Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau Trần Hiếu Hùng: “Du lịch Cà Mau, cứ đi rồi thành đường!”
Hai năm gần đây, Cà Mau liên tiếp tổ chức các sự kiện lớn để vực dậy ngành du lịch. Cùng với chiến lược xây dựng bài bản, du lịch Cà Mau từng bước gặt hái thành công và trở thành "hiện tượng" của vùng miền Tây sông nước. Trước thềm năm mới, Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị có cuộc phỏng vấn ông Trần Hiếu Hùng xung quanh vấn đề này.
Phóng viên: Du lịch Cà Mau dường như rất vội vã tìm cách bứt phá. Liên tiếp các sự kiện lớn được tổ chức như Lễ hội Cua Cà Mau, Festival Tôm Cà Mau… thu hút hàng triệu khách du lịch đến. Các sự kiện này đều nằm trong chuỗi hoạt động thuộc Đề án xúc tiến du lịch mà ngành này đưa ra hồi đầu năm 2023. Xin ông cho biết cụ thể hơn về đề án này?
Ông Trần Hiếu Hùng: Ngày hội Cua Cà Mau lần thứ I năm 2022 và Festival Tôm Cà Mau và Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP vùng Đồng bằng sông Cửu Long là các sự kiện thuộc Chương trình sự kiện "Cà Mau - Điểm đến" của tỉnh. Ngoài hai sự kiện này, Chương trình Cà Mau - Điểm đến hàng năm còn tổ chức chuỗi các hoạt động, sự kiện đặc trưng và nổi bật của tỉnh Cà Mau như: sự kiện Hương rừng U Minh, Giải Marathon Cà Mau, Lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc, Lễ Tri ân Quốc Tổ, Ngày hội Bánh Dân gian Nam Bộ…
Nhờ Chương trình "Cà Mau - Điểm đến", ngành du lịch của tỉnh đã có bước chuyển biến lớn trong việc tạo ra thương hiệu, hình ảnh riêng mang đặc trưng của vùng đất, con người Cà Mau; đặc biệt nâng cao ý thức của các cấp, các ngành và người dân địa phương trong tổ chức kinh doanh du lịch, quảng bá xúc tiến du lịch tại địa phương. Chương trình được đánh giá là hoạt động quảng bá xúc tiến du lịch hiệu quả có tính chất ổn định, phát triển lâu dài, thu hút sự quan tâm, tìm hiểu tham gia của khách du lịch và các công ty lữ hành xây dựng tour kết nối hàng năm vào dịp tổ chức các sự kiện. Riêng Chương trình Cà Mau - Điểm đến năm 2023 đã thu hút hơn 213.000 lượt khách, tổng thu hơn 230 tỷ đồng.
Phóng viên: Cà Mau đang hướng ra bên ngoài để thu hút du khách và đã thành công trong hoạt động liên kết với các tỉnh thành để phát triển du lịch. Xin ông cho biết, đến thời điểm hiện nay, Cà Mau đã liên kết với các tỉnh, thành nào? Hiệu quả liên kết ra sao?
Ông Trần Hiếu Hùng: Ngày 10/12 vừa qua, UBND tỉnh Cà Mau và UBND thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp tổ chức Hội nghị tổng kết Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL năm 2023. Đây là hoạt động thường niên và luân phiên nhằm tổng kết những kết quả đạt được trong công tác liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa các địa phương.
Trong thời gian qua, công tác phối hợp triển khai các nội dung hợp tác phát triển du lịch giữa các cơ quan quản lý du lịch trực thuộc 14 địa phương luôn thuận lợi, nhiều nội dung cụ thể trong thỏa thuận hợp tác đa phương đã được phối hợp triển khai thực hiện, góp phần thúc đẩy du lịch vùng chuyển biến tích cực, thu hút được dự tham gia hưởng ứng tích cực của cộng đồng doanh nghiệp, Hiệp hội du lịch và tạo ra những giá trị khác biệt để du khách và người dân của 14 địa phương thụ hưởng.
Ngoài chương trình liên kết trên, hiện nay ngành du lịch của tỉnh còn ký kết hợp tác phát triển với các địa phương trong nước như: TP Hà Nội, tỉnh Ninh Bình, tỉnh Bạc Liêu và Chương trình liên kết phát triển Cụm phía Tây ĐBSCL. Đối với các thỏa thuận, hợp tác quốc tế, ngành du lịch Cà Mau cũng đã thực hiện ký kết bản ghi nhớ hợp tác phát triển du lịch với tỉnh Khăm Muồn (CHDCND Lào) và tỉnh Trat (Thái Lan).
Nhìn chung, công tác triển khai các nội dung hợp tác, liên kết phát triển du lịch với các địa phương thời gian quan đều diễn ra thuận lợi và đồng thời triển khai có hiệu quả kế hoạch phục hồi, mở cửa hoạt động du lịch sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Bên cạnh đó, các địa phương không ngừng nâng cao chất lượng và xây dựng sản phẩm du lịch mới đã tạo nên được mối quan hệ chặt chẽ trong công tác quản lý nhà nước cũng như công tác quảng bá, xúc tiến du lịch.
