Giải pháp ứng phó thiên tai trước những diễn biến thời tiết phức tạp

Sự kiện
12:44 PM 19/08/2020

Theo Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), từ đầu năm 2020 đến nay, trên cả nước đã xảy 16 loại hình thiên tai. Trong đó, gồm: 186 trận dông, lốc, mưa lớn trên 43 tỉnh, thành phố; tình hình mưa đá và dông lốc đặc biệt bất thường, kéo dài và trên diện rộng.

Theo Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), từ đầu năm 2020 đến nay, trên cả nước đã xảy 16 loại hình thiên tai. Trong đó, gồm: 186 trận dông, lốc, mưa lớn trên 43 tỉnh, thành phố; tình hình mưa đá và dông lốc đặc biệt bất thường, kéo dài và trên diện rộng tại các tỉnh miền núi phía Bắc; 1 cơn bão trên Biển Đông. Đồng thời, hạn hán, xâm nhập mặn ở mốc cao trong lịch sử; 31 vụ sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún đê biển tại Đồng bằng sông Cửu Long…

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia dự báo trong năm 2020, xuất hiện khoảng 11-13 cơn bão, áp thấp nhiệt đới, trong đó có khoảng 5 - 6 cơn đổ bộ vào đất liền. Bão muộn, cường độ lớn, dịch chuyển vào phía Nam là khu vực có cơ sở hạ tầng và kinh nghiệm phòng, chống bão hạn chế; nhiều công trình phòng, chống thiên tai như đê điều, hồ đập xuống cấp... Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Đồng bằng Bắc Bộ, trong mùa mưa bão 2020, khu vực Đồng bằng Bắc Bộ (bao gồm cả Hà Nội) có khả năng chịu ảnh hưởng của 1 - 2 cơn bão, áp thấp nhiệt đới, lượng mưa trong mùa lũ từ 1.300 - 1.600mm.

Giải pháp ứng phó thiên tai trước những diễn biến thời tiết phức tạp - Ảnh 1.

Cán bộ và nhân dân địa phương góp phần tham gia vào công tác phòng chống thiên tai. Ảnh minh họa.

Để chủ động ứng phó với diễn biến phức tạp của thời tiết, ngày 2/7, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài yêu cầu Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia thường xuyên cung cấp bản tin nhận định sâu hơn, sát thực tế làm cơ sở nhằm phục vụ tốt công tác chỉ đạo điều hành của các cơ quan liên quan. Tổng cục Phòng chống thiên tai đã chủ động, quyết liệt chỉ đạo các địa phương nghiêm túc triển khai nhanh chóng, hiệu quả một số các biện pháp, ứng phó, khắc phục hậu quả trước những thiên tai.

Công tác ứng dụng khoa học công nghệ trong phòng, chống và quản lý rủi ro thiên tai tiếp tục được triển khai trong hầu hết các lĩnh vực. Công tác xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia phục vụ quản lý, giám sát chất lượng được rà soát điều chỉnh bổ sung. Đồng thời, đã trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ban hành việc chấp thuận áp dụng tiêu chuẩn nước ngoài đối với công trình phòng, chống lũ bùn đá, gỗ trôi của Nhật. Hiện nay, toàn ngành đã xây dựng được cơ sở dữ liệu và hệ thống công cụ hỗ trợ ra quyết định phòng, chống thiên tai như: Bản đồ theo dõi bão, áp thấp nhiệt đới, bản đồ sạt lở, hệ thống giám sát thiên tai Việt Nam... Cùng với đó, lắp đặt camera ở các vị trí xung yếu, kết nối camera giám sát các hồ chứa thủy lợi, thủy điện lớn. Tích hợp các khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão trên cả nước; hơn 1.789 trạm đo mưa tự động cảnh báo mưa theo ngưỡng và theo thời gian thực. Các bộ, ngành và cơ quan liên quan có trách nhiệm tổng kiểm tra toàn bộ vật tư, lực lượng, máy móc, thiết bị để luôn sẵn sàng, không bất ngờ khi có tình huống thiên tai xảy ra, rà soát tất cả các tuyến đê từ cấp III, đồng thời đưa ra các phương án ứng phó trọng điểm tại các tuyến đê xung yếu...

