Giảm nhập siêu dịch vụ, thúc đẩy xuất khẩu bền vững

Kinh doanh
08:48 AM 28/05/2025

Để giảm nhập siêu dịch vụ, các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu dịch vụ cần tập trung vào ngành chiếm tỷ trọng cao như du lịch, vận tải...

Xuất nhập khẩu dịch vụ là việc cung cấp hoặc nhận các loại hình dịch vụ giữa các quốc gia. Khác với xuất nhập khẩu hàng hóa hữu hình, dịch vụ thường mang tính vô hình, phi vật chất và quá trình sản xuất và tiêu dùng thường diễn ra đồng thời.

Trong bối cảnh Việt Nam chủ trương đẩy mạnh các hoạt động ngoại thương nhằm phát triển tối đa tiềm lực kinh tế, tăng nguồn thu ngoại tệ và thể hiện sức hút thương hiệu, thì xuất khẩu hàng hóa dịch vụ được xem là một trong những thước đo quan trọng, góp phần khẳng định vị trí kinh tế của nước ta trên trường quốc tế.

Việt Nam được đánh giá có nhiều lợi thế về xuất khẩu dịch vụ ở các ngành như du lịch, logistics, vận tải biển, y tế... có khả năng đem lại giá trị gia tăng cao.

Giảm nhập siêu dịch vụ, thúc đẩy xuất khẩu bền vững- Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, thời gian qua, cán cân thương mại đang nghiêng về nhập siêu dịch vụ. Cụ thể, theo Cục Thống kê (Bộ Tài chính), trong quý 1/2025, kim ngạch xuất khẩu dịch vụ ước đạt 7,58 tỷ USD, tăng 21,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, dịch vụ vận tải đạt 2,0 tỷ USD chiếm 26,4% tổng kim ngạch và tăng 24,2%; dịch vụ du lịch đạt 4,2 tỷ USD chiếm 55,4% tổng kim ngạch và tăng 29,2% nhờ đón được số khách quốc tế đạt kỷ lục: hơn 6 triệu lượt khách.

Ở chiều ngược lại, trong quý 1, kim ngạch nhập khẩu dịch vụ ước đạt 9,22 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, dịch vụ vận tải đạt 3,73 tỷ USD chiếm 40,5% tổng kim ngạch và tăng 17,5%; dịch vụ du lịch đạt 3,4 tỷ USD chiếm 36,9% và tăng 30,8%.

Cục Thống kê cho biết, xuất khẩu dịch vụ của Việt Nam hiện gần như phụ thuộc vào các loại hình xuất khẩu tại chỗ như du lịch, các dịch vụ hỗ trợ vận tải trong khi dịch vụ tài chính, bảo hiểm, bưu chính viễn thông chiếm tỷ trọng quá nhỏ. Trong lĩnh vực y tế, việc thiếu những bệnh viện đạt tiêu chuẩn quốc tế đã làm giảm sức hút với khách hàng nước ngoài và khách trong nước. 

Đặc biệt, là ngành “sáng giá” nhất nhưng du lịch trong nước chưa tận dụng hết lợi thế để thu hút dòng khách cao cấp đến từ các thị trường như Mỹ, châu Âu. Đây là nhóm khách có khả năng chi trả cao, lưu trú dài ngày… Với khách du lịch trong nước, giá vé máy bay nội địa cao, cơ sở hạ tầng du lịch chưa đồng bộ đã khiến nhiều người Việt chọn du lịch nước ngoài.

Để thúc đẩy xuất khẩu dịch vụ, giảm nhập siêu, Việt Nam cần có chiến lược phát triển bền vững, cụ thể.

Bà Nguyễn Thu Oanh - Trưởng ban Thống kê dịch vụ và giá, Cục Thống kê, cho rằng trước hết cần hỗ trợ tài khoá và tín dụng cho các doanh nghiệp trong các ngành có thế mạnh về xuất khẩu dịch vụ. Điểm sáng được ghi nhận là việc Chính phủ tiếp tục đề xuất kéo dài thời gian giảm thuế VAT trong năm 2025 và 2026 để kích thích tiêu dùng dịch vụ nội địa, hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước nâng cao năng lực cạnh tranh.

Với từng nhóm ngành cụ thể, như dịch vụ vận tải, cần tăng cường mở rộng, thiết lập các đường bay trực tiếp kết nối Việt Nam với các quốc gia, vùng, lãnh thổ, nhất là các thị trường có nhiều khách du lịch đến Việt Nam và nâng cấp các đầu mối kết nối hàng không, đường bộ, đường biển. Ngoài ra, thực hiện chuyển dịch trong cơ cấu xuất khẩu dịch vụ để từng bước cân bằng cán cân thương mại dịch vụ, tăng tỷ trọng của các dịch vụ tài chính, bảo hiểm, bưu chính viễn thông…

Với các doanh nghiệp logistics, nguồn vốn hỗ trợ dài hạn với lãi suất phù hợp là nguồn lực đầu tư vào tàu biển và cơ sở hạ tầng. Ngoài ra, chính sách đặc thù về thuế và tín dụng cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực y tế góp phần thúc đẩy đầu tư vào thiết bị, công nghệ hiện đại và hạ tầng.

Với ngành trọng điểm là du lịch, để gia tăng dịch vụ xuất khẩu du lịch cần đẩy mạnh cơ cấu ngành du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng để tạo sức hút khách quốc tế đến Việt Nam và tăng cường đầu tư phát triển các ngành du lịch có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào khu du lịch quốc gia. Trong đó, chú trọng vào các thị trường khách quốc tế có mức chi tiêu lớn và tăng cường tổ chức các hoạt động kích cầu để kéo dài thời gian lưu trú của khách quốc tế.

Phát triển các sản phẩm du lịch đặc sắc mang đậm bản sắc văn hóa, các sản phẩm du lịch xanh, giảm phát thải, du lịch liên vùng… phù hợp với thị hiếu và sở thích của nhóm khách ở thị trường có nhu cầu cao, chi trả lớn.

Bên cạnh các chính sách vĩ mô, cần khẩn trương rà soát và ban hành các văn bản pháp luật, tạo khung pháp lý cho hoạt động xuất khẩu dịch vụ nhằm khai thác tối đa các hiệp định song phương, đa phương đã có hiệu lực. Đồng thời, cần ưu tiên, khuyến khích các doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và các chuẩn mực, thông lệ quốc tế phù hợp với điều kiện Việt Nam để nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của các dịch vụ xuất khẩu.

An Mai (t/h)
Ý kiến của bạn
Sản phẩm gỗ Việt Nam có nguy cơ bị áp thuế chống bán phá giá Sản phẩm gỗ Việt Nam có nguy cơ bị áp thuế chống bán phá giá

Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã nhận hồ sơ đề nghị điều tra chống bán phá giá (CBPG) và chống trợ cấp (CTC) với gỗ dán cứng và trang trí nhập khẩu từ Trung Quốc, Indonesia và Việt Nam.