Giải phóng mặt bằng phục vụ dự án Khu Công nghiệp Yên Phong II - phân khu B: Dân chưa đồng thuận

Từ một bản báo cáo chứa đựng nhiều dấu hiệu nghi vấn của xã Tam Giang, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh về việc giải phóng mặt bằng phục vụ dự án Khu Công nghiệp Yên Phong II - phân khu B cho thấy: Dân chưa đồng thuận không phải là không có cơ sở.

Giải phóng mặt bằng phục vụ dự án Khu Công nghiệp Yên Phong II - phân khu B: Dân chưa đồng thuận - Ảnh 1.

Một phần khu nghĩa trang của thôn Như Nguyệt trong diện bị thu hồi, giải phóng mặt bằng cho dự án.

Dự án Khu Công nghiệp Yên Phong II - phân khu B (Bắc Ninh) có quy mô sử dụng đất hơn 282 ha, trong dó, diện tích KCN khoảng 273 ha và tổng vốn đầu tư gần 2.359 tỷ đồng. Dự án đã được UBND tỉnh Bắc Ninh phê duyệt tại Quyết định số 848/QĐ-UBND ngày 13/12/2019. Trước đó, căn cứ Quyết định số 66/QĐ-TTg ngày 15/1/2019 của Thủ tướng phê duyệt chủ trương dự án, Công ty VSIP Bắc Ninh đã tổ chức lập đồ án quy hoạch tỷ lệ 1/2000. Trong phạm vi quy hoạch này, có khoảng 20 khu vực có mồ mả, do đó, trong đồ án đã quy hoạch 3 nghĩa trang tập trung, trong đó có 1 khu nghĩa trang của thôn Như Nguyệt và thôn Nguyệt Cầu, có quy mô 4,2 ha.

Từ bản báo cáo đầy dấu hiệu nghi vấn của xã Tam Giang...

Theo báo cáo số 08/BC-UBND của UBND xã Tam Giang, được lập ngày 7/2/2019 gửi Sở Xây dựng tỉnh Bắc Ninh được ông Kiều Văn Hưng, do cán bộ địa chính xã này cung cấp cho phóng viên theo sự uỷ quyền của Chủ tịch UBND xã Lê Đắc Khanh cung cấp cho phóng viên, ngày 13/3/2019, cấp chính quyền này đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến cộng đồng dân cư. Tham dự cuộc họp có thường trực Đảng, HĐND, UBND, UBMTTQ và các trưởng, phó các ngành, đoàn thế xã, thôn...đó, hội nghị đã "cơ bản đồng thuận" với phương án quy hoạch mà chủ đầu tư và đơn vị tư vấn trình bày. Cuối năm 2019, (từ ngày 22/11-12/12), UBND xã này phối hợp với Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Bắc Ninh đã tiến hành kiểm đếm số lượng, đo đạc kích thước mồ mả tại cánh đồng Gò Cây Sữa, thôn Như Nguyệt. Có tổng số 106 ngôi mộ thuộc 46 hộ gia đình. Vậy mà cũng chính bản báo cáo nói trên lại cho hay, tính đến đầu năm 16/1/2019, "đã có 28/46 hộ nhận tiền bồi thường hỗ trợ di chuyển mồ mả cho 67/106 ngôi mộ" tại xứ đồng nói trên. Bản báo này còn cho biết, "hiện nay (tức thời điểm báo cáo ngày 7/2/2019 - thời điểm chưa được kiểm đếm), có 5 ngôi mộ được di chuyển khỏi đây (???).

Đối với nội dung báo cáo về việc di dời khu nghĩa trang tập trung thôn Như Nguyệt và thôn Nguyệt Cầu cũng vậy, có thể dễ dàng nhận thấy sự vô lý tương tự về trình tự thời gian ở đây. Khu nghĩa trang này có khoảng 4,2 ha, theo báo cáo của UBND xã Tam Giang, đã được kiểm đếm trên thực địa từ ngày 30/10/2019 đến ngày 15/11/2019, công khai phương án bồi thường hỗ trợ  từ ngày 28/11/2019 đến ngày 18/12/2019, để rồi, ngược thời gian, bản báo cáo này cho biết, tính đến ngày 16/1/2019, "đã có 212/212 hộ đã nhận tiền bồi thường hỗ trợ, đạt 100%".

Như vậy, bản báo cáo này có đáng tin cậy không?

... Đến kết luận chắc như đinh đóng cột của Sở xây dựng (!?)

