 7 bộ, cơ quan trung ương chưa giải ngân kế hoạch vốn và 2 bộ, cơ quan trung ương đã giải ngân nhưng tỷ lệ giải ngân dưới 1%.

Con số trên cũng gần trùng khớp với số liệu của Tổng cục Thống kê trong báo cáo kinh tế xã hội tháng 7 năm 2021. Theo đó, tính chung 7 tháng năm 2021, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước đạt 210.800 tỷ đồng, bằng 44,3% kế hoạch năm 2021 và tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2020.

Nguyên nhân giải ngân chậm được đánh giá là do công tác phân bổ, giao chi tiết kế hoạch đầu tư công vốn NSNN tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương năm 2021 chậm, đặc biệt là chương trình mục tiêu quốc gia; việc áp dụng chế tài xử lý đối với các cơ quan, đơn vị để chậm, muộn trong phân bổ ngân sách chưa quyết liệt; vướng mắc về đầu tư chậm được xử lý như giải phòng mặt bằng, tái định cư tại một số dự án; một số dự án ODA vẫn đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục gia hạn, hồ sơ thiết kế, thẩm định… Đặc biệt, dịch COVID-19 bùng phát mạnh tại hầu hết các địa phương đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát rất phức tạp, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội, một số địa bàn, cơ sở, xã, phường, khu công nghiệp… phải áp dụng biện pháp phong tỏa, cách ly, ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2021. Do vậy, việc thực hiện có hiệu quả kế hoạch đầu tư công năm 2021, nhất là giải ngân vốn đầu tư công có vai trò, ý nghĩa rất quan trọng, góp phần tạo năng lực sản xuất mới, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2021.

Huyền My (T/h)
Ý kiến của bạn
Sớm xây dựng thị trường tín chỉ carbon Sớm xây dựng thị trường tín chỉ carbon

Việc xây dựng và phát triển thị trường tín chỉ carbon là cần thiết, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển dịch xanh, hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050 của Việt Nam.