Giám sát việc thí điểm xử lý nợ xấu tại Ngân hàng Thương mại CP Đầu tư và Phát triển chi nhánh Bỉm Sơn
Sáng 24/8, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Thanh Hóa do đồng chí Mai Văn Hải, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh làm trưởng đoàn đã có buổi giám sát chuyên đề việc thực hiện thí điểm xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 Quốc hội khóa XIV ở các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 15/8/2017 - 31/5/2022 tại Ngân hàng Thương mại CP Đầu tư và Phát triển chi nhánh Bỉm Sơn (BIDV Bỉm Sơn).
Cùng tham gia buổi giám sát có đại diện Ủy ban Pháp luật và Ủy ban Tư pháp của Quốc hội; đại diện lãnh đạo Tòa án Nhân dân tỉnh, Sở Tài chính, Cục Thi hành án dân sự tỉnh, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thanh Hóa và UBND thị xã Bỉm Sơn.
Nợ xấu là vấn đề liên tục, luôn hiện hữu cùng với hoạt động của ngành ngân hàng nói riêng và nền kinh tế nói chung, nhất là nợ xấu có xu hướng gia tăng trong 2 năm vừa qua do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Việc mở rộng phạm vi áp dụng của khoản nợ xấu và kéo dài thời gian áp dụng Nghị quyết 42 là vấn đề cấp bách, để đẩy nhanh xử lý nợ xấu, khơi thông nguồn vốn, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, người dân trong điều kiện tác động chưa thể lường hết của dịch bệnh, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế. Việc này cũng nhằm cụ thể hoá các chủ trương về hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về xử lý nợ xấu.
Theo báo cáo từ lãnh đạo BIDV Bỉm Sơn, ngay sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết số 42/2017/QH14 và BIDV Hội sở chính triển khai đến các chi nhánh, BIDV Bỉm Sơn đã thông báo đến các khách hàng đang có nợ xấu, đồng thời thành lập tổ xử lý nợ theo tinh thần nghị quyết. Ngoài giao nhiệm vụ cho các phòng, định kỳ hàng tháng tổ xử lý nợ rà soát, đánh giá kết quả thực hiện và những vướng mắc để từ đó đưa ra các giải pháp tiếp theo.
Nghị quyết số 42/2017/QH14, ngày 21-6-2017 của Quốc hội khóa XIV đã thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong xử lý nợ xấu, qua đó khơi thông được nguồn vốn đang ứ đọng cho nền kinh tế. Từ đó, các cơ quan Nhà nước, hệ thống tòa án, cơ quan thi hành án đã vào cuộc mạnh mẽ hơn, giúp hoạt động xử lý nợ xấu được nhanh và hiệu quả.
Theo ông Trần Trung Kiên – Giám đốc BIDV Bỉm Sơn cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng BIDV Việt Nam, từ ngày 14/02/2020, BIDV Bỉm Sơn đã đã yêu cầu các Phòng giao dịch trên địa bàn triển khai các hoạt động rà soát, xây dựng các phương án, kịch bản linh hoạt để sẵn sàng xử lý tình huống. Chủ động năm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, tình hình tài chính, phân tích đánh giá tình hình thiệt hại của khách hàng vay bị ảnh hưởng của dịch để thực hiện hỗ trợ khách hàng kịp thời, các cơ chế hỗ trợ phù hợp với từng đối tượng khách hàng như: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ đối với các khách hàng được đánh giá là có khả nợ trả nợ đầy đủ sau khi cơ cấu lại thời hạn trả nợ; Miễn, giảm lãi theo quy định đối với các khách hàng gặp khó khăn để hỗ trợ khách hàng cũng như khuyến khích khách hàng trả nợ ngân hàng. Áp dụng các gói tín dụng ưu đãi để cho vay đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch covid- 19 khi khách hàng có phương án/dự án sản xuất kinh doanh khả thi nhằm khôi phục duy trì sản xuất kinh doanh. Đồng thời phối kết hợp cùng các cơ quan, ban ngành địa phương để tiến hành thu hồi nợ đọng, nợ xấu.
Ông Kiên trao đổi thêm, sau khi có Nghị quyết 42, phần xử lý nợ xấu thu hồi do khách hàng tự trả nợ tăng lên nhiều so với trước, khoảng 40%. Tức là, khi có nghị quyết này, người đi vay thấy trách nhiệm của mình trong vay, trả nợ và tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng thu hồi nợ...Từ tháng 8-2017 đến tháng 5-2022, BIDV Bỉm Sơn đã phối hợp với các cơ quan tòa án và thi hành án khởi kiện 23 khách hàng có nợ xấu, thu hồi 20,234 tỷ đồng.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện thu hồi nợ xấu theo tinh thần Nghị quyết 42/2017/QH14 cũng phát sinh nhiều tồn tại, hạn chế, nhất là việc áp dụng thủ tục rút gọn và thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản biến động và việc nộp thuế khi chuyển nhượng tài sản biến động. Bên cạnh đó, nhiều cơ quan có liên quan còn chậm triển khai và chưa có hướng dẫn cụ thể, nên việc phối hợp thực hiện nghị quyết chưa được thông suốt...
Tại buổi giám sát, đại diện BIDV Bỉm Sơn, các cơ quan liên quan đã phân tích ưu điểm và nhược điểm trong thực tiễn triển khai thí điểm Nghị quyết 42/2017/QH14; đồng thời cũng đề xuất, kiến nghị để Đoàn ĐBQH tỉnh có ý kiến lên Quốc hội nhằm đưa ra các giải pháp điều chỉnh phù hợp để làm sao vấn đề xử lý nợ xấu không còn là "cục máu đông" cần phải được khơi thông, tháo gỡ của ngành Ngân hàng.
Hiện nay, việc xử lý nợ xấu là một trong những vấn đề được quan tâm hàng đầu của các ngân hàng thương mại bởi hậu quả của nó gây ra cho hệ thống các ngân hàng và nền kinh tế là rất lớn. Tuy nhiên, để xử lý được nợ xấu không phải là vấn đề đơn giản trong một sớm một chiều. Phải làm sao để việc xử lý này đạt được kết quả tốt nhất.
BIDV Bỉm Sơn là 1 trong 3 chi nhánh cấp I trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Trải qua 16 năm xây dựng và phát triển, BIDV Bỉm Sơn không ngừng đổi mới, thích ứng kịp thời với môi trường kinh doanh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, ngày càng khẳng định vị thế, uy tín của một trong những thương hiệu ngân hàng hàng đầu của tỉnh; được các đối tác, doanh nghiệp, cộng đồng xã hội tin tưởng, ghi nhận và đánh giá cao. Liên tục được BIDV xếp loại đơn vị hoàn thành xuất sắc kế hoạch kinh doanh của hệ thống.
Yến HoàngCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.