Giám đốc Xiaomi Đông Nam Á: Ngôi vương thị trường di động sẽ liên tục thay đổi, đại dịch càng tạo ra nhiều yếu tố bất ngờ
Vươn lên vị trí top 2 doanh số tại thị trường di động Việt Nam trong giai đoạn đại dịch, Xiaomi là cái tên đáng chú ý nhất trong bối cảnh ảm đạm của toàn thị trường.
Theo công ty nghiên cứu thị trường Canalys, trong quý II, Xiaomi vượt mặt Apple để trở thành nhà sản xuất smartphone thứ 2 thế giới với doanh số 49,9 triệu máy, tăng đến 72,9% ngay cả khi phải đối mặt với tình trạng sụt giảm sản xuất.
Ông KM Leong - Giám đốc khu vực Đông Nam Á của Xiaomi đã có những chia sẻ về chiến lược phát triển của hãng tại thị trường Việt Nam.
Thành công của Xiaomi trong quý II đến từ đâu, thưa ông?
Chúng tôi rất vui mừng vì trong quý II vừa qua, Xiaomi đã trở thành thương hiệu smartphone đứng thứ 2 toàn cầu. Tất nhiên, đây sẽ không phải điểm dừng của Xiaomi, với mục tiêu chiếm lĩnh vị trí số 1 ở nhiều thị trường, khu vực, chúng tôi đang cố gắng mỗi ngày để thực hiện được tham vọng này.
Có được thành công này, chắc chắn là nhờ vào sự ủng độ của cộng đồng Xiaomi Fans trên toàn cầu, cũng như các đối tác và các Miers. Ngoài ra, sự mở rộng toàn cầu của Xiaomi cũng như chuyển đổi trong các kênh bán lẻ mới là động lực quan trọng tạo nên sự thành công.
Tuy nhiên, đây cũng là kết quả của cả một chiến lược lâu dài. Trong đó, sự đổi mới đóng vai trò cốt lõi trong văn hoá công ty. Trong 11 năm qua, Xiaomi đã không ngừng đổi mới, sáng tạo, cùng với chiến lược mở rộng phân khúc thị trường cao cấp và liên tục tăng thị phần trong thị trường này.
Về mặt nhân sự, tại mọi cấp độ của công ty, chúng tôi luôn cố gắng tuyển dụng những tài năng trên thị trường. Đầu năm 2021, Xiaomi đã có đợt tuyển dụng kỹ sư lớn nhất trong lịch sử của mình: 5.000 kỹ sư trong một năm, chiếm 20% tổng số nhân viên. Gần 700 kỹ sư trẻ của Xiaomi đã được cấp 16 triệu cổ phiếu trong tháng 7 vừa qua.
Thống kê từ Canalys cho thấy Xiaomi là cái tên có mức tăng trưởng cao nhất trong top 5. Vậy đâu là thị trường tăng trưởng cao nhất của Xiaomi trong quý II?
Trong Quý II/2021, mức tăng trưởng đạt 83% so với cùng kỳ năm ngoái của Xiaomi là nhờ tác động lớn của các thị trường ở bên ngoài Trung Quốc. Các thị trường có lượng máy Xiaomi bán ra cao nhất là khu vực Mỹ Latinh (tăng hơn 300%), khu vực Châu Phi (tăng 150%), khu vực Tây Âu (tăng 50%). Đây là kết quả đến từ 2 thương hiệu điện thoại Xiaomi và Poco.
Canalys nhận định, Xiaomi cần tăng lượng máy bán ra ở phân khúc cao cấp nếu muốn vượt mặt Samsung nhưng kế hoạch này có thể gặp khó vì Oppo, Vivo đang đầu tư mạnh để xây dựng thương hiệu ở phân khúc cao cấp. Ông đánh giá như thế nào về nhận định trên?
Người dùng có xu hướng trải nghiệm di động đang ngày một cao cấp và đòi hiểu nhiều tính năng công nghệ hiện đại, hoàn hảo hơn. Xiaomi luôn phải có những bước đi mới để đa dạng hoá sản phẩm, phù hợp với mọi đối tượng. Đây cũng là tầm nhìn chung cho các sản phẩm công nghệ ở tương lai nên việc Oppo hay Vivo đang đầu tư mạnh về phân khúc này cũng là điều chúng ta có thể hiểu được.
Chuyển sang phân khúc cao cấp không chỉ đơn thuần là chiến lược về giá mà còn cho thấy Xiaomi có niềm tin vào các công nghệ hiện đại của riêng mình. Việc có nhiều đối thủ cạnh tranh trên thị trường sẽ giúp Xiaomi luôn tập trung vào kế hoạch của mình, không để bản thân lơ là một giây phút nào. Đối với Xiaomi, thử thách lớn nhất là phải cố gắng làm sao để đáp ứng được các nhu cầu của người dùng cao cấp, mang đến trải nghiệm tốt với mức giá trung thực.
