Giải pháp nào cho ngành xuất khẩu lao động giữa đại dịch Covid-19

Thị trường
10:40 AM 08/12/2020

Năm 2020, xuất khẩu lao động là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19. Bởi khi các đơn hàng bị hoãn, các chuyến bay bị ngưng trệ thì cả người lao động và những công ty xuất khẩu đều lao đao.

ngành xuất khẩu lao động giữa đại dịch Covid-19

Tiến thoái lưỡng nan

Anh Đinh Tuấn Anh (quê Thái Bình) đã đỗ đơn hàng cơ khí tại Công ty xuất khẩu lao động Hoàng Long và theo học tại Trung tâm này đã hơn 6 tháng nay. Theo đúng lịch trình thì đơn hàng của anh sẽ xuất cảnh vào tháng 3/2020. Tuy nhiên do dịch bệnh Covid 19 nên thời gian xuất cảnh bị lùi lại.

"Để đảm bảo quy trình nộp tiền cho công ty, tôi đã vay ngân hàng 120 triệu để đóng cọc. Giờ dịch bệnh nên chưa biết lúc nào mới xuất cảnh được, trong khi lãi ngân hàng hàng tháng vẫn phải trả", anh Tuấn Anh lo lắng cho biết.

Giải pháp nào cho ngành xuất khẩu lao động giữa đại dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Người lao động đứng ngồi không yên khi đơn hàng chưa xuất cảnh được. Ảnh minh họa

Cùng cảnh ngộ như anh Tuấn Anh, chị Nguyễn Thị Chi (quê Hải Dương) cũng đang đau đầu vì số tiền trả lãi ngân hàng hàng tháng. Toàn bộ chi phí đi xuất khẩu sang Đài Loan của chị gần 150 triệu, chị đều phải vay ngân hàng, trong khi thu nhập ở quê không đủ trang trải khiến chị vô cùng sốt ruột.

"Giờ em muốn rút lại tiền đóng cho công ty cũng không được, nhưng để lâu mà đơn hàng chưa xuất cảnh được cũng không biết lấy gì để trả nợ", chị Chi chia sẻ.

Giải pháp nào trong mùa dịch Covid 19?

Ảnh hưởng của dịch bệnh khiến đơn hàng ngưng trệ đã khiến không chỉ người lao động đứng ngồi không yên mà công tác đào tạo, tuyển dụng của các doanh nghiệp xuất khẩu lao động cũng bị chậm lại.

Theo ông Nghiêm Quốc Hưng - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Hoàng Long CMS: Như mọi năm vào thời điểm này thị trường Nhật Bản và Đài Loan rất sôi động. Nhưng năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh, các đơn hàng giảm 40 - 50%. Người lao động vẫn hoang mang khi dịch bệnh chưa được kiểm soát nên công tác tuyển dụng vô cùng khó khăn".

Mặc dù việc tuyển dụng các đơn hàng hiện nay đã chuyển làm trực tuyến thay vì trực tiếp như trước đây, nhưng lượng lao động tham gia đăng ký vẫn không đáp ứng nhu cầu tuyển nên thường nhiều đơn hàng vẫn phải lùi lịch hoặc bổ sung đợt tuyển để có đủ người cho nhà máy đối tác.

Ông Nguyễn Đức Hùng - Trưởng phòng tuyển dụng của Công ty Xuất khẩu lao động Thủ Đô cho biết: "Để đảm bảo chỉ tiêu tuyển dụng giữa mùa dịch, ngoài việc phải xuống tận địa phương phát tờ rơi, thông báo và tư vấn đơn hàng cho người lao động, Công ty cũng đưa ra cơ chế kích cầu đơn hàng như: giảm phí đơn hàng, miễn học phí, hỗ trợ tàu xe đi lại cho lao động ra tuyển, hỗ trợ vay vốn, cho nợ phí đơn hàng…".

"Như trước đây, chi phí đơn hàng tầm 200 triệu nhưng hiện nay chỉ còn 140 triệu. Công ty còn hỗ trợ nợ phí 80 - 100% cho nhiều đơn hàng để thu hút lao động tham gia", ông Hùng cho biết thêm.

Giải pháp nào cho ngành xuất khẩu lao động giữa đại dịch Covid-19 - Ảnh 2.

Người lao động khi xuất cảnh cần cách ly 14 ngày trước khi làm việc. Ảnh: Trương Hưng

Theo đại diện Cục lao động ngoài nước, theo kế hoạch năm 2020 sẽ đưa 130.000 lao động ra nước ngoài làm việc, nhưng tính đến nay mới chỉ có 33.500 lao động đi xuất khẩu do ảnh hưởng của dịch Covid 19. Vừa qua, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam đã chính thức thông báo bắt đầu tiếp nhận hồ sơ cấp mới visa cho công dân Việt Nam kể từ ngày 29/7. Tuy nhiên, sau khi nhập cảnh người lao động phải tự cách ly 14 ngày theo quy định của nước sở tại nhằm chống dịch Covid-19. Đặc biệt, người lao động khi nhập cảnh Nhật Bản cần phải có chứng chỉ xét nghiệm RT-PCR của Việt Nam trong 72 giờ âm tính.

Có lẽ chưa bao giờ các doanh nghiệp và người lao động chuẩn bị xuất cảnh rơi vào tình thế khó khăn như hiện nay. Tuy nhiên, việc tạm dừng là cần thiết nhằm đảm bảo an toàn cho người lao động trước nguy cơ lây nhiễm Covid-19. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp và người xuất khẩu lao động tự làm mới mình. 

Theo ý kiến chuyên gia về lao động, các doanh nghiệp xuất khẩu lao động cần tăng cường chất lượng đào tạo, đẩy mạnh mở rộng đối tác và thâm nhập vào những thị trường khắt khe hơn, từng bước nâng cao thu nhập cho nguồn nhân lực làm việc ở nước ngoài.

Đối với người lao động, cần tiếp tục học tập, trau dồi chuyên môn, ngoại ngữ và kỹ năng ứng xử để có thể tham gia ngay vào thị trường lao động quốc tế khi dịch bệnh được đẩy lùi. Khi thị trường phục hồi trở lại, sẽ đáp ứng tốt nhu cầu tuyển dụng của các nhà máy, từ đó mở rộng cơ hội việc làm cho bản thân.

Minh Đăng
Ý kiến của bạn
Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới

Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.