Giải Nobel Hóa học 2020 thuộc về hai nhà khoa học nữ
Giải Nobel Hóa học 2020 được trao cho 2 nhà khoa học Emmanuelle Charpentier và Jennifer A. Doudna “vì sự phát triển một phương pháp chỉnh sửa bộ gene”.
Chiều 7/10 (giờ Việt Nam), Viện hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển công bố giải Nobel hóa học 2020 cho hai nhà khoa học nữ Emmanuelle Charpentier và Jennifer A. Doudna đã phát hiện một trong những công cụ sắc bén nhất của công nghệ chỉnh sửa gen, đó là CRISPR/Cas9.
Theo ủy ban, qua sử dụng công cụ mà 2 nhà khoa học vừa đạt giải Nobel Hóa học 2020, các nhà nghiên cứu "có thể thay đổi ADN của động vật, thực vật và vi sinh vật với độ chính xác cực cao".
Trước khi mùa giải Nobel 2020 chính thức khởi động với giải Nobel y học được công bố ngày 5.10, Đài phát thanh công cộng Thụy Điển SR và nhật báo lớn nhất của đất nước Dagens Nyheter đều nhận định, hai nhà khoa học Emmanuelle Charpentier của Pháp và Jennifer Doudna của Mỹ có khả năng cao nhận được giải Nobel Y học 2020 cho kỹ thuật chỉnh sửa gene được gọi là công cụ cắt ADN CRISPR-Cas9, được xem như một loại "kéo" di truyền dùng để cắt bỏ một gene đột biến trong phôi thai người và thay thế nó bằng một phiên bản đã sửa chữa. Nhà khoa học người Mỹ gốc Trung Quốc Feng Zhang cũng tuyên bố đã khám phá ra kỹ thuật này, có thể đủ điều kiện cho cả giải thưởng ở lĩnh vực y học và hóa học.
Năm ngoái, Nobel Hóa học được trao cho 3 nhà khoa học John B. Goodenough, M. Stanley Whittingham và Akira Yoshino.
Thông tin về giải Nobel Hóa học, Hindustan Times lưu ý, trước khi giải Nobel Hóa học 2020 được Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển công bố ngày 7.10, giải thưởng đã được trao cho 183 cá nhân trong 111 lần.
Tuy nhiên, giải thưởng Nobel Hóa học từng không được trao trong 8 lần trong các năm 1916, 1917, 1919, 1924, 1933, 1940, 1941 và 1942, trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất và thứ 2 bởi không đáp ứng các tiêu chí trong quy chế của tổ chức.
Trước công bố giải Nobel Hóa học 2020, giải thưởng ở lĩnh vực này đã được trao cho 71 nhà khoa học đến từ Mỹ, tiếp đó là Đức và Anh, mỗi nước có 33 nhà khoa học từng nhận giải Nobel Hóa học.
Marie Curie là người phụ nữ duy nhất nhận được 2 giải Nobel, trong đó có giải trong lĩnh vực vật lý và hóa học. Nhà hóa sinh người Anh Frederick Sanger cũng 2 lần nhận giải Nobel Hóa học cho công trình nghiên cứu cấu trúc của protein, đặc biệt là insulin. Ông là một trong hai người duy nhất từng 2 lần nhận giải Nobel ở cùng một lĩnh vực. Nhà khoa học Mỹ John Bardeen đã nhận được 2 giải Nobel Vật lý.
Trong khi đó, nhà khoa học Linus Pauling là người duy nhất nhận được 2 giải Nobel mà không nhận chung với ai, gồm 1 giải Nobel Hóa học và 1 giải Nobel Hòa bình.
Người trẻ nhất nhận giải Nobel Hóa học là Frédéric Joliot ở tuổi 35 vào năm 1935. Ông nhận giải cùng với vợ là Irène Joliot-Curie - con gái của nhà khoa học Marie và Pierre Curie.
Cũng theo Hindustan Times, trước công bố Nobel Hóa học 2020, có 5 phụ nữ nhận được giải thưởng Nobel trong lĩnh vực Hóa học, trong đó có Marie Curie và con gái Irène Joliot-Curie. Những người phụ nữ khác nhận được giải thưởng Nobel Hóa học khác là Dorothy Crowfoot Hodgkin năm 1964, Ada Yonath năm 2009 và Frances H. Arnold năm 2018.
Xuân TrườngCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.