Giải pháp nào thu hút người dân đi metro?
Một chuyên gia lo ngại, nếu sau 15 ngày chạy miễn phí mà số khách đi tàu Cát Linh - Hà Đông chưa đạt được 100.000 khách/ngày thì đáng lo hơn là đáng mừng, vì khi bắt đầu thu tiền thì số khách sẽ còn ít hơn nữa.
Lo "ế" khách
Tuyến metro (MRT) đầu tiên của Việt Nam - tàu Cát Linh - Hà Đông đã lăn bánh tại Hà Nội vào ngày 6/11 vừa qua. Trong ngày đầu tiên vận hành thương mại, hệ thống các đoàn tàu đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã phục vụ 38.520 lượt khách và 54.121 lượt khách đi tàu vào ngày Chủ Nhật (ngày thứ hai tàu chạy).
Trong những ngày đầu, lượng khách lớn tụ tập cùng lúc gây mất an toàn trong phòng, chống dịch khiến nhà ga "đau đầu", nhưng tình trạng này sau đó đã được khắc phục. Và một bài toán khác "đau đầu hơn" được đặt ra là khi sau 15 ngày chạy miễn phí, số lượng khách có được như kỳ vọng? Làm thế nào để kết nối người dân với tuyến MRT?
TS. Lương Hoài Nam (thành viên Hội đồng tư vấn giao thông đô thị TP.HCM) dẫn chứng với báo chí: 1 tuyến MRT trên thế giới mỗi ngày vận chuyển khoảng 400.000 - 500.000 người. Nếu sau 15 ngày chạy miễn phí mà số khách đi MRT Cát Linh - Hà Đông chưa đạt được 100.000 khách/ngày thì đáng lo hơn là đáng mừng, vì khi bắt đầu thu tiền thì số khách sẽ còn ít hơn nữa. Thế giới đã có rất nhiều bài học về những tuyến metro không thành công trong giai đoạn đầu, kéo theo nhiều hệ lụy nghiêm trọng như tại Bangkok (Thái Lan), Manila (Philippines), Jakarta (Indonesia)... Muốn metro Cát Linh - Hà Đông đạt hiệu quả, mỗi ngày phải phục vụ từ 200.000 - 250.000 khách, tức gấp khoảng 10 lần so với lượng khách cao nhất hiện nay vào ngày đầu tuyến này lăn bánh.
TS. Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu GTVT Việt Đức chia sẻ, nếu không có giải pháp thu hút, kết nối người dân với tuyến MRT thì doanh thu từ vé tàu Cát Linh - Hà Đông chưa chắc đã đủ để bù chi phí vận hành hàng ngày, đừng nói trả vốn vay Trung Quốc.
Kết nối người dân với metro: Dễ mà khó
Bài toán hút dân của tuyến MRT Hà Nội cũng là câu hỏi khó đối với TP.HCM khi nơi đây cũng đang gấp rút hoàn thiện mạng lưới giao thông xương sống này. Vấn đề lớn nhất hiện nay là làm sao kết nối thuận tiện nhất để người dân lựa chọn metro.
Theo TS. Vũ Anh Tuấn, muốn tăng lượng khách sử dụng tuyến metro phải triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Cụ thể, tất cả các tuyến đường dẫn đến nhà ga phải tạo điều kiện thuận lợi cho người đi bộ, bởi 70% hành khách sử dụng tuyến giao thông công cộng này là tiếp cận nhà ga bằng đôi chân của mình.
Do vậy, điều kiện đi bộ là điều kiện tiên quyết. Khó khăn, không thuận lợi cho người đi bộ sẽ hạn chế hành khách sử dụng tuyến này. Cùng đó, bán kính trên 500m phạm vi cho người đi bộ cần phải kết nối trung chuyển với phương thức khác bao gồm xe đạp, xe máy, xe buýt gom để kết nối từ khu đô thị về các ga.
Tại các nhà ga cần phải có bãi đỗ xe giảm giá một nửa hoặc miễn phí cho người đi xe cá nhân đến đi tàu và bãi xe kinh doanh bằng việc cho thuê xe đạp điện, xe máy điện giá rẻ phục vụ nhu cầu của hành khách.
