Giải pháp tài khóa kịp thời tăng cơ hội cho doanh nghiệp
Với sự nỗ lực của các bộ, ngành, trong đó có Bộ Tài chính, việc chi tiết thực hiện các gói hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế đã sớm được xác định. Bộ Tài chính đã thực hiện quan điểm hỗ trợ tài khóa không nhất thiết là tăng chi hỗ trợ, mà ưu tiên giảm chi phí như giảm thuế, phí (giảm thuế giá trị gia tăng, giảm các loại thuế, phí đối với xăng, dầu...).
Cuối năm 2022, Bộ Tài chính đã có những gói tài khóa khác nhau để ứng phó với diễn biến sắp tới. Bộ Tài chính đã xác định sẽ tiếp tục đề xuất giãn, hoãn một số khoản thuế và phí. Trên cơ sở đó sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn về dòng tiền, về thanh khoản. Ngoài ra, Bộ Tài chính đã lên các phương án về thuế, phí, lệ phí, giảm tiền thuê đất, duy trì việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, tạo dư địa trong điều hành lạm phát.
Ngành xây dựng và bất động sản gặp nhiều khó khăn.
Năm 2023, Bộ Tài chính tiếp tục tung ra hàng loạt các chính sách về giãn, giảm tiền thuế, tiền thuê đất, nhiều khoản phí, lệ phí... để thúc đẩy, hỗ trợ nền kinh tế cho doanh nghiệp và người dân. Khi cần kiểm soát lạm phát, Chính phủ đã thực hiện nhiều giải pháp về chính sách tiền tệ để giữ lạm phát trong mức mục tiêu. Đồng thời, tăng cường, mở rộng đầu tư công, tập trung vào cơ sở hạ tầng, các công trình trọng điểm. Cùng với đó, phải tập trung cho công tác phòng, chống dịch.
Là cơ quan tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội, cho Đảng về chính sách tài khóa, thời gian qua, Bộ Tài chính đã kiên định thực hiện chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt, hiệu quả. Số tiền giãn, giảm thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất lên đến gần 500.000 tỷ đồng là số tiền rất lớn, chưa từng có trong tiền lệ. Nhờ gói kích thích này đã góp phần quan trọng giúp kinh tế phục hồi, được coi là điểm tựa, là bệ đỡ để thực hiện nhiều chính sách vĩ mô quan trọng. Dư địa chính sách tài khóa hiện nay cũng chính là không gian để Chính phủ tiếp tục đề xuất, ban hành các chính sách hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp.
Ảnh minh họa.
Về tình hình thực hiện các nhiệm vụ tài chính - ngân sách Nhà nước năm 2023, Bộ Tài chính vẫn tiếp tục thực thi các giải pháp để bảo đảm thu đúng, thu đủ và đạt được các mục tiêu của chính sách tài khóa. Đồng thời, chú trọng việc phối hợp đồng bộ với các chính sách vĩ mô, đặc biệt là chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ.
Tuy nhiên, trong bối cảnh giảm thuế, làm thế nào để cân đối được tài khóa, đảm bảo các nhiệm vụ chi và hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách - đó là nhiệm vụ nặng nề đối với ngành Tài chính.
Tại Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 2 của Chính phủ, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương điều hành chính sách tài khóa chủ động, có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm hiệu quả, tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần giảm bớt áp lực chi phí đầu vào, giảm giá đầu ra để kiểm soát lạm phát, tạo điều kiện cho chính sách tiền tệ có thể điều hành tín dụng, lãi suất ở mức hợp lý, thuận lợi cho đầu tư, sản xuất kinh doanh.
Về công tác quản lý thu ngân sách nhà nước, tiếp tục tăng cường chống thất thu, trốn thuế, đặc biệt là nguồn thu từ các hoạt động thương mại điện tử, hoạt động kinh tế phát sinh từ nền kinh tế số, nguồn thu từ tài sản, kinh doanh bất động sản, đẩy mạnh hiện đại hóa công tác quản lý thuế gắn với cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, tạo thuận lợi cho người nộp thuế. Cùng với đó, tiếp tục triển khai điện tử hóa, số hóa các khâu trong công tác quản lý thuế...
Bộ Tài chính luôn bám sát diễn biến, tình hình giá cả thị trường, chủ trì, phối hợp cùng với các bộ, cơ quan liên quan thực hiện các biện pháp quản lý, điều hành giá linh hoạt, thận trọng, kịp thời, hiệu quả theo thẩm quyền và quy định hiện hành, bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của nhân dân.
Hà LoanSáng 21/01, Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị đã tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.