Quý III/2020, Xiaomi từng vượt qua Apple để vào top 3 thị trường. Thế nhưng đến quý IV/2020, Apple lấy lại vị trí nhờ vào iPhone 12 series. Liệu Xiaomi sẽ bị rớt hạng trong 2 quý cuối năm khi iPhone 13 ra mắt?
Với sự cạnh tranh khốc liệt trong lĩnh vực công nghệ thì việc vị trí thay đổi liên tục là điều rất dễ xảy ra. Chỉ cần qua 1 ngày, 1 tuần hoặc 1 tháng là đã có sự thay đổi trong doanh số, số lượng sản phẩm được sản xuất, tiêu thụ.
Việc thay đổi vị trí còn phụ thuộc vào thời điểm hoặc tùy vào sản phẩm mà thương hiệu ra mắt lúc đó. Nếu một thương hiệu ra mắt sản phẩm key (sản phẩm mà được người dùng trông đợi) ở mỗi phiên bản nâng cấp thì sẽ gặt hái được nhiều quả ngọt sau sự kiện.
Đấy là điều mà Apple đã làm được và thành công trong suốt thời gian dài. Tuy nhiên, Xiaomi cũng rất tự tin vào thương hiệu của mình. Chúng tôi tin vào thị trường đầy tiềm năng, người dùng và các sản phẩm công nghệ, đặc biệt là smartphone. Vì vậy việc tiếp cận được nhiều khách hàng, mang đến trải nghiệm tốt cho Xiaomi Fans là tôn chỉ để chúng tôi theo đuổi.
Xiaomi gia nhập thị trường Việt từ 2017. Ông đánh giá như thế nào về thị trường di động Việt Nam lúc bấy giờ?
Ở thời điểm Xiaomi chính thức gia nhập thị trường Việt Nam năm 2017, thương hiệu đã thu hút khá nhiều sự chú ý của cả giới công nghệ và mảng kinh doanh vì 3 lý do:
Thứ nhất, thị trường lúc đó đang vô cùng sôi động với sự tham gia của nhiều hãng cả trong nước và ngoài nước. Đặc biệt là sự vùng dậy mạnh mẽ của nhiều thương hiệu di động made in Việt Nam như BKAV, Mobiistar, thậm chí sự trở lại của Nokia - huyền thoại một thời.
Thứ hai, sự thống trị gần như tuyệt đối của Samsung và iPhone ở phân khúc tầm trung trở lên. Điều này chứng tỏ thị trường Việt Nam lúc bấy giờ có rất nhiều tiềm năng. Khi điện thoại di động đã trở thành một phần không thể thiếu của gần như mọi nhóm người dùng.
Cuối cùng, sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng của cộng đồng, nhu cầu sử dụng các sản phẩm công nghệ cao tăng cao. Điều này tạo ra cơ hội, thách thức cho tất cả các thương hiệu. Chính sự cạnh tranh khốc liệt đó, khi người tiêu dùng có rất nhiều sự lựa chọn và ngày một khắt khe hơn.
Vậy hiện tại thì sao, thưa ông?
Ngay từ khi mới bắt đầu mở rộng tại thị trường Việt Nam, Xiaomi đã đánh giá rất cao thị trường Việt Nam. Đây luôn là một trong những thị trường quan trọng của Xiaomi ở khu vực. Nhìn chung, các chỉ số tăng trưởng đều rất ấn tượng, dân số đông cùng lớp trẻ năng động, nhiệt huyết sẽ là động lực để phát triển kinh tế.
Đại dịch Covid-19 cũng đã tạo ra nhiều thay đổi cho thị trường và sản phẩm công nghệ không phải ngoại lệ. Trước hết đó là sự đẩy mạnh về hình thức kinh doanh đặt hàng qua mạng. Các khảo sát cho thấy, e-commerce tại Việt Nam trong thời gian vừa qua phát triển rất mạnh, tương tự các thị trường lớn như Trung Quốc hay Ấn Độ.
Tôi cũng tin rằng, thị trường di động sẽ sôi động trở lại ngay khi dịch bệnh có thể được kiểm soát. Đây là động lực cho Xiaomi phải luôn trong tâm thế sẵn sàng, không ngừng nghiên cứu và cho ra mắt những dòng sản phẩm phù hợp với nhu cầu của thị trường, ở từng thời điểm khác nhau.
