Giám đốc Hợp danh McKinsey Việt Nam: Khoảng 12% lao động châu Á phải chuyển việc vì Covid-19

Đầu tư và Tiếp thị
02:40 PM 25/05/2021

Những người lao động có mức lương thấp bị ảnh hưởng nặng nề hơn cả. Tại Ấn Độ, nghiên cứu của McKinsey cho thấy tỷ lệ các công việc được trả lương thấp nhất tên thị trường lao động sẽ giảm 6 điểm phần trăm vào năm 2030, trong khi các công việc được trả lương cao nhất sẽ tiếp tục tăng.

Giám đốc Hợp danh McKinsey Việt Nam, ông Bruce Delteil cho hay, các quốc gia trên toàn cầu đang đối mặt với những giai đoạn khác nhau trong cuộc khủng hoảng Covid-19, bất chấp việc một số quốc gia đã triển khai tiêm vaccine và có khả năng giảm thiểu tác động đối với lực lượng lao động.

Nghiên cứu mới nhất của McKinsey cho thấy, một số xu hướng do đại dịch thúc đẩy có thể tiếp tục thay đổi trong nhiều năm tới.

Đại dịch đã thúc đẩy các doanh nghiệp và người tiêu dùng nhanh chóng áp dụng 3 xu hướng mới trong xã hội: làm việc từ xa, thương mại điện tử và tự động hóa. Theo thống kê của McKinsey, hơn 100 triệu công nhân tại các nền kinh tế phát triển, hoặc hơn 25% số công nhân cho biết họ sẽ chuyển việc so với giai đoạn trước Covid-19.

Tuy nhiên, tác động của đại dịch Covid-19 đối với công việc tương lai có thể khác tại một số quốc gia khu vực châu Á.

Nhiều nền kinh tế châu Á đang tập trung phát triển các ngành dịch vụ, do đó các công việc liên quan đến tương tác trực tiếp đang trở nên ngày càng phổ biến. Song, đại dịch Covid-19 xuất hiện đã tác động đặc biệt nghiêm trọng đến những công việc này, chẳng hạn như bồi bàn, nhân viên cửa hàng hay lễ tân. Kết quả là, các công việc này có khả năng chứng kiến sự gia tăng nhanh chóng trong việc áp dụng tự động hóa và trí tuệ nhân tạo (AI).

Tin tốt là công cuộc số hóa cũng đã tạo ra việc làm mới như giao hàng, vận chuyển và kho bãi. Trong khi số lượng công nhân lĩnh vực sản xuất và chế tạo giảm đi tại Trung Quốc do đại dịch, thì thương mại điện tử đã tạo ra số lượng đáng kể việc làm trong lĩnh vực giao hàng.

Trong nửa đầu năm 2020, chỉ 4 công ty thương mại điện tử và chuyển phát của Trung Quốc đã tạo ra 5,1 triệu việc làm mới, nhiều nhân viên trước đó là công nhân tại các nhà máy và chủ doanh nghiệp nhỏ.

McKinsey ước tính, khoảng 12% lao động tại châu Á đã phải dịch chuyển việc làm do tác động của Covid-19, hoặc gần một nửa so với mức tăng tại các nền kinh tế phát triển.

Trong số đó, những người lao động có mức lương thấp bị ảnh hưởng nặng nề hơn cả. Tại Ấn Độ, nghiên cứu của McKinsey cho thấy tỷ lệ các công việc được trả lương thấp nhất trên thị trường lao động sẽ giảm 6 điểm phần trăm vào năm 2030, trong khi các công việc được trả lương cao nhất, chẳng hạn như chăm sóc sức khỏe, kỹ thuật và khoa học, sẽ tiếp tục tăng.

Sau đại dịch, những công việc thuộc nhóm 30% có mức lương cao nhất, chẳng hạn như những công việc trong ngành y tế hay STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) sẽ tiếp tục phát triển.

Một báo cáo khác của McKinsey được công bố vào tháng 1/2021 cho thấy, Trung Quốc lên kế hoạch mở rộng phạm vi các chương trình đào tạo gấp 3 lần nhằm đảm bảo người lao động phát triển kỹ năng cần thiết cho công việc hiện tai.

Các chương trình đào tạo cho người lao động ngày càng quan trọng, đặc biệt trước tốc độ thay đổi của công nghệ. Tại Đông Nam Á, các quốc gia đang triển khai một loạt chương trình nâng cao năng lực nhằm vào người lao động lớn tuổi.

Việt Nam cũng đã có các chương trình cải cách giáo dục với sự hợp tác giữa các bên trong khu vực công và tư, trong đó có chương trình đào tạo 23.000 lao động trẻ do Bộ Giáo dục và Đào tạo, UNICEF Việt Nam và Trung tâm Sáng tạo Sài Gòn thực hiện.

Mặc dù hầu hết các quốc gia châu Á vẫn đang đối mặt với những bất ổn, nhưng các nhà lãnh đạo trong khu vực có thể giảm thiểu tác động trong nước bằng những chương trình đào tạo, nâng cao trình độ cho lực lượng lao động dễ bị tổn thương nhất.

Hà Trần
Ý kiến của bạn
Standard Chartered: Kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,8% năm 2024 Standard Chartered: Kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,8% năm 2024

Trong báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam, Standard Chartered dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức vừa phải, lãi suất được duy trì ở mức thấp. GDP của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng ở mức 6,8% năm 2024, nhờ xuất khẩu và công nghiệp giữ đà tích cực.