Giải quyết vướng mắc trong việc xác định tranh chấp dân sự hay kinh doanh thương mại

Đời sống
10:03 AM 06/06/2020

Tòa án phải dựa vào yêu cầu cụ thể của người khởi kiện để xác định quan hệ pháp luật mà đương sự tranh chấp để giải quyết vụ án dân sự và vụ án kinh doanh thương mại.

Tòa án đối chiếu với các quy định về thẩm quyền của Bộ luật Tố tụng dân sự để xác định yêu cầu khởi kiện của đương sự có thuộc thẩm quyền của Tòa án hay không. Việc xác định quan hệ pháp luật tranh chấp còn có ý nghĩa quan trọng trong việc áp dụng pháp luật nội dung (điều chỉnh quyền và nghĩa vụ giữa các bên) trong việc giải quyết yêu cầu của đương sự.

Việc thụ lý, giải quyết vụ án tranh chấp hợp đồng sử dụng đất cho thấy:

- Đối với trường hợp việc ký kết hợp đồng thuê quyền sử dụng đất giữa cá nhân, hộ gia đình không có đăng ký kinh doanh với cá nhân, hộ gia đình, tổ chức có đăng ký kinh doanh thì Tòa án xác định và thụ lý vụ kiện là vụ án dân sự.

- Đối với trường hợp ký kết hợp đồng thuê quyền sử dụng đất giữa tổ chức không có đăng ký kinh doanh với cá nhân, hộ gia đình, tổ chức có đăng ký kinh doanh thì xác định và thụ lý vụ kiện là vụ án kinh doanh thương mại.

Tranh chấp hợp đồng thuê quyền sử dụng đất giữa tổ chức không có đăng ký kinh doanh với cá nhân, hộ gia đình, tổ chức có đăng ký kinh doanh là tranh chấp về kinh doanh thương mại hay tranh chấp dân sự theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015. Việc xác định quan hệ tranh chấp rõ ràng tạo điều kiện cho việc giải quyết vụ án được chính xác, đúng theo các quy định của pháp luật. Các quy định của pháp luật đối với hai loại tranh chấp về dân sự và kinh doanh thương mại là khác nhau, khác về thời hạn giải quyết, khác về điều luật, văn bản quy phạm pháp luật áp dụng giải quyết vụ án.

Cần thống nhất quan điểm quan hệ tranh chấp hợp đồng hợp đồng thuê quyền sử dụng đất giữa tổ chức với cá nhân, hộ gia đình có đăng ký kinh doanh định là tranh chấp dân sự thuộc quy định tại khoản 3, điều 26 Bộ luật tố tụng dân sự 2015. Vì những lý do sau:

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 30 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định những tranh chấp về kinh doanh thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án:

“1. Tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh, thương mại giữa cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh với nhau và đều có mục đích lợi nhuận”.

Tại Khoản 1 Điều 6 Luật thương mại, quy định: “Thương nhân bao gồm tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp, cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có đăng ký kinh doanh”.

Như vậy, hoạt động thương mại điều chỉnh bởi Luật Thương mại phải là các tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp, cá nhân có đăng ký kinh doanh.

Theo quy định tại Nghị quyết 03/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân Tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ nhất “Những quy định chung “của Bộ luật Tố tụng dân sự sửa đổi bổ sung năm 2011 quy định:

“Khoản 1, điều 6 quy định “Cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh là cá nhân, tổ chức đã được các cơ quan có thẩm quyền đăng ký kinh doanh cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật, cụ thể như sau:

a) Cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác (theo Bộ luật dân sự năm 2005, Luật Thương mại và các văn bản quy phạm pháp luật khác về đăng ký kinh doanh);

...

d) Cá nhân, tổ chức khác theo quy định của pháp luật về đăng ký kinh doanh.”

Nội dung trên đã chứng minh, tranh chấp về kinh doanh thương mại quy định tại Khoản 1 Điều 30 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì: Tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh, thương mại giữa cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh và đều có mục đích lợi nhuận. Trong trường hợp tranh chấp xảy ra mà một trong các bên là tổ chức, cá nhân mặc dù có mục đích lợi nhuận nhưng không có đăng ký kinh doanh thì cũng không thỏa mãn điều kiện quy định về tranh chấp kinh doanh thương mại theo quy định tại Khoản 1 Điều 30 Bộ luật tố tụng dân sự 2015.

 

Luật gia ĐỖ MINH CHÁNH
Ý kiến của bạn