Giải ngân vốn đầu tư công đạt 8,7% kế hoạch

Tài chính - Đầu tư
08:34 AM 12/03/2024

Theo Bộ Tài chính, trong hai tháng đầu năm, thanh toán vốn đầu tư công của cả nước ước đạt trên 59.998 tỷ đồng, đạt 8,7% tổng kế hoạch vốn và đạt 9,13% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Bộ Tài chính thông tin, 2 tháng đầu năm, có 4 bộ, cơ quan Trung ương và 38 địa phương có tỷ lệ giải ngân tốt, đạt trên mức trung bình của cả nước: Đài Truyền hình Việt Nam (34,92%); Bộ Xây dựng (32%); Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (27,83%); tỉnh Hậu Giang (trên 30%); tỉnh Tiền Giang (trên 27%); các tỉnh Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Hòa Bình đều đạt trên 21%... 

Dự án đường bộ cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1) đang được triển khai. Ảnh: Tài chính Ngân hàng

Dự án đường bộ cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1) đang được triển khai. Ảnh: Thời báo Ngân hàng

Đây là những tín hiệu tích cực, cho thấy mục tiêu giải ngân tối thiểu 95% năm nay có thể hoàn thành.

Tuy nhiên, vẫn còn 32 bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân là 0%; có 6 địa phương giải ngân thấp dưới 5%.

Bên cạnh đó, tình hình thực hiện các dự án trọng điểm cũng còn nhiều khó khăn. Tính đến hết ngày 31/1/2024, tổng số vốn giải ngân của 9 dự án quan trọng quốc gia ngành giao thông vận tải là 4.463,21 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 6,63% kế hoạch năm 2024 được giao (67.365,78 tỷ đồng)…

Về vấn đề phân bổ vốn, còn khoảng 25.291 tỷ đồng chưa được phân bổ chi tiết; bằng 3,85% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; trong đó, nguồn vốn ngân sách Trung ương chưa phân bổ chủ yếu dự kiến bố trí cho các dự án đang hoàn thiện thủ tục đầu tư. Lượng vốn này tương đối lớn, đã ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân những tháng đầu năm.

Đáng chú đến hết tháng 2, vẫn còn 20/44 bộ, cơ quan trung ương và 38/63 địa phương chưa phân bổ hoặc phân bổ chưa hết kế hoạch vốn được giao. Theo đó, tổng số vốn chưa phân bổ chi tiết là 25.291,1 tỷ đồng, chiếm 3,85% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, vốn ngân sách trung ương là 10.751,7 tỷ đồng, vốn cân đối ngân sách địa phương là 14.539,4 tỷ đồng. 

Dù con số 3,85% chưa phân bổ này không phải quá lớn, nhưng rõ ràng để hoàn thành được mục tiêu giải ngân thì trước hết khâu phân bổ vốn phải quyết liệt hoàn thành, tạo tiền đề cho công tác giải ngân vốn.

Theo Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng (Tổng cục Thống kê), năm 2024, kinh tế trong nước vẫn còn nhiều khó khăn do tác động tiêu cực của nhiều yếu tố trong và ngoài nước, từ đó ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, giảm động lực đầu tư mới.

Trong bối cảnh đó, ngay từ đầu năm Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh thực hiện giải ngân nguồn vốn đầu tư công. Hiện nay, hoạt động đầu tư công đã vào guồng. Đây là yếu tố quan trọng nhằm tạo việc làm cho người lao động, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh của nhiều ngành kinh tế, từ đó tạo động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2024 và những năm tiếp theo.

Để công tác giải ngân nguồn vốn đầu tư công năm 2024 thuận lợi, đạt tỷ lệ theo đúng mục tiêu Thủ tướng Chính phủ đặt ra là đạt 95%, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có chỉ đạo tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đề cao trách nhiệm, nêu gương người đứng đầu; có chế tài xử lý nghiêm khắc đối với chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.

Bộ Tài chính đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tiếp tục triển khai ngay các Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương; đôn đốc tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Đối với các dự án trọng điểm quốc gia, hai vấn đề khó khăn nhất hiện nay là giải phóng mặt bằng tiến độ tại một số dự án chậm hơn so với yêu cầu) và vật liệu xây dựng phục vụ cho thi công. Để giải quyết, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Giao thông vận tải và địa phương triển khai nghiêm túc, quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công đã được Chính phủ quy định tại Nghị quyết về các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2024; ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Phiên họp lần thứ 9 Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia ngành giao thông vận tải (tổ chức ngày 16/2/2024).


An Mai (t/h)
Ý kiến của bạn
Tổng nhu cầu vốn ngành năng lượng khoảng hơn 4.000 nghìn tỷ đồng Tổng nhu cầu vốn ngành năng lượng khoảng hơn 4.000 nghìn tỷ đồng

Theo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tổng nhu cầu vốn đầu tư của ngành năng lượng toàn giai đoạn 2021 - 2030 cần khoảng 4.133 - 4.808 nghìn tỷ đồng.