Giải pháp giúp doanh nghiệp ứng phó với biến động tỷ giá
Tỷ giá USD tăng cao trong thời gian vừa qua có những tác động trái chiều tới hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt nhóm xuất nhập khẩu.
Thời gian qua, tỷ giá USD/VND chưa có dấu hiệu ngừng tăng. Tỷ giá trung tâm tăng từ 23.848 VND/ USD ngày 2/1 lên 24.002 VND/USD ngày 29/2, tương đương mức tăng 0,65%. Trong đó, giai đoạn tăng mạnh nhất là cận Tết Nguyên đán (từ ngày 18 đến 29/1). Trong nửa đầu tháng 2/2024, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh chủ yếu theo xu hướng giảm, nhưng sau kỳ nghỉ Tết, tỷ giá trung tâm tăng liên tiếp từ ngày 23 đến 27/2, lên 24.014 VND/USD. Đến thời điểm hiện tại, tỷ giá trung tâm đã phần nào ổn định.
Tại các ngân hàng thương mại, theo xu hướng tăng của tỷ giá trung tâm, giá USD cũng được niêm yết tăng 1,35% từ đầu năm. Riêng nửa cuối tháng 2, tỷ giá USD/VND tăng khá mạnh. Theo thống kê, ngày 26/2, tỷ giá tại các ngân hàng thương mại cao nhất kể từ đầu năm, giao dịch phổ biến ở mức 24.470 VND/USD (mua vào) - 24.840 VND/USD (bán ra).
Tỷ giá biến động mạnh và tạo lập kỷ lục mới trong những tháng đầu năm 2024 khiến thị trường xuất hiện lo ngại về ảnh hưởng tới hoạt động của một số doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất nhập khẩu.
Về nguyên tắc, khi tỷ giá USD/VND tăng, doanh thu xuất khẩu khi được quy đổi sang đồng Việt Nam sẽ tăng, giúp cho các doanh nghiệp xuất khẩu được hưởng lợi. Tuy nhiên, ở vấn đề đầu vào sản xuất, một số doanh nghiệp phải nhập khẩu nhiều nguyên phụ liệu từ nước ngoài, giá USD tăng khiến doanh thu bị bội chi về chi phí nguyên liệu và phí vận tải (logistics).
Tỷ giá tăng giảm phần lớn do yếu tố khách quan và nằm bên ngoài sự điều kiểm soát của Việt Nam. Điều này khiến doanh nghiệp bị động trong việc hoạch định những kế hoạch về mặt tài chính để nhập khẩu nguyên liệu hay xuất hàng hóa đi ra nước ngoài.
Nhiều chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh tỷ giá biến động, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu phải chú ý đến tỷ giá hối đoái để kịp thời điều chính kế hoạch kinh doanh và lựa chọn thị trường xuất nhập khẩu và lựa chọn đồng tiền thanh toán có lợi cho doanh nghiệp mình, giảm dần việc chỉ sử dụng đồng USD.
Về lâu dài, để phòng ngừa rủi ro tỷ giá, doanh nghiệp cũng có thể lựa chọn những ngân hàng có khả năng tài trợ thương mại tốt, sử dụng những công cụ tài chính phái sinh như: mua bán ngoại tệ có kỳ hạn, các hợp đồng hoán đổi (SWAP), đảm bảo cho các hoạt động xuất nhập khẩu được kế hoạch hóa một cách khoa học.
Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, việc gia tăng sức cạnh tranh của hàng hóa, tạo sự khác biệt cho sản phẩm luôn là điều cần hướng tới. Đối với các doanh nghiệp nhập khẩu, việc tối đa hóa nguồn lực nội địa, tìm kiếm các đối tác thay thế, đặc biệt từ trong nước, giảm dần sự phụ thuộc vào nhập khẩu cũng sẽ giúp giảm bớt chi phí.
Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cũng cho biết, hiện các doanh nghiệp đang tìm kiếm các nguồn nguyên vật liệu khác trong nước thay thế các nguồn nhập khẩu; tăng cường thu mua thép vụn trong nước, tìm kiếm các nguồn hàng gần thay vì các nguồn hàng xa.
Cùng với đó, ngành thép sẽ phải điều tiết bớt sản xuất lại, tìm mọi cách hạ giá thành sản xuất, tiết kiệm chi phí để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.
Đặc biệt, một trong những công cụ mà các doanh nghiệp đang nghiên cứu là bảo hiểm tỷ giá, bởi nếu bỏ ra một khoản chi phí để đảm bảo được tỷ giá trong bối cảnh tỷ giá tăng như hiện nay thì đó cũng là một giải pháp hiệu quả.
An Mai (t/h)Công ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.