Giảm nguy cơ sa sút trí tuệ nhờ phẫu thuật đục thủy tinh thể
Cùng với sự già hóa dân số, số lượng người bị sa sút trí tuệ đang ngày tăng. Nghiên cứu mới đây cho thấy, phẫu thuật đục thủy tinh thể làm giảm nguy cơ mắc sa sút trí tuệ ở người cao tuổi. Kết quả này có thể trở thành hướng đi mới cho các nghiên cứu lâm sàng và điều trị tiềm năng trong tương lai.
- 1. Sơ lược về bệnh đục thủy tinh thể
- 2. Mối quan hệ giữa sự lão hóa ở mắt với lão hóa ở não bộ
- 3. Vì sao phẫu thuật đục thủy tinh thể làm giảm nguy cơ sa sút trí tuệ
- 4. Vai trò của nghiên cứu trong thực tiễn
Hiện nay, có hơn 55 triệu người trên toàn thế giới đang phải sống chung với hội chứng sa sút trí tuệ. Hội chứng này là nguyên nhân làm suy giảm chức năng nhận thức như trí nhớ, ngôn ngữ và tư duy.
Có nhiều dạng sa sút trí tuệ khác nhau, tuy nhiên Alzheimer là dạng sa sút trí tuệ phổ biến nhất trên thực tế. Các thống kê cho thấy, bệnh Alzheimer chiếm khoảng 60-80% các trường hợp bị sa sút trí tuệ. Mặc dù giới khoa học đã dành nhiều năm để nghiên cứu về nguyên nhân gây ra bệnh Alzheimer, nhưng mọi thứ đến nay vẫn còn chưa thực sự rõ ràng.
Gần đây, các nhà khoa học đến từ Đại học Y khoa Washington đã đăng tải một nghiên cứu mới trên Tạp chí JAMA Internal Medicine. Theo đó, phẫu thuật đục thủy tinh thể có thể làm giảm nguy cơ mắc các dạng sa sút trí tuệ ở người cao tuổi, bao gồm cả bệnh Alzheimer.
Họ cho rằng, nguyên nhân của mối quan hệ này là do tăng cảm giác và tăng tiếp xúc ánh sáng xanh sau phẫu thuật đục thủy tinh thể. Phát hiện trên được kỳ vọng giúp đưa ra các phương pháp mới để ngăn chặn và phòng tránh sa sút trí tuệ do tuổi tác.
1. Sơ lược về bệnh đục thủy tinh thể
Có khoảng 94 triệu người hiện đang bị mắc bệnh đục thủy tinh thể trên toàn cầu. Người ta cho rằng, sự phá vỡ cấu trúc của các protein trong thủy tinh thể là cơ chế chính gây ra bệnh lý này. Hiện tương này tạo nên các vùng đục giống như các đám mây ở thủy tinh thể.
Bệnh đục thủy tinh thể làm cho tầm nhìn của người bệnh như rơi vào màn sương mờ, mọi vật trở nên mờ hơn và nhạt màu hơn. Bệnh có xu hướng tiến triển dần theo thời gian và làm suy giảm thị lực một cách từ từ. Nếu không được điều trị, bệnh có thể gây ảnh hưởng đến các hoạt động như lái xe, đọc sách,...
Nguyên nhân phổ biến nhất gây bệnh đục thủy tinh thể trên thực tế là do lão hóa. Tuy nhiên, một số các yếu tố nguy cơ khác cũng có được biết đến có khả năng thúc đẩy sự phát triển của bệnh đục thủy tinh thể, chẳng hạn như hút thuốc lá, tiểu đường, tiếp xúc quá nhiều với ánh sáng mặt trời, tiền sử chấn thương mắt,...
Cho đến nay, phẫu thuật vẫn là cách duy nhất để điều trị bệnh đục thủy tinh thể. Các bác sĩ sẽ thay thế thể thủy tinh tự nhiên của mắt bởi một thể thủy tinh nhân tạo (hay còn được gọi là kính nội nhãn).
