Giao dịch di động dự báo tăng trưởng 300%

Đầu tư và Tiếp thị
09:00 AM 18/03/2021

Các chuyên gia phân tích tại BackBase và IDC Financial Insights cho rằng giao dịch di động tại Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng 300% trong giai đoạn 2021-2025.

Tại Báo cáo ngành Fintech và Ngân hàng số khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (APAC) năm 2025, các chuyên gia phân tích tại BackBase và IDC Financial Insights cho rằng giao dịch di động tại Việt Nam dự kiến tăng trưởng 300% trong giai đoạn 2021-2025, dẫn đầu là sự phát triển mạnh mẽ của thanh toán di động.

Giao dịch di động dự báo tăng trưởng 300% năm 2025 - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Các số liệu phân tích chỉ ra mô hình ngân hàng số phù hợp là yếu tố then chốt tác động tới khả năng thích ứng của các tổ chức tài chính cũng như cơ hội phục hồi sau những trì trệ liên quan tới đại dịch. 

Báo cáo nhấn mạnh rằng các ngân hàng số trên khắp APAC đã đạt mức tăng trưởng khách hàng cao gấp 3 lần so với ngân hàng truyền thống tính trong năm 2019 - 2020. Các ngân hàng khác trong ngành cũng đã phải nỗ lực chạm mốc tăng trưởng ít nhất 50% về số lượng giao dịch di động và tương tác của khách hàng trên nền tảng số. Theo dự kiến, những sáng kiến chuyển đổi số và tái cơ cấu toàn diện đề án tương tác khách hàng sẽ sớm được các tổ chức khôi phục.

Do thách thức của đại dịch COVID-19, một số công ty công nghệ tài chính và neobank phải rút lui khỏi APAC, vì vậy những ngân hàng đương nhiệm tại Việt Nam lại nắm trong tay cơ hội xây dựng tệp khách hàng trung thành và tái kích hoạt hoạt động kinh doanh về dài hạn. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của IDC, dự báo thị trường vẫn sẽ đón thêm khoảng 100 ngân hàng thế hệ mới vào năm 2025.

Song song những thử thách ngày càng khắc nghiệt hơn hậu đại dịch, tại mỗi thị trường trong khu vực APAC, các ngân hàng đương nhiệm sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ ít nhất hai ngân hàng số. Dự tính có đến 30% hoạt động kinh doanh của các ngân hàng Việt Nam sẽ gặp đe dọa từ những thách thức kỹ thuật số mới.

Theo báo cáo, một số fintech phát triển đủ quy mô vào năm 2019 đã ghi nhận thành công nhất định và chiếm được thị phần nhiều hơn dự kiến. Vì vậy, với mong muốn tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, các ngân hàng truyền thống cũng đang tập trung cải tiến để bắt kịp sự thay đổi hành vi của người tiêu dùng. Các khoản đầu tư vào nền tảng số đã mang lại hiệu quả rõ rệt như: ngân hàng có thêm tiềm lực để thu hút khách hàng mới, nâng cao mức chi tiêu của người dùng và ra mắt nhiều sản phẩm hơn. 

Bên cạnh đó, bản phát hành mới nhất của Dự báo ngành Fintech và Ngân hàng số khu vực APAC cũng chỉ ra 60% ngân hàng tại đây sẽ tận dụng AI và công nghệ máy học (ML) để giải quyết các vấn đề dựa trên cơ sở dữ liệu, trong khi con số này của năm trước chỉ dừng ở mốc 48%. Tại Việt Nam, ngân hàng lõi và hiện đại hóa hệ thống thanh toán sẽ là hai mối quan tâm chính của top 8 ngân hàng hàng đầu quốc gia, nhằm đón đầu nhu cầu tiêu dùng tăng cao vào năm 2025.

Ngoài ra, một xu hướng tài chính cơ bản khác cũng dần được chú trọng, thậm chí vượt trên cả nhu cầu phát triển những nguồn thu mới, đó là dịch vụ cho vay. Xu hướng nói trên rất rõ nét tại Việt Nam, khi có tới 80% ngân hàng tái đầu tư vào quản lý rủi ro tín dụng và tài sản nợ, song song việc củng cố năng lực cho vay. Dự tính hoạt động cho vay tại Việt Nam sẽ chạm mốc tăng trưởng hai con số mỗi năm kể từ 2021. 

Huyền My (TH)
Ý kiến của bạn