Vươn lên được thị phần lớn thứ 3 tại Việt Nam, Xiaomi rất tự hào và hạnh phúc. Tuy nhiên, đây vẫn chưa phải là điểm dừng chân mà Xiaomi nhắm đến. Tham vọng của Xiaomi là có thể giành được vị trí số một tại nhiều các quốc gia và khu vực. Xiaomi đang cố gắng từng ngày để biến giấc mơ đó thành hiện thực.
Là một người có nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực di động ở cả Trung Quốc và Việt Nam, theo ông sự giống và khác nhau giữa 2 thị trường này là gì?
Đầu tiên, cả 2 đều là thị trường có số lượng người dùng điện thoại thông minh cao nhất thế giới. Trung Quốc đầu bảng và Việt Nam nằm trong top 10, cùng nhiều quốc gia phát triển khác như Anh, Đức, Nhật Bản.
Bên cạnh đó, nhu cầu sử dụng ứng dụng di động, cũng như các công nghệ mới ở người dùng thuộc nhóm cao, ví dụ gần đây nhất là các dòng điện thoại 5G. Việt Nam cũng là một trong những thị trường nghiên cứu, phát triển và ứng dụng 5G sớm so với nhiều quốc gia khác. Điều này kích thích sự phát triển của thị trường các sản phẩm công nghệ.
Sự khác biệt lớn nhất có lẽ là về hệ thống mạng. Đặc điểm sử dụng riêng của mỗi thị trường mà từ đó, các dòng sản phẩm sẽ có những thay đổi phù hợp. Ví dụ, về phần mềm, tất cả các máy sẽ chạy bản ROM MIUI quốc tế. Nhưng khi về Việt Nam, máy sẽ có ngôn ngữ tiếng Việt, không có ứng dụng Trung Quốc và được cài đặt sẵn Google Play Store.
Bên cạnh đó, ở mỗi thị trường, nhu cầu của người tiêu dùng cũng khác nhau. Với các sản phẩm cao cấp như Mi 11 Ultra, chúng tôi rất muốn người dùng Việt Nam có cơ hội trải nghiệm. Tuy nhiên, Xiaomi phải điều chỉnh lại định hướng để phù hợp với ngân sách của người dùng Việt.
Ngoài smartphone, Xiaomi còn đầu tư phát triển sản phẩm IoT. Mục tiêu của Xiaomi tại thị trường này ra sao?
IoT là hiện tại và là tương lai. Vì vậy, phát triển IoT không nằm ngoài mục tiêu lâu dài của Xiaomi ở tất cả thị trường. Xiaomi là một công ty sản xuất điện tử tiêu dùng thông minh với điện thoại thông minh, phần cứng và nền tảng Internet vạn vật (IoT) làm cốt lõi.
Ngoài thị trường di động thì smarthome và các thiết bị điện tử ngoại vi thông minh tại Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn sơ khởi. Nên nếu việc Xiaomi có thể nắm bắt cơ hội này, cũng như thấu hiểu được tâm lý người tiêu dùng Việt Nam, cộng thêm lợi thế về công nghệ của thương hiệu thì tham vọng này là hoàn toàn khả thi.
Huawei có lợi thế về 5G. Điều này sẽ giúp hãng này chiếm ưu thế trên thị trường IoT. Vậy, thế mạnh của Xiaomi là gì?
Chúng tôi vẫn luôn theo đuổi chiến lược cốt lõi của mình là "Smartphone x IoT", nghĩa là IoT xoay quanh điện thoại thông minh để xây dựng một hệ sinh thái sống thông minh.
Không chỉ nổi tiếng bởi smartphone và phụ kiện liên quan, Xiaomi còn sở hữu một hệ sinh thái khổng lồ về các sản phẩm gia dụng như máy hút bụi, lọc khí, tạo ẩm, đồng hồ thông minh hay thậm chí là nồi chiên không dầu thông minh.
Điều này dẫn đến việc Xiaomi có thể tận dụng tối đa hệ sinh thái nhằm cho phép tất cả người dùng trên thế giới tận hưởng cuộc sống thông minh hơn thông qua trải nghiệm công nghệ. Xiaomi cam kết đầu tư 7 tỷ USD trong vòng 5 năm tới để duy trì vị thế dẫn đầu trong lĩnh vực này.
Ông đánh giá như thế nào về thị trường IoT tại Việt Nam?
Việt Nam chắc chắn là một thị trường tiềm năng trong khu vực. Theo Statista, thị trường nhà thông minh dự kiến đạt doanh thu 184 triệu USD vào năm 2021. Không những vậy, cách mạng công nghiệp 4.0 tại Việt Nam đang nhanh chóng được triển khai, công nghệ đóng vai trò chủ đạo.