2. Mối quan hệ giữa sự lão hóa ở mắt với lão hóa ở não bộ
Theo Tác giả chính của nghiên cứu - Tiến sĩ Cecilia S. Lee, những nghiên cứu trong quá khứ đã phát hiện ra các bệnh lý tại mắt (thoái hóa điểm vàng do lão hóa, bệnh võng mạc đái tháo đường) có liên hệ với tăng nguy cơ bị bệnh Alzheimer, sa sút trí tuệ.
Trong khi đó, bệnh đục thủy tinh thể là một quá trình lão hóa tự nhiên của mắt. Điều này khiến nó ảnh hưởng chủ yếu đến người cao tuổi - là nhóm đối tượng có nguy cơ cao bị sa sút trí tuệ.
Bà giải thích rằng, mất cảm giác (thị giác, thính giác) được xem như một yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được của sa sút trí tuệ. Mà phẫu thuật đục thủy tinh thể lại làm cải thiện chức năng thị giác. Vì thế một giả thuyết đã được đưa ra, phẫu thuật đục thủy tinh thể ở người cao tuổi có khả năng làm giảm nguy cơ phát triển bệnh Alzheimer và sa sút trí tuệ.
Để thực hiện nghiên cứu mới, các nhà nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu của hơn 3000 người từng tham gia cuộc Nghiên cứu về thay đổi tư tưởng ở người trưởng thành. Các đặc điểm chung của họ bao gồm trên 65 tuổi, chưa từng được chẩn đoán bị sa sút trí tuệ trước đây.
Sau đó, nhóm nghiên cứu đã tiến hành trích xuất thông tin về phẫu thuật đục thủy tinh thể và phẫu thuật tăng nhãn áp từ hồ sơ y tế của những người đã tham gia.
Theo kết quả thu được, có đến 853 người trong số 3038 người tham gia nghiên cứu được chẩn đoán bị sa sút trí tuệ, trong đó có 709 người mắc bệnh Alzheimer. Ngoài ra, có 1382 người tham gia (tương đương 45%) đã từng thực hiện phẫu thuật đục thủy tinh thể.
Khi tiến hành phân tích, nhóm của Tiến sĩ Cecilia S. Lee đã nhận thấy rằng, nguy cơ phát triển sa sút trí tuệ ở những bệnh nhân đục thủy tinh thể giảm đi 30% sau khi đã làm phẫu thuật. Nhưng phẫu thuật tăng nhãn áp lại không có ảnh hưởng gì đến nguy cơ xuất hiện sa sút trí tuệ.
3. Vì sao phẫu thuật đục thủy tinh thể làm giảm nguy cơ sa sút trí tuệ
Theo nhóm nghiên cứu, bệnh đục thủy tinh thể gây cản trở sự truyền tải ánh sáng xanh vào mắt. Tuy nhiên sau khi phẫu thuật đục thủy tin thể, ánh sáng xanh được truyền vào mắt nhiều hơn. Vì vậy, có thể chính vai trò này của phẫu thuật đục thủy tinh thể đã giúp làm giảm nguy cơ sa sút trí tuệ.
Tiến sĩ Cecilia S. Lee giải thích, những tế bào hạch võng mạc cảm quang (ipRGCs) trên võng mạc đặc biệt nhạy cảm với kích thích do ánh sáng xanh gây ra. Khả năng này giúp chúng có vai trò quan trọng trong điều chỉnh nhịp sinh học của cơ thể. Người ta đã chứng minh rằng, sự thoái hóa và biến đổi của các tế bào ipRGCs có quan hệ với nhận thức và bệnh Alzheimer.
Trong khi đó phẫu thuật đục tinh thể lại có khả năng cải thiện sự tuyền tải ánh sáng xanh xuyên qua thủy tinh thể đến các tế bào ipRGCs. Vì vậy giúp kích hoạt lại sự hoạt động của các tế bào này, và trở thành một cách để ngăn chặn suy giảm nhận thức.