Đặc biệt, trong công tác quản lý đê điều, Tổng cục Phòng chống thiên tai đã hướng dẫn các địa phương đánh giá hiện trạng công trình trước lũ năm 2020. Tổ chức họp trực tuyến để các địa phương báo cáo đánh giá hiện trạng và phương án bảo vệ.

Trên cơ sở nhận định tình hình, Tổng cục Phòng chống thiên tai cho biết, nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt, hàng đầu trong 6 tháng cuối năm 2020 là đảm bảo an toàn ở mức cao cho hệ thống đê điều trong mùa mưa bão. Đồng thời, theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình diễn biến của thiên tai, nhất là lũ quét, sạt lở đất khu vực miền núi, mưa lũ lớn, bão mạnh; bảo vệ công trình đê điều, hồ đập xung yếu. Tham mưu kịp thời, chính xác cho Ban Chỉ đạo để chỉ đạo các địa phương, Bộ, ngành chuẩn bị phương án, sẵn sàng ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai kịp thời, hiệu quả. Trong đó, về công tác đê điều, sẵn sàng các phương án, kịch bản ứng phó với lũ lớn. Tăng cường chỉ đạo, giám sát các địa phương đẩy nhanh tiến độ duy tu bảo dưỡng đê; đánh giá hiện trạng và xác định các trọng điểm xung yếu.

Để triển khai công tác phòng, chống thiên tai hiệu quả, Tổng cục Phòng chống thiên tai kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các đơn vị liên quan trực thuộc Bộ cung cấp các cơ sở dữ liệu để đảm bảo an toàn cho hệ thống hồ đập, điều chỉnh cơ cấu mùa vụ phù hợp… Bố trí nguồn vốn trung hạn để nâng cấp các vị trí đê điều xung yếu. Tăng cường đầu tư nâng cấp cơ sở dữ liệu, trang thiết bị chuyên dùng thiết yếu phục vụ cho Ban Chỉ đạo thực thi chỉ đạo điều hành phòng, chống thiên tai.

Các tỉnh, thành phố chỉ đạo các sở ngành, địa phương rà soát, điều chỉnh bổ sung kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, bảo đảm sát thực tế, phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả các sự cố. Đồng thời, thực hiện nghiêm túc công tác phòng, chống thiên tai theo phương châm 4 tại chỗ, bảo đảm tính khả thi trong tổ chức thực hiện.

Để bảo đảm công tác phòng, chống thiên tai năm 2020 và những năm tiếp theo, việc tiếp tục nâng cấp cơ sở hạ tầng là cần thiết. Theo đó, các Sở NN&PTNT chủ động đề xuất Bộ NN&PTNT hỗ trợ kinh phí thực hiện các dự án cấp bách để phục vụ công tác tu sửa, gia cố hệ thống đê điều, cửa sông nhằm điều tiết các đoạn cửa sông để khống chế, ổn định tỷ lệ phân lưu mùa lũ, nâng cấp các tuyến đê hiện chưa bảo đảm mặt cắt thiết kế (đê thấp, mảnh) theo Quyết định số 1821/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Để giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước, nhân dân, các địa phương cần ưu tiên tập trung sửa chữa, cải tạo, gia cố mặt đê, bảo đảm giao thông thông suốt, sẵn sàng phục vụ ứng cứu, hộ đê; khẩn trương tu sửa, bổ sung cột mốc, biển báo, điếm canh đê; phát quang mái đê, chân đê để phục vụ tuần tra canh gác trong mùa mưa lũ. Đồng thời, đẩy mạnh việc trồng tre chắn sóng, tăng cường tuần tra nhằm kịp thời phát hiện, xử lý các sự cố về đê khi mùa mưa bão năm 2020 có những diễn biến phức tạp.

Hoàng Chiến
Ý kiến của bạn
Kết hợp VNeID với iHanoi: Bước tiến đột phá trong triển khai Đề án 06 Kết hợp VNeID với iHanoi: Bước tiến đột phá trong triển khai Đề án 06

Từ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.