Giải ngân vốn đầu tư công - giải pháp quyết liệt mới về đích
Thống kê cho thấy, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm 2020 mới chỉ đạt 33,9% kế hoạch. Để thúc đẩy phát triển kinh tế thời kỳ hậu Covid-19, nhiều giải pháp quyết liệt đang được Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương triển khai trong những tháng cuối năm để giải ngân vốn đầu tư công về đích.
Vướng mặt bằng, bất cập về thủ tục
Trong 6 tháng đầu năm, TP Cần Thơ mới giải ngân đạt 18,57% kế hoạch vốn. Đây là mức thấp nhất so với cùng kỳ nhiều năm trước. Các dự án lớn như: Trung tâm Văn hóa - Thể thao quận Ninh Kiều (tổng vốn 180 tỷ đồng), Dự án đầu tư xây dựng nâng chất lượng nước thải sau xử lý của Nhà máy Xử lý nước thải TP Cần Thơ (9 tỷ đồng) hiện tỷ lệ giải ngân vẫn bằng 0%.
Giám đốc Sở KH&ĐT TP Cần Thơ Nguyễn Thực Hiện cho biết, nguyên nhân chính là do sự chậm trễ trong công tác chuẩn bị hồ sơ của các chủ đầu tư, UBND quận, huyện để trình Hội đồng Thẩm định giá đất. Đặc biệt, có trường hợp chưa sát thực tế, có khiếu nại, phải điều chỉnh, nên mất nhiều thời gian.
Đường cao tốc Bắc - Nam. Ảnh: Tuấn Anh
Bên cạnh đó, công tác bồi thường hỗ trợ, tái định cư gặp nhiều khó khăn, nhất là thiếu nền tái định cư. Một số địa phương, địa bàn có tình trạng tăng đột biến giá đất giao dịch, ảnh hưởng đến tiến độ giải phóng, bàn giao mặt bằng, thi công công trình.
Còn tại Kiên Giang, tính đến cuối tháng 5/2020, giá trị giải ngân đầu tư xây dựng cơ bản của tỉnh chỉ đạt 1.024 tỷ đồng, bằng 16,7% kế hoạch năm 2020, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2019.
Theo Sở KH&ĐT Kiên Giang, nguyên nhân là do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, thiếu công nhân lao động, các dự án, công trình tạm ngừng khởi công, thi công xây dựng. Tiếp đến, do ảnh hưởng của hạn mặn diễn biến phức tạp kéo dài, nhiều tuyến sông, kênh trên địa bàn phải đắp đập ngăn mặn, giữ ngọt gây cản trở, khó khăn cho phương tiện vận chuyển nguyên vật liệu xây dựng nên nhiều dự án, công trình chậm tiến độ.
Còn theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, trở ngại lớn nhất với các dự án đầu tư công là việc giải phóng mặt bằng (GPMB) ở nhiều địa phương, bộ ngành đang có dự án đều rất chậm trễ. "Nếu mặt bằng không được giải phóng, chúng tôi không làm được gì cả. Tôi đề nghị nếu địa phương không hoàn thành việc giao mặt bằng, Thủ tướng sẽ xử lý trách nhiệm người đứng đầu các địa phương" - ông Thể đề xuất.
Đơn cử như Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư Cảng hàng không Quốc tế Long Thành, dù là dự án trọng điểm quốc gia nhưng vẫn trong tình trạng giải ngân chậm. Trong 6 tháng đầu năm 2020, dự án giải ngân là 689,923 tỷ đồng, lũy kế giải ngân đến nay là 1.827,391 tỷ đồng, đạt 10,1% kế hoạch được giao.
Ngoài ra, còn hàng loạt các dự án trên đường cao tốc Bắc - Nam, hiện GPMB mới được khoảng 60 - 70%. Một số địa phương còn chưa có chuyển biến gì. Mặc dù theo quy định, đến thời điểm này phải thi công gần xong, để đến năm 2021 phải xong, nhưng đã qua nửa năm 2020 vẫn chưa làm xong khâu GPMB. Điều này làm dự án chậm tiến độ, kéo dài.
