Giải pháp nào vực dậy thị trường lao động?

Đầu tư và Tiếp thị
03:06 PM 27/01/2021

Các chuyên gia cho rằng, thị trường lao động trong năm 2021 có khởi sắc hay không còn phụ thuộc rất lớn vào tình hình dịch bệnh trong nước và thế giới. Để chủ động ứng phó, Việt Nam cần có những giải pháp hiệu quả để vực dậy thị trường lao động.

Đại dịch Covid-19 xuất hiện từ cuối tháng 1/2020 đến nay đã gây tác động lớn đến tình hình sản xuất, kinh doanh và việc làm của người lao động, làm gia tăng tình trạng thất nghiệp và thiếu việc làm trên thế giới. Tại Việt Nam, tỷ lệ tham gia thị trường trong độ tuổi lao động còn 70%, thấp nhất trong vòng 10 năm qua.

Theo báo cáo của Tổng Cục thống kê, đại dịch đã tác động làm thay đổi xu hướng biến động mang tính mùa vụ của lực lượng lao động giữa các quý trong năm. Năm 2020, lực lượng lao động bắt đầu giảm ở quý I, sau đó tiếp tục giảm mạnh và chạm đáy ở quý II và dần có sự phục hồi vào quý III và quý IV. Mặc dù có phục hồi nhưng lực lượng lao động đến quý IV/2020 vẫn chưa đạt được trạng thái ban đầu khi chưa có dịch.

Khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch COVID-19 với 71,6% lao động bị ảnh hưởng, tiếp đến là khu vực công nghiệp và xây dựng, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản. 

Giải pháp nào vực dậy thị trường lao động 2021? - Ảnh 1.

Thị trường lao động trong thời gian tới có những điểm sáng. Ảnh minh hoạ: Hải Nguyễn

Trao đổi về vấn đề lao động, việc làm với các cơ quan báo chí, ông Lê Quang Trung - nguyên Phó Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho hay, dự báo năm 2021, thị trường lao động sẽ có nhiều “điểm sáng” nhờ thu hút làn sóng đầu tư, các doanh nghiệp đã tìm hướng sản xuất kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19 và các biện pháp kiểm soát COVID-19 sẽ phát huy hiệu quả. Nhu cầu sản xuất, cung cấp hàng hoá nội địa sẽ tăng, xuất khẩu sẽ phục hồi.

Tuy nhiên, dịch COVID-19 có những biến đổi khó lường và tác động nhiều mặt của kinh tế-xã hội. Để ổn định và phát triển thị trường lao động, ông Trung cho rằng, thứ nhất cần tiếp tục hoàn chỉnh hệ thống pháp luật, trong đó chú ý hình thức làm việc từ xa, hình thức cho người lao động và người sử dụng lao động thực hiện tốt hơn.

Thứ hai, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác dự báo kinh tế-xã hội và thị trường lao động, cải cách thủ tục hành chính để các nhà đầu tư, sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu nhanh gọn. 

Thứ ba, phát huy hiệu quả của công tác đào tạo nghề và giới thiệu việc làm, đặc biệt hoạt động Trung tâm Dịch vụ việc làm trong tổ chức thông tin thị trường lao động, sàn giao dịch, đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng. Rà soát chính sách hỗ trợ cho các DN sản xuất kinh doanh. Một số ngành gặp khó khăn như du lịch, hàng không… cần có biện pháp hỗ trợ kịp thời để đơn vị này vượt qua khó khăn.

Cùng nói về vấn đề này, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động xã hội, bà Nguyễn Thị Lan Hương cũng chia sẻ trên Thời báo Tài chính Việt Nam về các giải pháp "cứu" thị trường lao động. Theo đó, bà Nguyễn Thị Lan Hương nhấn mạnh cần thực hiện 3 nhóm giải pháp. 

Đầu tiên là giải pháp "giật", tức là cấp cứu kịp thời. Sau đó, phải nhanh chóng đưa doanh nghiệp (DN), lao động và cả nền kinh tế thoát khỏi khủng hoảng. Tiếp đó, cần phải đề ra kế hoạch mới để chuyển đổi hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, người lao động và cả nền kinh tế.

Giải pháp nào vực dậy thị trường lao động 2021? - Ảnh 2.

Nhờ chủ động chuyển hướng sản xuất, kinh doanh, nhiều công ty vẫn hoạt động hiệu quả trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Cụ thể, với người lao động, cần phải tổ chức hệ thống an sinh - xã hội toàn diện cho họ. Đặc biệt là nhóm lao động bị mất việc, bên cạnh giải pháp hỗ trợ họ tồn tại, cũng cần tìm ra những cơ hội việc làm tương tự để kết nối khi cần thiết. Quan trọng nhất là công tác đào tạo, đào tạo lại, đào tạo bổ sung để chuyển hệ thống việc làm đang có sang hệ thống việc làm mới. Vì vậy, nhóm lao động này cần giải pháp đồng bộ, hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu việc làm, đảm bảo họ có năng lực đáp ứng yêu cầu công việc mới. Đồng thời giải quyết việc làm, cũng là cơ hội chuyển dịch cơ cấu việc làm, tạo ra năng suất lao động cao hơn.

Bên cạnh đó, Nhà nước cũng tìm ra những cơ hội mới, việc làm mới, thị trường mới cho lao động. Chuyển đổi việc làm thành công cũng là cách để giúp lao động tiếp cận với sàn an sinh xã hội.

Với DN, Nhà nước phải cùng với các DN nghiên cứu, đánh giá lại các chuỗi hoạt động từ đó giúp họ thoát khỏi khủng hoảng. Ví dụ như trong lĩnh vực du lịch, khi thị trường quốc tế bị đứt gãy thì Nhà nước phải cùng với DN tìm giải pháp để kích cầu du lịch trong nước. Không phải chỉ cần giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho DN mà Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các bộ ban ngành phải cùng với DN xây dựng chiến lược mới, chuyển đổi sản xuất kinh doanh. Theo đó, lĩnh vực nào trụ được thì hỗ trợ, tìm giải pháp để phát triển, lĩnh vực nào không trụ được nữa thì giải tán hoặc chuyển đổi.

Trong năm 2021, thị trường lao động Việt Nam vẫn sẽ phụ thuộc rất lớn vào tình hình dịch  COVID-19, bản thân người lao động để thích nghi với những thay đổi trong thị trường lao động cần tiếp tục nâng cao kiến thức chuyên môn, đặc biệt là thích ứng với những yêu cầu công việc mới trong mọi tình huống, bổ sung kỹ năng để sẵn sàng dịch chuyển việc làm.

Ý kiến của bạn
Hà Nội: Sau 10 năm, thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 3 lần Hà Nội: Sau 10 năm, thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 3 lần

Theo Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân đầu người của người Hà Nội năm 2010 đạt khoảng 2 triệu đồng/tháng thì đến năm 2022 đạt 6,4 triệu đồng/tháng, tăng gấp 3 lần sau hơn 10 năm.