Việt Nam đã có những bước đi ban đầu trong AI và IoT khi chính phủ định hướng công nghệ 4.0. Thúc đẩy tiến bộ công nghệ thông qua hàng loạt nền tảng điện thoại thông minh và các ứng dụng được sử dụng rộng rãi như ví e-com, theo dõi sức khỏe, bản đồ. Với 70% trong số hơn 90 triệu người dân Việt Nam có sử dụng smartphone có kết nối internet, đây là nguồn tài nguyên khổng lồ để IoT phát triển.
Chúng tôi đã đầu tư vào hơn 310 công ty với tổng giá trị sổ sách là 48,0 tỷ NDT, tăng 60,1% so với cùng kỳ năm ngoái cho nghiên cứu và phát triển sản phẩm trong hệ sinh thái thông minh.
Xiaomi bán rất nhiều sản phẩm IoT tại thị trường Trung Quốc nhưng ở Việt Nam thì các sản phẩm này không nhiều. Điều này dẫn đến tình trạng hàng xách tay Xiaomi xuất hiện tràn lan tại Việt Nam. Xiaomi xử lý vấn đề này như thế nào?
Chúng tôi có nhận thấy được thực trạng đó. Để người dùng có cơ hội tiếp cận được các sản phẩm chính hãng trong hệ sinh thái của Xiaomi, chúng tôi đã hợp tác với một số đơn vị phân phối uy tín.
Chúng tôi vẫn đang tiếp tục làm việc với nhiều các kênh phân phối chính hãng để có thể mở rộng sản phẩm thông minh IoT. Khi mua các sản phẩm xách tay, người dùng sẽ gặp nhiều bất lợi như chế độ bảo hành, thiếu linh kiện, phụ kiện... Trong tương lai, khi thị trường cũng như nguồn cung ổn định hơn, chúng tôi rất mong muốn có thể hợp tác thêm với nhiều nhà phân phối để người dùng có thể dễ dàng tiếp cận với các sản phẩm Xiaomi chính hãng.
Ông dự đoán như thế nào về thị trường smartphone những tháng cuối năm?
Càng về gần cuối năm, các hãng thường sẽ tăng cường ra mắt sản phẩm "đinh". Tuy nhiên, năm nay do ảnh hưởng của Covid-19 nên xu hướng thị trường có nhiều biến đổi, dẫn đến những yếu tố bất ngờ. Nhưng tôi vẫn cho rằng cuối năm là thời điểm thị trường sẽ trở nên sôi động hơn. Có thể nói, sẽ là một cuộc cạnh tranh thú vị. Tất cả đều vẫn phải đảm bảo yếu tố an toàn trong giai đoạn đại địch. Đồng thời vẫn mang đến đầy đủ nguồn cung cho thị trường những tháng cuối năm.
Camera, chipset, màn hình và 5G là những điểm mà Xiaomi luôn chú trọng cải tiến cho các dòng sản phẩm mới. Ví dụ: 5G thường chỉ xuất hiện trên những smartphone cao cấp với giá trên 20 triệu. Nhưng giờ đây, người dùng có thể trải nghiệm công nghệ này với các sản phẩm cận cao cấp hoặc tầm trung của Xiaomi như Redmi Note 10 giá 6 triệu đồng.
Dịch covid-19 ảnh hưởng như thế nào đối với việc sản xuất và kinh doanh smartphone Xiaomi?
Trong năm 2020, khi đại dịch bắt đầu xảy ra, Xiaomi đã bị ảnh hưởng do thiếu lao động tại các nhà máy ở Trung Quốc và hàng ngàn kỹ sư tại trung tâm R&D phải làm việc tại nhà trong thời gian dài. Chúng tôi cũng phải đóng cửa các nhà máy ở Ấn Độ một thời gian.
Có thể nói đó là khoảng thời gian khó khăn đối với Xiaomi nói riêng và cả ngành sản xuất công nghệ nói chung. Đến thời điểm hiện tại thì Xiaomi cũng đã hoạt động lại gần như bình thường, đồng thời cũng có những kế hoạch để có thể sống trong "bình thường mới" ở tất cả quốc gia chúng tôi có mặt.
Bên cạnh phát triển nguồn lực nhân tài, nghiên cứu và phát triển, chúng tôi đang đầu tư rất nhiều vào các nhà máy thông minh để có thể chủ động sản xuất và hạn chế tình trạng khan hàng.
Hiện nay, giai đoạn đầu tiên nhà máy thông minh của Xiaomi đã bắt đầu đi vào hoạt động. Các dây chuyền sản xuất được tự động hóa và có khả năng sản xuất 1 triệu điện thoại thông minh mỗi năm.
Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Công ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.