Trong chuỗi quy trình đầu tư công, GPMB và khâu tư vấn lập, thẩm định, quyết định đầu tư dự án, khâu lập kế hoạch đầu tư cho dự án là hai bước thường bị mất nhiều thời gian nhất. Tại TP Hồ Chí Minh, có đến 3/4 tổng số dự án giao thông gặp khó khăn trong GPMB, khiến dự án ngưng trệ, lãng phí. Đơn cử như dự án mở rộng xa lộ Hà Nội, khởi công năm 2010 và dự kiến hoàn thành sau 3 năm nhưng đến nay vẫn chưa xong do nhiều đoạn mặt bằng không có.
Tương tự, với 4 tuyến đường vành đai được quy hoạch tại TP Hồ Chí Minh đặc biệt khó khăn do GPMB. Trong đó, tuyến Vành đai 2 mới chỉ khép kín 50,2km/64,1km, Vành đai 3 mới chỉ đầu tư được 16,3km/89,3km (đạt tỷ lệ 18%) và Vành đai 4 vẫn chưa được xây dựng.
Theo Trưởng ban Quản lý Đầu tư Xây dựng Công trình Giao thông đô thị TP Hồ Chí Minh Lương Minh Phúc, trong 75 dự án đang quản lý thì có 28 dự án đang đợi mặt bằng, 29 dự án đang thi công nhưng vẫn còn vướng mặt bằng, chiếm đến 75% tổng số dự án.
Thời gian thu hồi đất bàn giao mặt bằng để thi công kéo dài (từ 14 -18 tháng, thậm chí có dự án kéo dài 2 - 3 năm). Đây là tồn tại đã rất lâu và Ban Quản lý đã chọn các dự án cấp bách để báo cáo UBND TP Hồ Chí Minh tìm cách tháo gỡ.
Khơi thông điểm nghẽn, trách nhiệm người đứng đầu
Theo Bộ Tài chính, tính đến hết tháng 6, còn tới 34 bộ ngành và 7 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp dưới 20%. Trong đó, có 10 bộ ngành có tỷ lệ giải ngân chỉ đạt dưới 5%. Bộ Tài chính thừa nhận, một số nguyên nhân ảnh hưởng tới tiến độ giải ngân vốn đầu tư công có liên quan cơ chế chính sách.
Bên cạnh đó, công tác GPMB, tái định cư vẫn còn vướng mắc về cơ chế, chính sách, người dân chưa đồng thuận, khiếu kiện về chính sách đền bù, yêu cầu xác định giá bồi thường sát giá thị trường. Ngoài ra, còn một số lý do như dự án đang chờ quyết toán hoàn thành, chờ tập trung hoàn thiện các hạng mục công trình, chưa hoàn thành thủ tục pháp lý… cũng làm ảnh hưởng tới tiến độ giải ngân vốn các dự án đầu tư công.
Theo chỉ đạo của Chính phủ, các bộ ngành, địa phương đang tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để tháo gỡ kịp thời thủ tục, cơ chế chính sách nhằm khơi thông điểm nghẽn để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Trong chuyến công tác kiểm tra hiện trạng GPMB triển khai dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành ngày 21/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Số vốn 23.000 tỷ đồng cho GPMB của dự án là rất lớn, cần có biện pháp quyết liệt cho công tác này.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng khẳng định trong 6 tháng cuối năm nay, tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường cán bộ biệt phái cho Long Thành để làm cho xong phương án bồi thường, hỗ trợ trên khu vực còn lại 3.190ha nên nguồn vốn đã bố trí sẽ đồng loạt giải ngân từ nay đến cuối năm. Ông Dũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ KH&ĐT phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh bảo đảm bố trí nguồn vốn kịp thời trong việc chi trả cho các hộ dân nếu nguồn vốn đã được bố trí bị thiếu.
Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan cho biết, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 27 cho phép TP Hồ Chí Minh áp dụng thí điểm cơ chế, quy trình đặc thù để rút ngắn thời gian thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng dự án có thu hồi đất trên địa bàn. Cơ chế này sẽ tạo đột phá để đẩy nhanh các dự án đầu tư hạ tầng đang bế tắc trong khâu GPMB hiện nay.
Theo đó, Chính phủ giao UBND TP Hồ Chí Minh ban hành hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số K) vào đầu kỳ hằng năm để lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư lấy ý kiến người dân có đất thu hồi. TP Hồ Chí Minh sẽ quyết định giá đất cụ thể của loại đất thu hồi tại thời điểm Nhà nước quyết định thu hồi đất theo quy định tại khoản 2 điều 74 của luật Đất đai 2013.
“TP sẽ thí điểm quy trình 2 trong 1 trong việc xác định thẩm định giá mà Chính phủ đã cho phép, quy trình này nhanh hơn trước rất nhiều. Tháng 10 này sẽ ban hành quyết định để triển khai từ năm 2021” - ông Võ Văn Hoan nói.
TP Hà Nội cũng là một trong những địa phương khó khăn trong công tác GPMB, vướng chủ yếu hiện nay là các thủ tục về đất đai, trong đó có công tác chi trả tiền đền bù thường bị chậm do vướng thủ tục. “Để tháo gỡ việc này, vừa rồi Chính phủ đã cho TP Hà Nội chủ trương là thực hiện như TP Hồ Chí Minh trong việc ứng tiền để chủ động chi trả công tác đền bù mặt bằng. Đây là một sự tháo gỡ quan trọng để công tác GPMB được đẩy nhanh trong thời gian tới”- Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung chia sẻ.
Ngoài ra, TP đã yêu cầu khởi công những phần đã GPMB, sau đó sẽ làm tiếp các đoạn còn lại chứ không chờ có mặt bằng tổng thể rồi mới thi công. "Trong quá trình triển khai dự án tại hiện trường đang có 2 cái khó khăn lớn nhất. Bao gồm công tác bồi thường GPMB và yếu tố con người mà cụ thể là thủ tục đầu tư, sự phối hợp.
Về sự phối hợp giữa Ban Quản lý và các sở ngành, quận, huyện, qua thực tế triển khai công việc, TP giao cơ chế: Thẩm quyền của anh đến đâu xử lý công việc đến đấy, nếu không giải quyết được báo cáo ngay cho Chủ tịch và Phó Chủ tịch phụ trách. Trường hợp Phó Chủ tịch phụ trách không giải quyết được thì cần triệu tập cuộc họp giữa các bên, tôi sẽ dự và chủ trì để tháo gỡ, kể cả ngoài giờ" - Chủ tịch Nguyễn Đức Chung nói thêm.
Bắt đầu điều chuyển vốn đầu tư công
Tại Quảng Ninh tính đến ngày 15/6, mới giải ngân được trên 4.100 tỷ đồng đối với các dự án đầu tư công, bằng 25,6% kế hoạch năm 2020. Đây là tỷ lệ rất thấp so với mục tiêu của tỉnh đề ra là hết tháng 6 giải ngân 50% và hoàn thành 100% trong tháng 9/2020. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thắng yêu cầu kiên quyết thực hiện điều hòa tổng nguồn vốn trên 1.100 tỷ đồng đối với 4 dự án giải ngân đạt 0%, 3 dự án giải ngân dưới 10% và 31 dự án có tiến độ giải ngân dưới 30%.
Nguồn vốn này sẽ được chuyển sang các dự án đã có khối lượng để giải ngân và các dự án trọng điểm như: Đường nối khu công nghiệp Cái Lân qua Việt Hưng đến cao tốc Hạ Long - Vân Đồn; Dự án đầu tư xây dựng cầu Triều và đường dẫn nối QL18 trên địa bàn thị xã Đông Triều với đường 338 tỉnh Hải Dương và dự án cầu Cửa Lục 1…
Tại cuộc họp về xử lý các dự án vướng mắc, chậm tiến độ có nguy cơ ảnh hưởng đến kết quả giải ngân năm 2020, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho hay, 5 dự án (hiện đang được triển khai tại Hòa Bình, Quảng Nam, Kon Tum, Long An) có nguy cơ bị điều chuyển vốn nếu không đạt mức giải ngân 85% kế hoạch vốn sau khoảng 3 tháng nữa.
