Giảng viên đại học phải có bằng thạc sĩ trở lên
So với quy định trước đây tại Thông tư 36/2014/TTLT-BGDĐT-BNV, đối với giảng viên (hạng III) tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng yêu cầu phải có bằng thạc sĩ trở lên.
Bộ GDĐT vừa ban hành Thông tư 40/2020/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, bổ nhiệm và xếp lương đối với viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học công lập. Đây sẽ là căn cứ để thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng, bổ nhiệm, xếp lương và quản lý viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học công lập.
Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 12/12/2020.
Theo đó, chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học công lập (đại học, học viện, trường đại học công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân) bao gồm: Giảng viên cao cấp (hạng I) – Mã số V.07.01.01; Giảng viên chính (hạng II) – Mã số V.07.01.02; Giảng viên (hạng III) – Mã số V.07.01.03; Trợ giảng (hạng III) – Mã số V.07.01.23.
Viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học công lập phải đáp ứng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp theo quy định cụ thể đối với từng chức danh, trong đó, bổ sung thêm những quy định đối với chức danh trợ giảng (hạng III).
So với quy định trước đây tại Thông tư 36/2014/TTLT-BGDĐT-BNV, đối với Giảng viên (hạng III) tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng yêu cầu phải có bằng thạc sĩ trở lên; đối với Giảng viên chính (hạng I), trong quy định tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, giảm xuống chỉ còn Chủ trì biên soạn ít nhất 1 sách phục vụ đào tạo, được hội đồng khoa học thẩm định, nghiệm thu và đưa vào sử dụng.
Theo Thông tư mới, việc bổ nhiệm và xếp lương theo chức danh nghề nghiệp được thực hiện theo nguyên tắc căn cứ vào vị trí việc làm, chức trách, nhiệm vụ, năng lực và chuyên môn nghiệp vụ đang đảm nhận của viên chức và theo quy định của pháp luật. Không được kết hợp nâng bậc lương hoặc thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức.
Thông tư cũng quy định về cách xếp lương đối với các chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy. Theo đó, Giảng viên cao cấp (hạng I) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A3, nhóm 1 (A3.1) từ hệ số lương 6,20-8,00; Giảng viên chính (hạng II) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm 1 (A2.1) từ hệ số lương 4,40-6,78; Giảng viên (hạng III) , trợ giảng (hạng III) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1, từ hệ số lương 2,34-4,98.
Việc xếp lương vào chức danh nghề nghiệp được thực hiện sau khi đã được cấp có thẩm quyền bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp theo quy định.
Ngoài ra, viên chức giữ chức danh trợ giảng (hạng III) nếu đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn, điều kiện của chức danh nghề nghiệp giảng viên (hạng III) thì căn cứ vào vị trí việc làm, yêu cầu nhiệm vụ, thủ trưởng cơ sơ giáo dục xem xét và bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giảng viên (hạng III).
Hoàng MaiKhông khí Tết len lỏi khắp mọi nẻo đường lên “nóc nhà Đông Dương”, Fansipan (Sa Pa) khoác lên tấm áo xuân rực rỡ sẵn sàng chào đón du khách trong kỳ nghỉ lễ sắp tới.