Giải pháp cấp thiết hỗ trợ doanh nghiệp khi giá xăng tăng 'phi mã'

Doanh nghiệp - Doanh nhân
04:53 PM 21/02/2022

"Nhà nước đã ban hành nhiều gói kích cầu, hỗ trợ doanh nghiệp, lao động thì Liên Bộ Công Thương - Tài Chính cũng nên vào cuộc tích cực, như vậy mới mong phục hồi được sản xuất, kinh tế. Các Bộ ngành cũng phải tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh".

Đó là nhận định của ông Nguyễn Công Hùng - Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội khi đề cập đến khó khăn của các doanh nghiệp vận tải trước thực trạng giá xăng liên tiếp lập đỉnh.

Khó chồng khó vì xăng dầu liên tiếp "lập đỉnh"

Ngày 21/2, Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu, áp dụng từ 15 giờ cùng ngày. Cụ thể, giá xăng E5RON92 tăng 961 đồng/lít, có giá bán không cao hơn 25.532 đồng/lít; Xăng RON95 tăng 965 đồng/lít, có giá bán 26.287 đồng/lít. Với mức tăng nay, giá xăng RON95 trong nước hiện đã vượt đỉnh lịch sử vào năm 2014 và xác lập kỷ lục mới.

Giải pháp cấp thiết hỗ trợ doanh nghiệp khi giá xăng 'phi mã' - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Nhiều doanh nghiệp cho biết, giá xăng dầu tăng cao như một "cú bồi" mạnh giáng vào nỗ lực phục hồi của họ, sau khi đã thoi thóp vì tác động của đại dịch COVID-19 suốt hơn 2 năm qua. 

Đối với các doanh nghiệp vận tải, chi phí nhiên liệu chiếm tới 40-50% là nỗi lo rất lớn của các DN vận tải nên việc giá xăng dầu liên tục tăng mạnh trong thời gian qua đã khiến cho nhiều DN thật sự khốn đốn. Thông thường, khi giá nhiên liệu tăng, các DN vận tải sẽ tính đến phương án điều chỉnh tăng giá vé để cân bằng thu - chi. Tuy nhiên, trong thời dịch bệnh như hiện nay, cách làm đó chưa chắc đã mang tới hiệu quả, thậm chí phản tác dụng. 

Chưa kể tới việc các DN vận tải hành khách qua 2 năm đại dịch vẫn chưa phục hồi được, hành khách đi xe vẫn còn rất vắng. Giờ chi phí cho mỗi chuyến xe lại bị giá xăng dầu đội lên cao, nhiều DN sẽ không thể trụ nổi. Nếu không tăng giá cước, người lao động không có thu nhập và sẽ nghỉ việc, nhưng khi tăng giá cước lại ảnh hưởng lớn đến người tiêu dùng. Điều này sẽ khiến khách sụt giảm mạnh hơn và quay lưng lại với đơn vị vận tải.

Không riêng mảng vận tải hành khách, vận tải hàng hóa dự kiến cũng sẽ phải tăng chi phí vận chuyển để bù vào chi phí nhiên liệu. Giá cước vận tải đã được nhiều công ty thông báo tăng 10% từ sau Tết đến nay. Ví dụ, giá cước xe chở một container từ cảng Cát Lái (TP.HCM) về Khu công nghiệp Tam Phước (Long Thành, Đồng Nai) từ 2,8 - 2,9 triệu đồng/container nay tăng lên 3,2 triệu đồng. Ngoài giá xăng dầu tăng, các chi phí về tài xế, chi phí đi đường… đều tăng, buộc các chủ xe phải tăng cước ngay sau Tết.

Cân nhắc miễn, giảm các loại thuế phí cho doanh nghiệp

Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long phân tích, hiện mỗi lít xăng dầu bán ra thị trường phải gánh 4 loại thuế gồm: thuế giá trị gia tăng 10%, thuế nhập khẩu 10%, thuế tiêu thụ đặc biệt 10% và thuế bảo vệ môi trường từ 3.800 - 4.000 đồng/lít. Trong số này, chỉ có thuế bảo vệ môi trường và thuế tiêu thụ đặc biệt là có thể giảm. Hiện thuế nhập khẩu đã ở mức thấp trong khi nghị quyết mới đây của Quốc hội về giảm thuế VAT cho các hàng hóa, dịch vụ thì mặt hàng xăng dầu không được đề cập đến.

Giải pháp cấp thiết hỗ trợ doanh nghiệp khi giá xăng 'phi mã' - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Ông Long đề xuất để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch COVID-19, Nhà nước có thể có chính sách tạm thời, điều chỉnh giảm các khoản thuế bảo vệ môi trường và thuế tiêu thụ đặc biệt lên mặt hàng xăng dầu để giúp doanh nghiệp bớt áp lực. 

Bên cạnh đó, liên quan đến vấn đề xăng dầu, một “nút thắt” nữa được đặt ra với thời điểm này là thời gian của các kỳ điều hành giá xăng dầu. Theo Nghị định 95, mặc dù thời gian này đã được rút ngắn xuống còn 10 ngày (thay vì 15 ngày như trước đây) song nhiều doanh nghiệp kiến nghị đó vẫn là khoảng thời gian dài, chưa theo kịp với so với diễn biến giá xăng dầu thế giới. 

Nhiều ý kiến cho rằng hiện vẫn còn nhiều bất cập trong công tác điều chỉnh giá xăng dầu và cách tính toán chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức trong công thức tính giá cơ sở xăng dầu, vì vậy cần xem xét lại cách thức điều chỉnh hiện nay.

Bổ sung thêm, ông Nguyễn Công Hùng - Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội chia sẻ, trên thị trường hiện nay đang có 2 loại xăng cụ thể: Xăng E5 Ron 92 là xăng sinh học và xăng Ron A95 (xăng khoáng). Nhà nước đang khuyến khích người dân sử dụng xăng E5 thì phải có biên độ giá chênh lệch cao để người dân lựa chọn.

"Bản thân xăng E5 là xăng sinh học, bảo vệ môi trường, vậy tại sao lại thu thuế bảo vệ môi trường loại xăng này. Chính vì thế cần phải miễn hoặc tạm dừng việc thu phí bảo vệ môi trường đối với xăng E5, như vậy mới có thể ổn định được giá cước vận tải", Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội đề xuất trên báo chí.

Đặc biệt, hiện nay bản thân ngành vận tải nhiều tỉnh vẫn đang dừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng...trong khi đó Nghị quyết 128 đã chỉ đạo là cần thích ứng với dịch bệnh, chấp nhận sống chung với dịch bệnh. Ông Hùng đề nghị Chính phủ cần miễn phí bảo trì đường bộ đến hết năm 2022 thay vì giảm 30% để kích cầu cho các doanh nghiệp vận tải.

Trước sức ép từ dịch bệnh và giá nhiên liệu tăng cao, được biết các đơn vị vận tải đã áp dụng công nghệ và quy trình xử lý khoa học vào vận hành, cũng như sử dụng xe tải đời mới nhằm tối ưu, tiết kiệm nhiên liệu, kiểm soát các chi phí.

Tuy nhiên, nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng trong thời gian tới thì sẽ không tránh khỏi việc các doanh nghiệp vận tải, logistics phải thực hiện điều chỉnh giá cước phí để duy trì hoạt động kinh doanh cũng như đảm bảo các cam kết về chất lượng dịch vụ.

An Mai
Ý kiến của bạn