Tại Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, sau khi được UBND TP đề xuất, HĐND TP đã thông qua việc chuyển vốn đầu tư từ các dự án thi công chậm sang dự án thi công tốt. Việc này giúp nhiều dự án đang có tiến độ thi công đảm bảo như cầu vượt hồ Linh Đàm, cầu vượt nút Nguyễn Văn Huyên - Nguyễn Chí Thanh, đường nối Vành đai 3 với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng sẽ được thông xe vào quý IV năm nay.
TP Hồ Chí Minh phấn đấu đến ngày 15/10, giải ngân vốn đầu tư công đạt 80%, để thúc đẩy việc giải ngân, TP đôn đốc các sở ngành, quận huyện và chủ đầu tư rà soát tiến độ thực hiện và giải ngân của từng dự án; Điều chuyển vốn từ dự án có tỷ lệ giải ngân thấp sang dự án có tỷ lệ giải ngân cao; lấy kết quả giải ngân vốn đầu tư công để đánh giá năng lực của người đứng đầu.
Thực trạng giải ngân vốn đầu tư công có xu hướng tăng mạnh trong những tháng cuối năm. Với các giải pháp quyết liệt của Chính phủ đã đề ra và nỗ lực, cố gắng của các bộ, ngành, địa phương như hiện nay, hy vọng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm nay sẽ cao. Trong giai đoạn tới, câu chuyện "có tiền nhưng không tiêu được" sẽ dần được khắc phục, quyền chủ động của các bộ, ngành, địa phương sẽ lớn hơn nhưng đi kèm với trách nhiệm sẽ nhiều hơn.
Trong chuỗi quy trình đầu tư công, GPMB và khâu tư vấn lập, thẩm định, quyết định đầu tư dự án, khâu lập kế hoạch đầu tư cho dự án là hai bước thường bị mất nhiều thời gian nhất. Tại TP Hồ Chí Minh, có đến 3/4 tổng số dự án giao thông gặp khó khăn trong GPMB, khiến dự án ngưng trệ, lãng phí.
Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng: Cần giải pháp tháo gỡ khó khăn cụ thể
Bên cạnh các giải pháp chung, để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư năm 2020, các bộ ngành, địa phương, chủ đầu tư cần ban hành kế hoạch và giải pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong việc đền bù, GPMB, đấu thầu… nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công công trình, dự án.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà: Đang đẩy mạnh tháo gỡ về thể chế
Bộ Xây dựng đang tiếp tục cùng các ngành đẩy mạnh tháo gỡ về thể chế, tích cực phân cấp mạnh mẽ thẩm quyền cấp phép xây dựng cho các địa phương; Giảm thời gian làm thủ tục xây dựng xuống còn 20 ngày, giảm mạnh đối tượng phải thẩm định thiết kế cơ sở… Các nội dung này được Quốc hội cho phép thực hiện từ ngày 15/8/2020 thay vì chờ Luật Xây dựng (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/1/2021.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Đinh Văn Nhã:Trách nhiệm ở từng khâu phải được làm rõ
Dự án quy mô càng lớn, thủ tục càng rườm rà, phức tạp, vì liên quan vấn đề thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư với nhiều cấp khác nhau. Qua đó thời gian trình, thời gian đợi sẽ kéo dài. Một dự án lớn phải trình rất nhiều khâu. Chính vì không rõ nên không thể quy được trách nhiệm cho ai, cũng không biết chậm ở khâu nào. Do đó, trách nhiệm ở từng khâu phải rõ để có thể quy trách nhiệm kéo dài thuộc về ai, có chế tài xử lý nghiêm. (Thảo Nguyên ghi)
Các chuyên gia nhận định, năm 2025 sẽ đánh dấu giai đoạn phát triển mang tính bước ngoặt, định hình lại thị trường bán lẻ.