Theo bà, một số dấu ấn sinh học của võng mạc có thể bị ảnh hưởng ngay trong giai đoạn tiền lâm sàng của bệnh Alzheimer. Chúng được mong muốn rằng sẽ mang đến nhiều lợi ích đối với các thử nghiệm lâm sàng cũng như các phương pháp điều trị tiềm năng.
Vì thế, võng mạc có thể trở thành một phương pháp chẩn đoán không xâm lấn bệnh Alzheimer và những bệnh sa sút trí tuệ khác, ngay cả khi những căn bệnh này chưa phát triển triệu chứng.
Tiến sĩ Cecilia S. Lee chia sẻ, bà cùng các cộng sự của mình đang nghiên cứu, thu thập các hình ảnh không xâm lấn chất có lượng cao về võng mạc trên các đối tượng bao gồm cả những người có và không có vấn đề về nhận thức. Sau đó, những dữ liệu này sẽ được phân tích bởi trí tuệ nhân tạo (AI). Mục tiêu cuối cùng là phát triển các thuật toán nhằm nhận biết các đặc điểm về mắt có thể dự báo sự phát triển của sa sút trí tuệ, chẳng hạn như bệnh Alzheimer.
4. Vai trò của nghiên cứu trong thực tiễn
Theo Tiến sĩ Claire Sexton đến từ Hiệp hội Bệnh Alzheimer, mối quan hệ giữa suy giảm cảm giác (chẳng hạn mất thị lực) và tăng nguy cơ bị sa sút trí tuệ là điều đã được đề cập trong các nghiên cứu trước đây. Tuy nhiên nghiên cứu này lại cho thấy, loại bỏ bệnh đục thủy tinh thể để cải thiện chức năng thị lực giúp làm giảm nguy cơ sa sút trí tuệ.
Kết quả mà nghiên cứu thu được đã gửi một thông điệp mạnh mẽ tới các bác sĩ. Họ cần phải đánh giá và điều trị suy giảm cảm giác ở người cao tuổi, kể cả người mắc bệnh Alzheimer hay mắc các chứng sa sút trí tuệ khác.
Bà cho rằng, cần chú ý đến vai trò của đánh giá chức năng cảm giác trong xem xét sự thay đổi nhận thức và chẩn đoán sa sút trí tuệ, bệnh Alzheimer. Những người bị suy giảm chức năng cảm giác (suy giảm thính lực, thị lực,...) được khuyến khích tự theo dõi các đến vấn đề mà mình gặp phải, và báo cáo chúng với bác sĩ. Đồng thời, gia đình của họ cũng nên đóng vai trò quan trọng trong phát hiện, đánh giá và theo dõi các thay đổi cảm giác.
Còn theo Tiến sĩ Cecilia S. Lee, trong bối cảnh có rất ít các biện pháp có khả năng ngăn ngừa sa sút trí tuệ như hiện nay, chủ yếu là các biện pháp thay đổi lối sống như chế độ ăn uống hay luyện tập thể dục,... Kết quả này được kỳ vọng sẽ giúp các bác sĩ nhận thức nhiều hơn về tầm quan trọng của sức khỏe mắt ở người cao tuổi, là những người có nguy cơ bị sa sút trí tuệ.
Bà khuyên rằng, khi những người cao tuổi có các dấu hiệu của bệnh đục thủy tinh thể như khó khăn khi lái xe ban đêm, nhìn thấy quầng sáng xung quanh bóng đèn,... họ cần phải được đánh giá với các bác sĩ nhãn khoa. Một số người bệnh gặp trở ngại và lo lắng khi được chỉ định thực hiện phẫu thuật. Tuy nhiên các nghiên cứu đã cho thấy, phẫu thuật đục thủy tinh thể không gây đau và có thể mang lại nhiều lợi ích khác.
Nguồn tham khảo: https://www.medicalnewstoday.com/articles/cataract-surgery-may-lower-dementia-risk?fbclid=IwAR3yEsUCpmNTiicsxcUQ9g0fIN5lmlnRM0dkAsOSxp-hNLrK95o85jBaICY
Tổ chỉ đạo do Bộ trưởng Bộ GTVT Trần Hồng Minh làm tổ trưởng; Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy là tổ phó.