Bên cạnh kết nối để chuyển tiếp phương tiện di chuyển, cần nghiên cứu kết nối cả về giá vé để liên thông vé tàu và xe buýt. Chẳng hạn, khách sử dụng vé tháng tàu điện được liên thông vé tháng đối với 2 - 3 tuyến buýt, với giá vé phù hợp sẽ giúp khuyến khích, thu hút khách sử dụng tàu điện
Để thu hút hơn nữa hành khách cho tuyến này, có thể kết nối đa phương thức. Ngoài kết nối về thanh toán, hành khách đi liên thông từ vận tải hành khách công cộng gồm: Taxi công nghệ, xe buýt đến đi tàu điện phải được giảm giá để thu hút khách.
Cùng đó, cần tổ chức lại giao thông phù hợp tại các ga để tránh tình trạng biến nơi đây thành điểm đen ùn tắc.
Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban giao thông TP.HCM, bổ sung thêm, cần đẩy nhanh tiến độ các dự án kết nối, để khi tuyến metro vận hành thì công trình giao thông dọc tuyến cũng hoàn tất. Việc đồng bộ này còn giúp cho tuyến giao thông công cộng (GTCC) tăng lượng hành khách, người dân đến metro được dễ dàng. Bởi một TP hiện đại người dân sử dụng phương tiện công cộng khoảng 30%-50% nhưng hiện nay GTCC TP.HCM chỉ đạt 10%.
Về nguyên tắc là phải nối kết các tuyến GTCC lớn với dự án giao thông liên quan để tránh ùn tắc và kết nối giao thông tốt nhất cho người dân. Hiện nay trong nghiên cứu tại ngã ba mũi tàu (nối đường Trường Chinh - Cộng Hòa), dự kiến sẽ xây dựng một hầm kết nối nhà ga metro số 2. Quy hoạch trong tương lai sẽ có các trạm kết nối metro số 2 với đường bộ.
8 giải pháp hỗ trợ metro của TP.HCM
Dù tuyến metro số 1 của TP.HCM đang đề xuất lùi đích tới 2024 nhưng Sở GTVT TP.HCM cùng Ban Quản lý đường sắt đô thị đã xây dựng riêng 1 đề án tăng cường khả năng tiếp cận và tổ chức kết nối các tuyến xe buýt với nhà ga thuộc tuyến metro số 1. UBND TP cũng đã phê duyệt 8 giải pháp kết nối về giao thông, tiện ích dịch vụ đối với tuyến metro đầu tiên của TP mà Sở GTVT đã trình trước đó. Cụ thể:
Sắp tới, tuyến buýt nhanh (BRT) số 1 sẽ được đưa vào khai thác, chạy dọc hành lang đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ và kết nối tuyến metro số 1 tại ga Rạch Chiếc (TP.Thủ Đức).
Trung tâm quản lý giao thông công cộng sẽ thiết lập hệ thống xe buýt trục chính, xe buýt nhánh, xe buýt gom nhằm tăng cường khả năng tiếp cận, kết nối các tuyến xe buýt với nhà ga thuộc tuyến metro.
Trong đó, tuyến buýt trục chính gồm 5 tuyến bao phủ trục xa lộ Hà Nội và kết nối với các trung tâm vận tải trọng điểm. Tuyến buýt nhánh gồm 7 tuyến, có thể bao phủ các khu vực không gần metro số 1, xe buýt nhanh và các tuyến xe buýt trục chính. Tuyến buýt gom có 20 tuyến, sẽ đảm nhận các chuyến đi của hành khách ở các khu vực chưa được bao phủ bởi các tuyến xe buýt nói trên. Việc tổ chức hệ thống buýt sẽ được hoàn thành trong quý 4/2022.
Bên cạnh đó, hệ thống cầu bộ hành tại các nhà ga cũng đang được đẩy nhanh xây dựng, hoàn thiện. Ngoài nhà ga Suối Tiên (hiện đã có cầu vượt bộ hành), các ga khác như ga Khu công nghệ cao, Thủ Đức, Bình Thái, Phước Long, Rạch Chiếc, An Phú, Thảo Điền đều có cầu vượt bộ hành bắc ngang qua xa lộ Hà Nội để người dân dễ tiếp cận nhà ga. Đồng thời, dọc tuyến metro số 1 sẽ xây dựng các bãi đỗ xe, nhà chờ xe buýt... giúp khách thuận tiện chuyển đổi phương tiện đi lại.
An MaiVNDirect cho rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng mạnh mẽ trong quý IV với GDP dự báo tăng 7,1%, nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam lên 6,9%.