Mặc dù như phân tích ở trên, bản báo cáo số 08/BC-UBND của UBND Tam Giang chứa đầy những dấu hiệu nghi vấn nói trên, nhưng Sở Xây dựng tỉnh Bắc Ninh vẫn căn cứ vào đó soạn thảo văn bản số 397/SXD-Ttra ngày 24/2/2020 trả lời đơn kiến nghị của một số công dân thôn Như Nguyệt, xã Tam Giang, huyện Yên Phong. Sở  khẳng định: Việc quy hoạch nghĩa trang tập trung đã được UBND xã "tổ chức lấy ý kiến công khai , dân chủ tại các hội nghị... và được đa số nhân dân trong xã đồng thuận, thực tế đã có trên 60% sô hộ có mộ ở đây nhận tiền giải phóng mặt bằng". Từ đó, sở này kết luận: "Vì vậy, kiến nghị không di dời, giữ nguyên khu đất nghĩa trang cánh đồng Gò Cây Sữa là không phù hợp với nguyện vọng của đa số nhân dân thôn Như Nguyệt và Nguyệt Cầu cũng như nhân dân xã Tam Giang".

Còn đó, nỗi bức xúc trong dân

Một ngày cuối tháng 7/2020, chúng tôi, những người làm báo có dịp tiếp xúc với hàng chục hộ dân hai thôn Như Nguyệt và Nguyệt Cầu, xã Tam Giang, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh có những phần mộ cha ông bị quy hoạch phải di dời nhường chỗ cho dự án KCN VSIP Bắc Ninh II. Tại đây, ông Nguyễn Ngọc Quang, một trong những người đứng đơn khiếu kiện trong vụ này, thay mặt bà con rất bức xúc khẳng định: "Chúng tôi không ai được cấp nào cung cấp hay phổ biến bất kỳ văn bản pháp lý nào về việc di dời mồ mả, thu hồi đất cho dự án VSIP này. Họp hành cũng chẳng thấy đâu. Trong khi đó, cán bộ trên huyện về doạ dân: Nếu ai không nhận tiền đền bù, sẽ gửi tiền vào kho bạc(!?)".

Theo ông Quang, "Nếu có các dự án về đây thúc đẩy  phát triển kinh tế xã hội, đương nhiên dân chúng tôi ủng hộ. Tuy nhiên, mồ mả tổ tiên chúng tôi được chôn ở đây từ hàng cục năm, có ngôi đến hàng trăm năm, không phải chúng tôi duy tâm nhưng, các cụ ta từ xưa đã có câu: "Sống vì mồ vì mả, chứ đâu phải sống vì cả bát cơm". Vậy mà nay, chẳng biết các vị doanh nghiệp ấy vì lợi lộc gì lại cứ phải động chạm đến mồ yên mả đẹp nhà chúng tôi. Cả mộ liêt sĩ như mộ của một cụ nhà ông Nguyễn Văn Tuấn, mất từ năm 1953 trong khi tham gia đánh Pháp, họ cũng "không tha". Lấy dân làm gốc ở đâu khi chúng tôi không được bàn bạc cùng các cấp chính quyền giải quyết thoả đáng trong vụ việc này?".

Bà Chu Thị Loan, cũng sinh sống ở đây và có nhiều phần mộ cha ông trong diện phải di dời đợt này cho biết: Cho đến nay, các hộ có mộ trong khu nghĩa trang Gò Cây Sữa chưa ai nhận tiền bồi thường.

Trả lời đại diện một số hộ dân thôn Như Nguyệt, xã Tam Giang, huyện Yên Phong, tỉnh bắc Ninh về vụ việc này, Phó Tổng giám đốc Công ty VSIP Bắc Ninh Bùi Đăng Thoan bày tỏ quan điểm: Với phương châm xây dựng KCN trở thành đồng bộ, thân thiện với môi trường, góp phần thúc đẩy phát triển kinh  tế - xã hội của địa phương và nâng cao đời sống nhân dân, công ty mong muốn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ và đồng thuận của nhân dân địa phương để dự án sớm được triển khai đi vào hoạt động.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại một cuộc họp từ cách đây nhiều năm về những vấn đề tồn đọng khiếu nại tố cáo đã từng chỉ đạo: Việc thu hồi đất làm dự án phải giải quyết hài hoà được 3 lợi ích: Lợi ích nhà nước, lợi ích doanh nghiệp và lợi ích nhân dân. Có như vậy dân mới yên, mới đồng thuận với các bên, bớt khiếu kiện. Mong rằng các cấp chính quyền tỉnh Bắc Ninh làm rõ vụ việc, cân nhắc thêm về quy hoạch dự án Khu Công nghiệp Yên Phong II - phân khu B sao cho đảm bảo hài hoà ba lợi ích như chỉ đạo của Thủ tướng.

Trần Ngọc Kha
Ý kiến của bạn
Hà Nội đứng thứ 2 về chỉ số thương mại điện tử Hà Nội đứng thứ 2 về chỉ số thương mại điện tử

Theo Báo cáo chỉ số thương mại điện tử 2024, thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục dẫn đầu xếp hạng với 87 điểm. Đứng thứ hai là Hà Nội với 84,3 điểm, đứng thứ ba là Bình Dương với 51,3 điểm.