Phóng viên: Làm du lịch chắc chắn là cần nguồn vốn, thậm chí rất nhiều vốn. Hiện nay, nhìn một cách tổng thể, hạ tầng du lịch Cà Mau còn chưa hoàn chỉnh và tự phát. Xin ông cho biết, thực trạng đầu tư hạ tầng du lịch hiện nay? Có những thuận lợi và khó khăn gì trong việc huy động nguồn vốn để phát triển du lịch?
Ông Trần Hiếu Hùng: Công tác quy hoạch, thu hút đầu tư phát triển du lịch đã được tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện từ năm 2000. Đặc biệt, ngày 18/6/2018, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau, tỉnh Cà Mau. Trên cơ sở đó, hiện nay tỉnh đang tập trung triển khai thực hiện các quy hoạch bảo tồn, phát triển Khu du lịch sinh thái rừng ngập mặn Mũi Cà Mau; Khu du lịch sinh thái Vườn quốc gia U Minh hạ; phát triển du lịch Cụm đảo Hòn Khoai; Hòn Đá Bạc, Bãi Khai Long; quy hoạch Đầm Thị Tường; quy hoạch làng nghề; triển khai thực hiện thí điểm Làng Văn hóa Du lịch; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật cần thiết cho ngành du lịch vận hành và phát triển phù hợp với xu thế chung của khu vực và cả nước; trong đó tập trung bảo vệ và tôn tạo tài nguyên môi trường và những giá trị văn hóa - sinh thái đặc thù của tỉnh.
Hoạt động xúc tiến đầu tư của tỉnh thời gian qua tuy có bước cải thiện nhưng kết quả chưa đáp ứng được kỳ vọng của tỉnh. Nguyên nhân là các hoạt động xúc tiến đầu tư còn rời rạc, hình thức mới gọi chưa phong phú... nên chưa thu hút được các nhà đầu tư lớn có tiềm năng. Thêm nữa, việc đề xuất dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn do có sự chồng chéo, chưa đồng bộ giữa các quy hoạch, thiếu quỹ đất sạch. Các doanh nghiệp còn gặp khó khăn, vướng mắc khi thực hiện các thủ tục cho thuê đất và chuyển mục đích sử dụng đất. Mặt khác, vị trí tỉnh Cà Mau nằm cách xa các trung tâm kinh tế của cả nước, nhất là TP Hồ Chí Minh, TP Cần Thơ nên khó khăn trong mời gọi, xúc tiến đầu tư. Ngoài việc áp dụng các chính sách ưu đãi chung, tỉnh chưa xây dựng chính sách ưu đãi đặc thù để khắc phục, bù đắp những bất lợi về vị trí địa lý và điều kiện hạ tầng.
Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục rà soát, điều chỉnh các quy hoạch phù hợp với tình hình thực tế, tạo điều kiện và hỗ trợ tốt nhất cho các doanh nghiệp đầu tư tại các khu, điểm du lịch; đầu tư xây dựng và nâng cấp các tuyến đường giao thông; Đầu tư nâng cấp các điểm do nhà nước quản lý và các hạng mục công trình hạ tầng kỹ thuật chủ yếu tại các điểm du lịch đang khai thác... Ngoài ra, tỉnh cũng đang nghiên cứu xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch để sớm ban hành trong năm 2024, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình tham gia đầu tư phát triển sản phẩm du lịch địa phương.
Cà Mau (Đất Mũi) đó là tuyến dọc, còn tuyến ngang thì tỉnh sẽ đầu tư như đường từ bờ Nam sông Đốc qua Cái Nước, Đầm Dơi, nối với Gành Hào (Bạc Liêu), đường từ ngã ba sông Trẹm về U Minh. Đầu tư có chiến lược trên cơ sở nhận diện được thế mạnh. Trong phiên làm việc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với lãnh đạo tỉnh nhân sự kiện Festival Tôm Cà Mau, Thủ tướng đã chỉ đạo phải quyết tâm đầu tư phát triển hạ tầng du lịch.
Trước mắt, đến cuối năm 2025 phải hoàn thành được sân bay, không phải cải tạo nâng cấp mà xây dựng mới hoàn toàn. Tiếp đó, mở rộng Quốc lộ 1A đoạn từ Sóc Trăng về Cà Mau (Năm Căn), hoàn thành đường cao tốc Cần Thơ về của mình, vừa đầu tư vừa kết nối hạ tầng để tạo điều kiện mời gọi các doanh nghiệp đến xây dựng các KDL mang tính động lực để phát triển.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông đã dành thời gian cho Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị cuộc phỏng vấn này!
Hồng Ân - Văn Dương (thực hiện)Sáng 21/01, Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị đã tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.