Giải pháp nào để doanh nghiệp vực dậy sau Covid -19
Tính đến tháng 8/2021, có hơn 85.000 doanh nghiệp đã phải dừng hoạt động, tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều doanh nghiệp đang cầm cự hoạt động, chờ những dấu hiệu tích cực trong tương lai. Nhưng nếu không có giải pháp lâu dài và bền vững, thật khó để vực dạy doanh nghiệp sau Covid -19.
Doanh nghiệp thực sự khó khăn
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, Bộ KH&ĐT cho biết trong 8 tháng đầu năm 2021, khu vực dịch vụ chịu tác động nặng nề nhất từ đại dịch COVID-19, kinh doanh rất khó khăn. Tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ giảm 4,7%. Khu vực sản xuất công nghiệp tăng thấp ở mức 5% chỉ bằng 50% tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm trước khi có dịch COVID-19.
Số doanh nghiệp thành lập mới giảm 8% so với cùng kỳ. Có 85,5 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 24,2% so với cùng kỳ. Những điều này này cho thấy dịch COVID-19 ảnh hưởng nặng nề, tiêu cực đến doanh nghiệp – nền tảng quan trọng để gia tăng năng lực của nền kinh tế.
Nhiều doanh nghiệp hiện nay hoạt động mang tính cầm cự. Ảnh minh họa
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel cho biết, dịch bệnh COVID-19 thật sự là cú đánh mạnh vào ngành du lịch, kéo ngành này thụt lùi trở về thời kỳ cách đây cả hơn chục năm. Riêng năm 2021, ngành du lịch thực chất chỉ hoạt động được trong 3 tháng và có thể coi như "mất trắng" năm nay bởi khả năng mở cửa trong quý IV/2021 là rất khó. Việc khởi động lại ngành du lịch có thể phải tính tới thời điểm tháng 1/2022. Từ nay đến cuối năm, các doanh nghiệp du lịch nếu có hi vọng chỉ có thể trông chờ du lịch nội địa phục hồi với điều kiện tiêm chủng nhanh và áp dụng chính sách thẻ xanh. Tuy nhiên, hiện Chính phủ chưa có chỉ đạo chung về thẻ xanh, thẻ vàng. Mọi quy định vẫn mang tính địa phương, du khách khó đi xuyên vùng.
Cũng theo Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong bối cảnh Covid -19 căng thẳng, cộng đồng doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp rất nhiều khó khăn: Nhiều doanh nghiệp phải ngừng hoạt động hoặc thu hẹp sản xuất, chi phí sản xuất tăng cao do thực hiện phòng chống dịch như xét nghiệm 3 ngày 1 lần, lo ăn ở cho người lao động khi thực hiện 3 tại chỗ tại nhà máy khiến nhiều doanh nghiệp hoàn toàn không có lợi nhuậ, thậm chí thua lỗ.
Đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp
Ông TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, Viện trưởng Viện nghiên cứu và Phát triển kinh doanh cho rằng dịch bệnh COVID-19 khiến cho tổn thất tài chính là rất lớn và chưa từng có tiền lệ. Các chính phủ như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu đều có gói tài trợ lớn, hỗ trợ trực tiếp tiền cho doanh nghiệp, người lao động.
Mới đây, tại cuộc họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ có ý kiến gợi mở về gói kích cầu hỗ trợ lãi suất với quy mô trên 2.000 tỷ đồng giải ngân qua hệ thống ngân hàng, kéo theo đó dư nợ tín dụng từ 60.000 – 65.000 tỷ đồng.
Theo nhiều chuyên gia, nếu thực hiện gói kích thích hiệu quả sẽ tạo sức bật để nhiều doanh nghiệp phục hồi nhanh sau Covid- 19. Đặc biệt, không nên phân biệt đối tượng cho vay là doanh nghiệp lớn, vừa hay nhỏ cũng không nên phân biệt ngành nghề.
Cần hỗ trợ đầu tư tư nhân, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, theo hướng áp dụng công nghệ nhiều hơn, tăng cường chuyển đổi số để giảm chi phí sản xuất, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh.
Cần nhiều giải pháp kịp thời và đồng bộ, quyết liệt hỗ trợ cho doanh nghiệp. Ảnh minh họa
Việc gia hạn nợ, khoanh nợ cho các doanh nghiệp; thực hiện miễn, giảm thuế, các nghĩa vụ đóng góp; cơ cấu lại các khoản nợ, khoanh trả lãi tiền vay, không tính vay quá hạn; thuận lợi hóa tiếp cận nguồn vốn tín dụng, đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; miễn giảm thuế trong đó có thuế VAT ở một số lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề và có tầm quan trọng để doanh nghiệp có thời gian phục hồi.
Rà soát để có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ du lịch khi mở cửa có kiểm soát, coi đó như là những đột phá để phục hồi hoạt động kinh tế trong bối cảnh chưa hoàn toàn kiểm soát được dịch bệnh.
Đối với doanh nghiêp lữ hành cần cơ cấu lại thời hạn trả nợ là 24 tháng, miễn, giảm thuế mạnh mẽ cho các doanh nghiệp lữ hành, các nhà hàng, cơ sở lưu trú, vận chuyển kinh doanh dịch vụ lữ hành.
Khẩn trương xây dựng chính sách mở cửa cho thị trường du lịch quốc tế theo cách nhiều nước trên thế giới đã áp dụng. Đề xuất triển khai chính sách "hộ chiếu vaccine" để thí điểm phục hồi các hoạt động du lịch và giao thương quốc tế ở các trung tâm du lịch đủ điều kiện về phòng chống dịch như Phú Quốc, Nha Trang, Đà Nẵng, Hội An…
Ngoài ra, cần tạo điều kiện và phục hồi lưu thông hàng hóa thông suốt, khắc phục sự đứt gãy của chuỗi cung ứng, tháo gỡ khó khăn về lao động và chuyên gia; thường xuyên đối thoại với doanh nghiệp để nắm bắt khó khăn và hỗ trợ kịp thời.
Đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, do vậy cần tận dụng và thúc đẩy quá trình này. Cần nghiên cứu xây dựng, thực hiện nhóm giải pháp cụ thể khuyến khích và hỗ trợ chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, trong đó có thương mại điện tử.
Thực tế thì nhiều chính sách ban hành tốt nhưng cũng có nhiều chính sách cần nhìn nhận lại sao cho đồng bộ, bài bản hơn, thống nhất hơn để thích nghi với dịch bệnh trong giai đoạn tới. Đó cũng là điều kiện cần thiết "vực dạy" doanh nghiệp, phát triển kinh tế -xã hội trong thời gian tới.
Trương Hưng
Dự kiến từ đầu năm 2025, ngành thuế sẽ nâng cấp ứng dụng hỗ trợ cá nhân kê khai thuế điện tử, tự động hỗ trợ toàn bộ việc quyết toán thuế, hoàn thuế thu nhập cá nhân cho người nộp thuế.