Giải ngân vốn đầu tư công - một ''chân kiềng'' thúc đẩy tăng trưởng

Sự kiện
07:13 AM 10/07/2020

Trong bối cảnh nền kinh tế đang tận dụng mọi cơ hội để tăng trưởng đến mức tối đa thì việc đẩy nhanh tốc độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công càng được đặt ra một cách rốt ráo. Đây là một "chân kiềng" quan trọng để hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng...

Trong bối cảnh nền kinh tế đang tận dụng mọi cơ hội để tăng trưởng đến mức tối đa thì việc đẩy nhanh tốc độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công càng được đặt ra một cách rốt ráo. Đây là một "chân kiềng" quan trọng để hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng...

Giải ngân chậm đến từ nhiều nguyên nhân

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong 6 tháng qua, kết quả giải ngân vốn đầu tư công đạt hơn 155.938 tỷ đồng, bằng 30,22% kế hoạch (cùng kỳ năm trước đạt 28,56%). Trong đó, có 9 bộ, ngành và 37 địa phương có mức giải ngân đạt trên 30%.

Đặc biệt, trong đó có 4 bộ, ngành, đơn vị và 6 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 50% như: Liên minh Hợp tác xã Việt Nam (100%), Bộ Nội vụ (55,48%), Hà Nam (56,85%), Ninh Bình (66,6%)... Ngược lại, một số đơn vị giải ngân rất thấp, như Hội Nhạc sĩ Việt Nam (0%), Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh (0,2%)...

Nguyên nhân có nhiều, nhưng trên thực tế, công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư vẫn là yếu tố phức tạp, khó khăn nhất gây ảnh hưởng đến việc thực hiện mỗi dự án, từ đó ảnh hưởng đến kết quả giải ngân.

Cùng với đó, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhiều công trình xây dựng phải tạm dừng thi công, làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai, giải ngân các dự án đầu tư công. Trong khi đó, theo Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Phan Đức Hiếu, mỗi đơn vị bị động trước trình tự, thủ tục, hồ sơ thanh toán cũng là một cản trở.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho rằng, kết quả giải ngân đầu tư công của Bộ đạt trên 30% kế hoạch năm 2020, đặt ra yêu cầu đẩy nhanh tiến độ giải ngân trong thời gian còn lại của năm 2020.

Ở góc độ địa phương, Hà Nội đang gấp rút hoàn thành một số công trình, dự án quan trọng. Trong đó, công trình cầu vượt nút giao Hoàng Quốc Việt - Nguyễn Văn Huyên sẽ khánh thành vào dịp Quốc khánh 2-9 sắp tới, ghi dấu ấn "về đích" đúng hẹn của chủ đầu tư.

Chủ động đẩy mạnh tốc độ giải ngân

Ông Dương Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê) cho rằng, doanh nghiệp có mức cầu tăng cũng như niềm tin vào kết quả kinh doanh gia tăng trong quý III cũng tạo điều kiện thúc đẩy đầu tư công mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Trong khi đó, ông Phạm Hoàng Tuấn, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội khẳng định, giải phóng mặt bằng là yếu tố liên quan chặt chẽ tới việc bảo đảm tiến độ xây dựng, để có khối lượng giải ngân. Do đó, đơn vị luôn phối hợp với địa phương, các bên liên quan để có mặt bằng phục vụ thi công.

Đơn cử, để thực hiện dự án cầu vượt nút giao Hoàng Quốc Việt - Nguyễn Văn Huyên nói trên, đơn vị đã phối hợp với UBND quận Cầu Giấy để giải quyết dứt điểm với 32 hộ dân sau nửa năm kiên trì vận động và có phương án xử lý phù hợp để kịp hoàn thành dự án. "Nếu không có sự quyết tâm và phối hợp chặt chẽ giữa các bên thì rất khó thành công", ông Tuấn nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, các địa phương cũng có những chuyển động tích cực và thực chất để đẩy nhanh tốc độ giải ngân đầu tư công, với sự vào cuộc đồng bộ. Trong đó, tỉnh Đồng Nai đang dồn sức cải thiện “bức tranh” giải phóng mặt bằng cho dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành vốn ì ạch trong thời gian qua.

Cụ thể, ông Lê Văn Tiếp, Phó Chủ tịch UBND huyện Long Thành cho biết, huyện kiến nghị tỉnh Đồng Nai điều động thêm 40 cán bộ tham gia kiểm đếm, kết hợp rà soát phục vụ việc thu hồi đất, bồi thường, tái định cư. Qua đó, giải phóng mặt bằng sẽ diễn ra nhanh hơn và dự kiến sẽ hoàn thành trong tháng 11-2020. Đây cũng là yếu tố quan trọng để có thể khởi công dự án đặc biệt này vào quý I-2021 và chắc chắn sẽ góp phần thúc đẩy giải ngân đầu tư công thời gian tới.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) cho rằng, cần có giải pháp đột phá, trên cơ sở lấy hiệu quả, tiến độ giải ngân làm tiêu chí ưu tiên. Ví dụ, nếu gặp khó khăn trong đấu thầu, chờ lâu sẽ mất thời gian thì nên mạnh dạn chỉ định thầu nhưng sau đó sẽ "bù lại" bằng tăng cường hậu kiểm, quản lý chất lượng thi công...

Còn theo Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hiện trường; đôn đốc nhà thầu, tư vấn đẩy mạnh tiến độ thi công các dự án cũng như bảo đảm chất lượng. Bên cạnh đó, chủ đầu tư phải cử cán bộ có đủ thẩm quyền có mặt tại hiện trường, phối hợp chặt chẽ với từng địa phương để bảo đảm tiến độ, tháo gỡ các vướng mắc nảy sinh. Vấn đề là tranh thủ thời gian ở mức tối đa. Mục tiêu đặt ra là, đến hết tháng 9 đạt 60% kế hoạch được giao và đến hết tháng 11 đạt tối thiểu 85% kế hoạch; tiến tới hoàn thành kế hoạch cả năm.

Trên thực tế, việc điều chuyển vốn, thực hiện thanh toán linh hoạt cũng là một cách thúc đẩy giải ngân. Trong một diễn biến mới nhất, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa cho phép điều chỉnh giảm gần 1.652 tỷ đồng thuộc kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016-2020 và năm 2020 của Bộ Giao thông Vận tải và giao số tiền trên cho UBND thành phố Đà Nẵng để thanh toán cho dự án nút giao thông Ngã ba Huế tại Đà Nẵng.

Sơn - Hương
Ý kiến của bạn
IMF dự báo quy mô GDP(PPP) Việt Nam đạt khoảng 1.559 tỷ USD trong năm 2024 IMF dự báo quy mô GDP(PPP) Việt Nam đạt khoảng 1.559 tỷ USD trong năm 2024

Năm 2024, Việt Nam được IMF dự báo quy mô GDP theo sức mua tương đương - GDP (PPP) đạt khoảng 1.559 tỷ USD, xếp thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á. Trong khi đó, Indonesia vẫn được dự báo xếp thứ nhất với quy mô GDP (PPP) đạt khoảng 4.720 tỷ USD.