Giải ngân vốn FDI năm 2024 cao kỷ lục

Tài chính - Đầu tư
08:41 AM 06/01/2025

Năm 2024, dù tổng vốn đăng ký đầu tư nước ngoài giảm nhẹ 3%, Việt Nam vẫn đạt kỷ lục giải ngân 25,35 tỷ USD, tăng 9,4% so với năm trước.

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài vừa công bố, tính đến hết năm 2024, tổng vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đăng ký mới, điều chỉnh, góp vốn, mua cổ phần và phần vốn góp đạt gần 38,23 tỷ USD, giảm 3% so với năm 2023. Vốn thực hiện của các dự án ĐTNN ước đạt khoảng 25,35 tỷ USD, tăng 9,4% so với năm trước đó, đánh dấu mức giải ngân cao nhất từ trước đến nay. Lũy kế đến ngày 31/12/2024, cả nước có 42.002 dự án ĐTNN còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 502,8 tỷ USD, trong đó vốn thực hiện đạt gần 322,5 tỷ USD, tương đương 64,1% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Năm 2024, khu vực đầu tư nước ngoài tiếp tục ghi nhận những đóng góp quan trọng trong hoạt động xuất nhập khẩu. Trong đó, giá trị xuất khẩu tăng hơn 12% so với 2023, chiếm gần 72% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Nhập khẩu của khu vực này cũng tăng 15,5% so với năm 2023. 

Giải ngân vốn FDI năm 2024 cao kỷ lục- Ảnh 1.

FDI năm 2024 của Việt Nam: Tổng vốn đăng ký giảm nhẹ nhưng kỷ lục về giải ngân. Ảnh: Internet

Tình hình đăng ký đầu tư trong năm 2024 cũng có nhiều điểm nổi bật. Cả nước thu hút 3.375 dự án mới, tăng 1,8% so với năm 2023, với tổng vốn đăng ký hơn 19,7 tỷ USD, giảm 7,6%. Điều chỉnh vốn ghi nhận 1.539 lượt dự án với tổng vốn tăng thêm gần 14 tỷ USD, tăng 50,4%. Hoạt động góp vốn, mua cổ phần với 3.502 giao dịch đạt tổng giá trị gần 4,54 tỷ USD, giảm 48,1%. Các nhà đầu tư đã đầu tư vào 18 trong số 21 ngành kinh tế quốc dân, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với 25,58 tỷ USD, chiếm 66,9% tổng vốn đăng ký, tiếp theo là ngành kinh doanh bất động sản với 6,31 tỷ USD, chiếm 16,5%.

Về đối tác đầu tư, năm 2024 có 114 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 10,21 tỷ USD, chiếm 26,7% tổng vốn, tăng 31,4% so với năm 2023. Hàn Quốc đứng thứ hai với gần 7,06 tỷ USD, chiếm 18,5%, tăng 37,5%. Tiếp theo là Trung Quốc, Hồng Kông và Nhật Bản. Địa bàn đầu tư cho thấy Bắc Ninh dẫn đầu với gần 5,12 tỷ USD, gấp hơn 2,8 lần so với năm 2023. Hải Phòng và TP Hồ Chí Minh lần lượt đứng thứ hai và ba với hơn 4,94 tỷ USD và 3,04 tỷ USD.

Đúng như nhận định của Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Việt Nam vẫn là thỏi nam châm thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Trong khi dòng vốn này trên toàn cầu giảm so với trung bình nhiều năm.

Gần 2 tỷ USD là tổng vốn đăng ký đầu tư vào tỉnh Bắc Ninh ngay từ đầu năm nay. Con số này gần bằng tổng vốn FDI thu hút vào tỉnh trong năm 2022. Đáng chú ý, có dự án của nhà đầu tư nước ngoài tăng thêm 1,2 tỷ USD vốn đầu tư.

Ông Andrea Coppola - Chuyên gia Kinh tế trưởng, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhận định: “Khả năng thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam nhờ ba yếu tố chính: sự ổn định của môi trường kinh doanh cho các nhà đầu tư, thứ hai là những nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, pháp lý; cuối cùng là vị trí chiến lược trong thương mại toàn cầu”.

Theo các tổ chức quốc tế, thu hút FDI toàn cầu năm nay còn nhiều thách thức, đặc biệt các chính sách giữ chân các nhà đầu tư của các quốc gia lớn nên đòi hỏi Việt Nam phải tăng cường cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ các cản trở về thủ tục hành chính và phát triển hạ tầng.

Huyền My (t/h)
Ý kiến của bạn
Giá trị tăng thêm của kinh tế số đạt hơn 1,5 triệu tỷ đồng Giá trị tăng thêm của kinh tế số đạt hơn 1,5 triệu tỷ đồng

Năm 2024, tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP đã phục hồi tích cực trên cơ sở gia tăng các đơn hàng ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học.